Để phục vụ nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Đại học Glasgow, Anh so sánh hồ sơ bệnh án của 7.676 cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp với 23.000 người đàn ông khác.
Kết quả, các cựu cầu thủ bóng đá có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao gấp 5,07 lần so với người khác. Trong khi tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ của họ cũng cao hơn 3,5 lần. Thậm chí, các cậu thủ còn có tỷ lệ thiệt mạng do bệnh Parkinson lên tới 2,15 lần và tăng nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh vận động lên 4,33 lần.
Chuyên gia thần kinh học tiến sĩ Willie Stewart – chủ nhiệm đề tài cho biết, nghiên cứu cho thấy những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có nguy cơ bị thiệt mạng do bệnh thần kinh cao hơn so với người khác. Nguyên nhân có thể do trong quá trình luyện tập, thi đấu họ thường xuyên dùng đầu để chơi bóng hoặc gặp chấn thương do va chạm.
Vì vậy, giới khoa học cũng như bác sĩ đang cố gắng vận động kêu gọi các cầu thủ ít dùng đầu hơn khi luyện tập và thi đấu. Ngoài ra, họ cần được kiểm tra sức khỏe thật kỹ lưỡng sau khi gặp các chấn thương liên quan tới thần kinh.
“Không thể cấm hay bắt các cầu thủ bỏ chơi bóng bằng đầu. Tuy nhiên, họ có thể hạn chế các vấn đề về chấn thương não bộ bằng việc chơi bóng bằng đầu ít hơn trong quá trình tập luyện. Các bậc cha mẹ cũng nên chú ý hơn đến con cái nếu các bé gặp các chấn thương ở đầu trong lúc chơi bóng hay nô đùa để hạn chế tối đa bệnh tật về sau”, TS Willie nói.
Theo tiến sĩ Hilda Hayo, đây được cho là nghiên cứu toàn diện nhất về các bệnh thoái hóa thần kinh ở các cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, góp phần chẩn đoán chính xác hơn chứng bệnh mất trí nhớ. Ngoài ra, nghiên cứu cũng hỗ trợ xây dựng nhiều trường hợp để sàng lọc các nhóm nguy cơ cao mắc các bệnh về suy giảm trí nhớ cao tuổi như: Alzheimer, Parkinson.
Bình luận