Lần thứ 3 kể từ đầu năm 2013 các hãng sữa bột tuyên bố tăng giá và lý do tăng giá cũng không có gì khác so với 2 lần trước: Giá sữa tăng là do các công ty thay đổi mẫu mã, bao bì và chi phí đầu vào tăng.
Theo Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương), tiếp theo đợt tăng giá sữa vào tháng 2, trong tháng 3 một số hãng sữa bột nhập khẩu trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng giá như Công ty Friesland, Mead Johnson Nutrition Việt Nam, hãng sữa Dumex, công ty Friesland Campina Việt Nam, hãng sữa Abbott và sữa Nutrifood.
“Nguyên nhân tăng giá là do các hãng sữa thay đổi mẫu mã, bao bì và chi phí đầu vào tăng” – Tổ điều hành khẳng định.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3 các hãng sữa tuyên bố tăng giá, và cũng là lần thứ 3, giá sữa tăng là do thay đổi bao bì. (Lần thứ nhất là vào tháng 1/2013, lần thứ 2 vào tháng 2/2013 và lần thứ 3 là tháng 3/2013)
Bên cạnh đó, cũng theo tổ điều hành, hiện nay, nhiều sản phẩm sữa sau khi hết thời hạn đăng ký theo qui định đã đăng ký lại sản phẩm sữa công thức với tên gọi mới là sản phẩm dinh dưỡng như Anfalac A+ cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi hay Anfakid A+ cho trẻ từ 3 tuổi), thức ăn công thức dinh dưỡng (Lactogen Gold dành cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi), sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt (Pediasure dành cho trẻ từ 1-10 tuổi), thực phẩm bổ sung (Friso Gold cho trẻ từ 1-3 tuổi) gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý giá và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Trong vòng 3 tháng, giá sữa tăng đến 3 lần và cùng một lý do là thay đổi bao bì, mẫu mã
“Theo Luật Giá, chỉ mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi mới nằm trong mặt hàng bình ổn giá. Sản phẩm dinh dưỡng nằm trong danh mục thức ăn bổ sung trong đó có sữa đậu nành, sữa chua,... do đó để bình ổn giá các mặt hàng này thì Bộ Y tế cần phải chuẩn hoá tên mặt hàng - điều này là rất quan trọng, từ đó đưa vào kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá hay không” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết.
Về những khó khăn có thể gặp phải khi đổi tên các loại sữa bột đối với vấn đề quản lý giá, ông Tuấn nêu rõ kiến nghị của Cục Quản lý giá, cụ thể: Cục Quản lý giá đã kiến nghị Bộ Công thương thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra 3 vấn đề về thương phẩm, chất lượng và giá cả mặt hàng, không thể chỉ kỳ vọng vào giá.
Vô lý đổ lỗi cho giá thế giới
Về lý do các công ty sữa đưa ra để tăng giá bán trong nước là do giá thế giới tăng, Tổ điều hành thị trường cho biết: Giá sữa tại các thị trường trong tháng 3 có nhiều diễn biến trái chiều.
Trong khi giá sữa ở thị trường châu Úc tiếp tục xu hướng tăng từ tháng trước thì giá sữa ở thị trường Tây Âu giảm nhẹ. Giá sữa bột gầy tại thị trường châu Úc hiện ở mức 3.400-4.200 USD/tấn (tăng từ 4,62-10,35% so với tháng trước).
Tại thị trường Tây Âu ổn định ở mức 3.375-3.700 USD/tấn (giảm nhẹ từ 1,33-1,46% so với tháng trước).
Giá sữa nguyên kem tại thị trường châu Úc hiện ở mức 3.350 – 4.400 USD/tấn (tăng từ 5-18% so với tháng trước), tại thị trường Tây Âu, hiện ở mức 3.800-4.300 USD/tấn (tăng giảm ở mức 2% so với tháng trước).
Theo chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), chỉ số sữa tháng 2 năm 2013 là 203 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Duyên Duyên/Đất Việt
Bình luận