Phát biểu ý kiến tại tọa đàm góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 20/2, PGS.TS Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Thành Đông, nhận định thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập. Nguyên nhân do việc xác định giá đất và phương pháp định giá đất chưa sát với giá trên thị trường, gây thu thất thu ngân sách Nhà nước, xảy ra nhiều tiêu cực, tham nhũng.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, định giá đất là vấn đề không hề đơn giản, giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập thực hiện.
Theo vị chuyên gia này, các tổ chức này cũng có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp định giá trong "Tiêu chuẩn định giá Tài sản của Việt Nam", bảo đảm sự thống nhất trong việc định giá đất như phản ánh trung thực giá thị trường, nguyên tắc độc lập, khách quan của các chủ thể tư vấn, xác định giá đất, tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát…
PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, các tổ chức định giá đất cần thực hiện một cách khách quan các tiêu chuẩn định giá đất. Có như vậy, hoạt động định giá đất mới bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và giá đất do cơ quan định giá đất xác định sẽ phản ánh đúng giá trị của thị trường.
Cũng nêu ý kiến về tổ chức tư vấn định giá đất, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết, dự thảo luật đã tạo cơ chế cho tổ chức tư vấn xác định giá đất để tư vấn định giá, Hội đồng thẩm định giá đất để thẩm định giá, sau đó UBND quyết định công bố giá đó.
Tuy vậy, để có thông tin đầu vào làm cơ sở khuyến cáo định giá đất sát thực tế nhất, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, dự thảo luật cần cân nhắc bổ sung quyền cho tổ chức tư vấn xác định giá đất được tiếp cận với thông tin định giá đất từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Tổ chức này có trách nhiệm bảo đảm kết quả tư vấn độc lập, khách quan, trung thực theo phương pháp được tổ chức này lựa chọn. Trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định đánh giá, kiểm tra, thẩm định các kết quả xác định giá đất từ tổ chức khác nhau và lựa chọn đơn vị tư vấn phù hợp nhất.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, vấn đề khó nhất, phức tạp nhất là chưa có hướng mở để đưa ra phương pháp xác định giá đất cụ thể trong các trường hợp để giải quyết tất cả vướng mắc, bất cập.
Về bảng giá đất, ông Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, có những biến động về bảng giá đất nên cần có điều chỉnh để quá trình thực thi thuận lợi. Về hội đồng thẩm định giá đất, đề nghị phải đảm bảo tính độc lập, tính chuyên môn nghiệp vụ của Hội đồng thẩm định giá đất, cơ quan định giá, cơ quan quyết định giá đất, bảo đảm trung thực, khách quan.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cơ quan chuyên môn giúp cho cấp ủy chính quyền địa phương xử lý vấn đề này, các ý kiến băn khoăn chính quyền địa phương là HĐND hay UBND, cơ quan chuyên môn giúp HĐND hoặc UBND để xác định giá đất là Sở Tài chính hay Sở Tài nguyên và Môi trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian tới, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tổ chức thêm các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các chủ đề khác của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời mong nhận được sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học trong thời gian tới để dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo tính khả thi để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Bình luận