Quy định khống chế chi phí lãi vay 20% gây bức xúc cộng đồng doanh nghiệp trong 3 năm qua tưởng sẽ được phần nào tháo gỡ khi Bộ Tài chính đưa ra dự thảo lấy ý kiến sửa đổi, tăng khống chế chi phí lãi vay lên 30%. Nhưng trong bản dự thảo trình Chính phủ, Bộ này đã “gạt” đi một số quy định khiến doanh nghiệp "ngã ngửa".
Cụ thể, văn bản sửa đổi sẽ chỉ được áp dụng từ kỳ quyết toán thuế 2019, trong khi mong mỏi của doanh nghiệp là được hồi tố về năm 2017, 2018 bởi từ khi ban hành đến nay, quy định đã khiến nhiều đơn vị kiệt sức vì phải cõng số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng vọt. 4.875 tỷ đồng thu sai rất có thể sẽ không quay về với doanh nghiệp.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, trong trường hợp hồi tố có thể sẽ tạo ra cơ chế xin cho phức tạp, không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng cách giải thích này của Bộ là đang né tránh trách nhiệm quản lý của mình, bởi bởi cán bộ thuế có trách nhiệm phân xử cuối cùng. Nếu ngành thuế làm đúng trách nhiệm quản lý, minh bạch, hoàn toàn không thể xảy ra việc xin - cho và lợi ích nhóm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình thẳng thắn nhìn nhận, việc né trách nhiệm của Bộ Tài chính là “không sòng phẳng”:
“Nếu đã sửa trần lãi vay thì phải trả lại phần chênh cho doanh nghiệp. Phải xác định đây là thu sai chứ không phải nộp thừa. Thu sai rồi mà cố tình chây ỳ thì càng sai. Trong khi doanh nghiệp mà nộp thuế chậm thì bị phạt ngay, như thế là không sòng phẳng”, vị chuyên gia nhận định.
Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nói, Bộ Tài chính không nên tư duy đẩy cái khó, cái khổ về phía doanh nghiệp. Rõ ràng công tác quản lý thuộc về các cơ quan nhà nước còn việc bồi hoàn cho doanh nghiệp là việc cần phải thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp:
“Số thuế từng doanh nghiệp đã nộp mỗi năm không thể sửa lại vì đã lưu vào sổ sách kế toán, nộp cho Nhà nước. Việc khấu trừ, bồi hoàn trên là sự điều chỉnh chung với các doanh nghiệp chứ không phải là ưu đãi theo từng trường hợp cụ thể nào. Điều này rất khách quan nên chúng ta không sợ xin cho”, ông Hiếu phân tích.
Bên cạnh việc “ngại xin cho”, một lý do nữa được Bộ Tài chính đưa ra để bảo lưu quan điểm không ủng hộ hồi tố, đó là nếu hồi tố sẽ không có nguồn hoàn trả số tiền 4.875 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia đều phản biện rằng, khoản hồi tố gần 5.000 tỷ đồng có thể khấu trừ hàng năm, không ảnh hưởng tới ngân sách.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, việc khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm sẽ giúp ngân sách không cần bố trí ngay một khoản hàng nghìn tỷ, không cần quyết toán lại ngân sách nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng lợi ích chính đáng. Việc này hoàn toàn không có gì khó khăn.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty luật Basico, khi cơ quan quản lý Nhà nước đã xác định đây là quy định bất hợp lý và đã sửa (nâng trần 20% lên 30%) thì cần phải sửa sai đến cùng bằng cách hồi tố.
Việc hồi tố cũng có đầy đủ cơ sở pháp lý. Điều 152 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 quy định, trong trường hợp cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện quyền, lợi ích của tổ chức nhân, văn bản quy phạm pháp luật được quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố).
Mặt khác, số tiền thuế đã nộp có thể được hiểu là “số tiền thuế do cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số tiền thuế doanh nghiệp bị tính thừa” nên có thể vận dụng các điều quy định tại Luật quản lý thuế hiện hành.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp mong được hồi tố như một liều thuốc giảm đau. Việc hồi tố ở đây không phải dành cho lợi ích của một hay một nhóm doanh nghiệp nào mà rõ ràng là lợi ích chung cả cả xã hội.
Bình luận