• Zalo

Sữa Danlait, lại thêm thông tin mới

Kinh tếThứ Bảy, 06/04/2013 08:50:00 +07:00Google News

(VTC News)- Xung quanh chất lượng sữa dê Danlait, cơ quan y tế đã đưa ra kết quả khẳng định an toàn song khách hàng lại đưa ra một kết quả hoàn toàn gây sốc.

(VTC News) - Xung quanh chất lượng sữa dê Danlait, cơ quan y tế đã đưa ra kết quả khẳng định an toàn song khách hàng lại đưa ra một kết quả hoàn toàn gây sốc.

Trên facebook cá nhân của mình, chị Cao Ngân Hà (Hà Nội) - người đầu tiên lên tiếng nghi ngờ về chất lượng sữa dê Danlaitcho biết, đã mang mẫu sữa Danlait đi kiểm định tại viện Pasteur TP.HCM để làm rõ chất lượng thật sự của sữa dê Danlait. Kết quả cho thấy hàm lượng đạm (protein) chỉ đạt mức 4.13% so với 17.6% ghi trên nhãn. Không những thế, hàm lượng Natri và Kali thì vượt mức ghi trên vỏ hộp.

“Kết quả này cho thấy hàm lượng đạm trong sữa Danlait “chỉ tương đương với thức ăn gia súc”, không đảm bảo cho sự phát triển của trẻ”, chị Hà khẳng định.

Chị cũng lo ngại hàm lượng Natri vượt quá mức ghi trên vỏ hộp có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ đang sử dụng sản phẩm.

Trước đó, bày tỏ bức xúc với phóng viên VTC News, chị Hà cho biết, do không có sữa nên chị phải cho con ăn sữa ngoài.

Bé trai của chị từ lúc sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh và phát triển bình thường nên chị không ngại "tốn kém" để săn lùng những sản phẩm sữa tốt nhất cho con mình.

Kết quả do chị Hà công bố 
"Vì cháu từ đợt ăn dặm bắt đầu bị táo vì có lẽ sữa có nhiều chất hoặc con mình không phù hợp với sữa bò, nên mình đổi sữa cho con sang Danlait - cũng là sữa dê của Pháp", chị Hà cho biết.

Tuy nhiên, sau hơn hai tháng sử dụng sữa dê Danlait, chị thấy con trai chị không bị táo nhiều như trước nhưng không lên cân và còn sụt cân nữa (trước cháu 7 tháng 12kg, nay gần 9 tháng được 11,5kg), mọc răng chậm.

 

Phương pháp kiểm định mà chị Hà cung cấp là phương pháp thử nghiệm protein trong thủy sản, không phải theo phương pháp thử nghiệm trong sữa. Như vậy sẽ không đánh giá đúng chất lượng của sản phẩm.

Ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm
 
Nghi ngờ chất lượng sữa có vấn đề, chị Hà đã dừng cho con uống và gọi điện lên công ty Mạnh Cầm nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.


Trong khi kết quả kiểm định tại viện Pasteur TP.HCM do chị Hà cung cấp, hàm lượng đạm trong sữa Danlait “chỉ tương đương với thức ăn gia súc”, thì ngay trong chiều 5/4, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm trả lời trên báo chí khẳng định, phương pháp thử nghiệm chất đạm trong kết quả kiểm nghiệm này là phương pháp thử nghiệm TCVN 3705-90.

“Đây là phương pháp thử nghiệm protein trong thủy sản, không phải theo phương pháp thử nghiệm trong sữa. Như vậy sẽ không đánh giá đúng chất lượng của sản phẩm," ông Trung nhấn mạnh.

Cung theo ông Trung, hình ảnh phiếu kiểm nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM mà khách hàng cung cấp không có thông tin số phiếu, tên và địa chỉ khách hàng  gửi.

Ngoài ra, trên Phiếu kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM phần ghi chú cũng đã nêu kết quả này chỉ có giá trị trên mẫu (của khách hàng mang đến), không phải trên lô hàng.

Vì vậy, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cho hay, kết quả kiểm nghiệm này chưa có cơ sở để đánh giá chất lượng sản phẩm.

"Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã thực hiện các phương pháp thử theo đúng quy định hiện hành và đã chuyển kết quả kiểm nghiệm lô sản phẩm nêu trên đến Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội," ông Trung cho biết.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng Mạnh Cầm vẫn cần phải làm rõ về một số thông tin của sản phẩm do ghi nhầm.

Ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mạnh Cầm, đơn vị phân phối sữa dê Danlait tại Việt Nam cũng nêu ra những nghi vấn về tính chính xác trong kết quả kiểm định sữa dê Danlait mà chị Hà đã đưa ra.

“Cái gì có thể chứng minh được rằng sản phẩm mà cô Hà đưa đi kiểm định là sữa dê Danlait hay đó chỉ là một sản phẩm nào khác được cho vào? Bình thường nếu lấy sản phẩm của Danlait đi xét nghiệm phải yêu cầu đại diện công ty Mạnh Cầm làm biên bản, cùng nhau đến lấy mẫu hàng, niêm phong nhãn hiệu.

Hoặc phải có một phòng công chứng đứng ra chứng nhận đúng là sản phẩm đó và thông báo với đơn vị chủ sản phẩm là công ty Mạnh Cầm, nhà nhập khẩu sữa Danlait về Việt Nam. Có như vậy thì kết quả mới có giá trị, nếu không thì không có cơ sở pháp nhân để nói kết quả kiểm nghiệm đó là của sản phẩm sữa dê Danlait”, ông Mạnh đặt câu hỏi nghi vấn.

Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Đặng Minh Sang, Phó giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Mạnh Cầm cũng cho biết, theo quy định của Pháp, tất cả các loại sữa bột dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi đều gọi chung là sữa trẻ em với tỷ lệ protein dao động từ 10 - 25g/100g bột, mà không dùng thêm một thuật ngữ nào khác.

Ban đầu, công ty Mạnh Cầm đăng ký ở Việt Nam là “sữa dê Danlait” nhưng theo quy định của Việt Nam, các sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ em được xếp vào các hạng mục: Sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thức ăn công thức... Do vậy, ở Việt Nam, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp phép cho sản phẩm này là “Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait”.

Châu Anh






Bình luận
vtcnews.vn