• Zalo

Sức khỏe 24h: 30% dân số Việt Nam bị rối loạn tâm thần, 2 trẻ sinh non ngừng thở được cứu sống

Sức khỏeThứ Tư, 05/04/2017 17:27:00 +07:00Google News

Hai trẻ sinh non đã ngừng thở được bác sĩ cứu sống, kỷ luật bác sĩ liên quan đến cái chết của bé gái tắc ruột ở Sóc Trăng, bệnh nhân tử vong tại chỗ do ngã từ tầng 6 tại Bệnh viện Sóc Trăng, nghiên cứu cho thấy 30% dân số Việt Nam bị rối loạn tâm thần… là những thông tin về y tế, sức khỏe mới nhất trong ngày 5/4.

Thông tin y tế, sức khỏe mới nhất trong ngày 5/4.

Kỳ diệu: 2 trẻ sinh non có dấu hiệu ngừng thở được bác sĩ cứu sống

Ngày 6/3, khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận 2 sản phụ là Hoàng Thị H. (26 tuổi, ở xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà) và Nguyễn Thị Hồng M. (21 tuổi, ở xã Đức Giang, huyện Vũ Quang) trong tình trạng đau bụng dữ dội, khả năng sinh non rất cao.

Sau khi siêu âm, các bác sĩ xác định 2 sản phụ mang thai 27 tuần, cần tiến hành đỡ đẻ gấp, tránh biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, khi sinh, mỗi bé chỉ nặng xấp xỉ 1 kg, bị suy hô hấp sơ sinh nặng, toàn thân tím tái, tim ngừng đập. Các bác sĩ phải lập tức tiến hành hồi sức, cấp cứu cho bé, sau đó chuyển sang khoa Nhi của Bệnh viện để tiếp tục theo dõi và điều trị.

benh-vien-1491310307408-0626

Hiện nay, tình trạng của bệnh nhi đã ổn định, dự kiến sẽ xuất hiện trong vài ngày tới 

Theo bác sĩ Lê Hữu Anh, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh), sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tiếp tục tiến hành cấp cứu, hồi sức, cho thở máy, bơm Surfactant qua nội khí quản, đặt tĩnh mạch rốn, nuôi dưỡng hoàn toàn qua tĩnh mạch thì da có biểu hiện hồng lên, có nhịp tim trở lại.

Hai bé sinh non sau đó được cho thở máy 1 tuần rồi chuyển qua chế độ chăm sóc đặc biệt như nằm lồng ấp, nuôi dưỡng qua tĩnh mạch, cho thở bằng máy thở máy PEEP.

Tính đến thời điểm này, sau gần 1 tháng điều trị tích cực, sức khỏe 2 bé đã ổn định, dự kiến bệnh nhi sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Sóc Trăng: Kỷ luật bác sĩ liên quan đến cái chết của bé gái do tắc ruột

Bác sĩ Cao Mạnh Trường đã bị Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng kỷ luật do có sai phạm trong quá trình điều trị bé gái 2 tuổi bị chết do tắc ruột.

Theo nhận định của Sở Y tế tỉnh, “về mặt chuyên môn, cháu bé được điều trị đúng quy trình, song bác sĩ Trường đã không giải thích rõ cho gia đình để xảy ra bức xúc cho người thân bệnh nhân".

Trường hợp thương tâm xảy ra vào tối 26/1, sau khi bé gái được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Châu Thành để điều trị do bị chướng bụng.

Khi đó, bác sĩ chỉ định siêu âm song lại không có bác sĩ siêu âm trực tại trung tâm.

Sau khi vào viện, bé liên tục sốt cao, lên cơ co giật liên hồi và phải được chuyển vào phòng cấp cứu. Sau hơn 2 giờ nhập viện, bé được chuyển lên tuyến trên nhưng đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Gia đình vô cùng bức xúc nên đã đưa thi thể của bé quay lại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong.

Cần Thơ: Bệnh nhân tử vong tại chỗ do ngã từ tầng 6 xuống lan can tầng 3

Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 3h30 sáng 4/4, khi phát hiện bệnh nhân P.T.K (45 tuổi, trú tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) không có trong phòng bệnh của khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ), người nhà đã hốt hoảng đi tìm kiếm.

bvdk-tpcantho-0653

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - nơi xảy ra sự việc 

Ít phút sau, gia đình phát hiện bệnh nhân đã rơi xuống ban công tầng 3 của bệnh viện. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu nhưng được xác định đã tử vong trước đó.

