• Zalo

Sức công phá khủng khiếp của bom nhiệt hạch Triều Tiên vừa thử nghiệm

Thế giớiChủ Nhật, 03/09/2017 17:07:00 +07:00Google News

Bom nhiệt hạch là thứ vũ khí khủng khiếp nhất mà loài người từng phát minh ra, có sức hủy diệt ghê gớm tới mức chỉ cần 10 - 100 quả bom H với sức công phá như hiện nay có thể hủy diệt thế giới.

Cách đây vài tiếng đồng hồ, Triều Tiên tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch có thể gắn vào tên lửa đạn đạo. 

Theo cơ quan khí tượng Hàn Quốc, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên ước tính đạt sức công phá 100 kiloton và cường độ cơn địa chấn do vụ thử này gây ra cao gấp 9,8 lần so với vụ thử lần thứ 5 và gấp khoảng 5 lần sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nagaski, Nhật Bản năm 1945.

bom_nhiet_hach

Bom nhiệt hạch có sức công phá gấp nhiều lần bom nguyên tử.  

Được Mỹ bắt đầu nghiên cứu phát triển vào những năm đầu 1950, bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H, bom Hydro, bom khinh khí) được cho là có sức công phá mạnh gấp hàng ngàn lần bom nguyên tử. Năng lượng giải phóng từ một vụ nổ nhiệt hạch có thể ngay lập tức phá hủy mọi thứ trong vòng bán kính vài km. 

Theo các chuyên gia quân sự, một quả bom nguyên tử chỉ có sức công phá tính bằng kiloton (1 kiloton bằng 1.000 tấn thuốc nổ TNT). Trong khi đó, sức nổ của một trái bom H thông thường sẽ được tính bằng megaton - tương đương với hàng triệu tấn thuốc nổ TNT.

Trong lịch sử, quả bom khinh khí đầu tiên "Ivy Mike" do Mỹ thử nghiệm vào năm 1952 có sức công phá mạnh 10,4 megaton, tạo ra một nhiệt lượng tác động trong bán kính 56 km. Trong khi đó trái Fat Man, quả bom nguyên tử từng cướp đi sinh mạng của 40.000 người tại Nagasaki mới chỉ có sức nổ khoảng 21 kiloton.

Đó là chưa kể đến tác hại lâu dài khi kích nổ chúng. Dù được cho là bom "sạch" do lượng phóng xạ thải ra ít hơn, nhưng các bụi phóng xạ vẫn có thể đầu độc sinh vật sống, gây ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước trong hàng trăm năm.

Video: Triều Tiên thông báo về vụ thử bom nhiệt hạch

Hiện có 9 nước tuyên bố có sở hữu vũ khí hạt nhân, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Trong đó, chỉ có 5 nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc có bom nhiệt hạch.

Bom H (bom nhiệt hạch) hoạt động dựa vào quá trình tổng hợp hạt nhân. Thay vì chia thành các nguyên tử lớn hơn, các nguyên tử nhỏ hydrogen được tổng hợp thành các nguyên tử lớn hơn đồng thời tạo ra năng lượng lớn gấp hàng nghìn lần so với loại vũ khí hạt nhân từng sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Nhiệt lượng cực lớn có thể gây ra các cơn bão lửa; ánh sáng trắng cường độ cao từ vụ nổ có thể gây mù lòa. Bụi phóng xạ và các sản phẩm phụ của phản ứng như cesium-137 và strontium-90 có thể đầu độc các sinh vật sống, ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước trong hàng trăm năm.

Trên thực tế, bom nhiệt hạch chưa bao giờ được sử dụng trong thực tế mặc dù có một số lần loại vũ khí nguy hiểm này gần như đã được đưa ra chiến trường. Ví dụ điển hình như trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trong những năm 1960.

Bởi ẩn chứa sức tàn phá khủng khiếp, các cường quốc hạt nhân luôn e dè trong việc sử dụng bom nhiệt hạch. Các hiệp ước hạt nhân cũng hạn chế việc sản xuất các đầu đạn hạt nhân trong vài thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, nhận thức được sức mạnh của vũ khí hạt nhân trong việc bảo vệ lãnh thổ và răn đe kẻ thù, Triều Tiên vẫn đang tìm mọi cách để làm chủ được công nghệ này.

Song Hy (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn