Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép doanh nghiệp đàm phán kéo dài kỳ hạn thanh toán và thanh toán bằng tài sản. |
Với trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu trái chủ vẫn không chấp nhận phương án đàm phán, doanh nghiêp phải trả đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho trái chủ theo đúng phương án phát hành đã công bố.
Dự thảo lần này cũng có quy định trong trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác.
Việc chuyển đổi này phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành, pháp luật có liên quan và được trái chủ chấp thuận. Doanh nghiệp đồng thời phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Đáng chú ý, dự thảo mới cũng ngưng hiệu lực thi hành với một số quy định tại Nghị định 65 đến hết ngày 31/12/2023. Trong đó có quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, tức chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và giảm thời gian phân phối trái phiếu từng đợt xuống còn 30 ngày cũng được ngưng hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023.
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê đến ngày 31/1, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa ghi nhận đợt phát hành nào trong năm 2023. Các đợt phát hành được công bố gần đây hầu hết được phát hành vào tháng 12/2022 với tổng giá trị chào bán 15.880 tỷ đồng.
VBMA dự báo áp lực thanh toán sẽ bắt đầu dồn dập trở lại kể từ tháng 5 đến tháng 9 với con số đến hạn vượt hơn 1 tỷ USD. Tổng số dư trái phiếu đáo hạn dự kiến trong năm nay vào khoảng 285.178 tỷ đồng.
Tại tọa đàm “Điểm sáng đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit" chiều 15/2, các chuyên gia từ FiinRatings cho rằng thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục nâng đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.
Tuy nhiên, đơn vị này nhấn mạnh dự thảo sửa đổi Nghị định 65 lần này nếu được thông qua sẽ có thể là giải pháp tháo gỡ trước mắt cho thị trường.
Dù vậy, về dài hạn, các giải pháp đồng bộ vẫn cần được đưa ra nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bài bản hơn, bao gồm xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp tập trung, tạo thanh khoản giúp cân bằng thị trường.
Bên cạnh đó là xây dựng công cụ hỗ trợ đầu tư, tạo cơ chế phân loại và khuyến khích phát triển nhóm nhà đầu tư không chỉ với tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mà nhiều hình thức định chế đầu tư khác.
Trước đó, vào phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ngân hàng Nhà nước rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản.
Bình luận