Theo các bác sĩ tại khoa Ngoại thần kinh, bệnh nhân nhập viện ngày 17/3 với triệu chứng đau nhức cột sống và đau đĩa đệm thắt lưng. Căn bệnh này đã tồn tại 10 năm, bệnh nhân từng được phẫu thuật u tủy 2 lần.

Trong thời gian gần đây khi nhập viện, tình hình bệnh nhân chậm tiến triển, đau nhức vẫn kéo dài, đi lại khó khăn. Hiện tại, các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ vẫn đang điều tra nguyên nhân khiến cho bệnh nhân bị ngã từ tầng 6 xuống.

Mỹ phát hiện phương pháp mới ngăn chặn nhiễm trùng kháng kháng sinh

Nghiên cứu đăng trên tờ American Journal of Respiratory and Critical Care Medicine mới đây đã mô tả một hướng điều trị mới cho nhiễm trùng kháng kháng sinh mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và thầy thuốc.

viet-nam-phat-hien-sieu-vi-khuan-khang-nhieu-loai-khang-sinh

Dùng kháng sinh bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây ra kháng kháng sinh 

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Birmingham và Đại học Newcastle thấy rằng, phương pháp đặc biệt loại bỏ các kháng thể ra khỏi máu sẽ làm giảm tác động của nhiễm trùng mạn tính, số ngày nằm viện và việc sử dụng kháng sinh.

Nghiên cứu được thực hiện đối với 2 bệnh nhân bị mắc bệnh giãn phế quản và nhiễm Pseudomonas aeruginosa mạn tính có khả năng kháng với nhiều kháng sinh. 

Các bác sĩ cho rằng những bệnh nhân này có quá nhiều một kháng thể đặc biệt trong máu, dẫn đến việc các kháng thể này đã ngăn không cho hệ miễn dịch tiêu diệt vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, khiến cho bệnh tình của bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn.

Phương pháp điều trị kháng kháng thể mới được các bác sĩ tại Đại học Birmingham tiến hành bằng cách loại bỏ các kháng thể trong máu đã đem lại những kết quả vô cùng tích cực. Phương pháp có thể được áp dụng rộng rãi đối với các bệnh nhiễm khuẩn khác và mang lại hy vọng điều trị một số bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh.

Sốc: 30% dân số Việt Nam bị rối loạn tâm thần

Tại hội thảo giáo dục sức khỏe với chủ đề: “Trầm cảm - Hãy cũng trò chuyện” do Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, ông Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có dấu hiệu rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.

Năm 2016, Viện đã khám và điều trị ngoại trú hơn 18.000 lượt bệnh nhân trầm cảm (chiếm 30%), điều trị nội trú hơn 440 lượt bệnh nhân (chiếm 13,0%). Trung bình mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh trầm cảm. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta dao động 36.000- 40.000 người.

Theo nghiên cứu mới nhất tại Viện Sức khỏe Tâm thần năm 2016, 36,5% những bệnh nhân trầm cảm từ 45 tuổi có ý định tự sát. Nguyên nhân chủ yếu là do họ cảm thấy vô dụng, tội lỗi, không muốn sống.

Theo các lãnh đạo Viện Sức khỏe tâm thần, việc điều trị bệnh trầm cảm gặp rất nhiều khó khăn. Không phải bệnh nhân nào cũng ý thức được việc mình bị trầm cảm để đến điều trị đúng chuyên khoa từ sớm.

Điều trị trầm cảm là một quá trình tốn nhiều thời gian và hiệu quả không phải lúc nào cũng như ý muốn, dẫn đến bệnh nhân chán nản, muốn bỏ cuộc. Có người đã điều trị được một thời gian nhưng sau đó bệnh lại tái phát.

Ông Phương cho rằng, việc nhận ra các dấu hiệu trầm cảm là điều vô cùng quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ điều trị. Một số dấu hiệu trầm cảm phổ biến đó là người bệnh cảm thấy buồn chán, trống rỗng, khó tập trung, hay quên, mệt mỏi, không muốn làm gì, cảm thấy tội lỗi, vô dùng, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, hay cáu gắt, giận dữ, sụt cân, nghĩ về cái chết, có ý định hoặc hành vi tự sát…

Ông cũng khuyến cáo rằng, khi gặp bệnh nhân trầm cảm, các bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cần phát hiện sớm những dấu hiệu trầm cảm ở bệnh nhân, từ đó tư vấn và giới thiệu họ đến khám tại các cơ sở điều trị chuyên khoa tâm thần để bệnh nhân được điều trị sớm một cách tích cực và hiệu quả nhất.

Video: Trung Quốc: Không đẻ được con trai, mẹ trầm cảm sát hại 4 con gái

 

Bình luận
vtcnews.vn