Suốt đêm và cho tới sáng 27/8, người thân của ông Lê Hồng Phong (37 tuổi, ngụ xã Tân Hải, thị xã Lagi, Bình Thuận) - người bị Công an Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội “mời” làm việc mà người dân và cơ quan chức năng tưởng bị bắt cóc sáng 26/8 đã đứng trước cổng Công an thị xã Lagi yêu cầu trả cháu bé cho gia đình.
Lúc 7h25 ngày 27/8, trao đổi với PV, một người thân của ông Phong cho biết: “Cho tới lúc này, con bé vẫn đang ở trong Công an thị xã, chúng tôi yêu cầu trả cháu bé cho gia đình nhưng họ không trả. Cháu bé khóc quá, chúng tôi yêu cầu cho mẹ bé vào chăm sóc thì chỉ được vào một chút rồi lại bị đuổi ra. Cháu bé có tội tình gì, vì sao họ lại giữ cháu của chúng tôi như vậy?”
Theo người nhà ông Phong, cháu bé đang bị giữ cùng cha là Lê Ngọc Diệp, sinh tháng 1/2014.
Gia đình ông Phong kể lúc 7h30 sáng 26/8, khi ông Phong đưa con tới trường mầm non, vừa bế cháu bé từ trên xe xuống thì bị ba ôtô chặn đầu, một số người đưa hai cha con ông Phong quay vào xe và lái chạy hướng về Bà Rịa Vũng Tàu - TP.HCM.
Nhiều người dân và phụ huynh chứng kiến tri hô: “bắt cóc!”, “cướp!”, sau đó báo cho công an các cấp ở địa phương và báo cả cho gia đình để truy đuổi.
Người thân của ông Phong đi ngược chiều từ TP.HCM về, thấy xe của ông Phong đi ngược chiều với tốc độ cao nên gọi điện thì ông Phong không bắt máy, sau gọi cho vợ ông Phong mới biết bị bắt cóc nên quay đầu truy đuổi tới tận Công an P.Tân Phú, Q.7 mới biết bị Công an mời.
Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết đã yêu cầu những người có liên quan trong tổ công tác của Công an Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội giải trình về việc “mời” làm việc theo cách dễ gây hiểu lầm như vậy.
Được biết, tối 26/8, lực lượng Công an đã đưa những người có liên quan về Lagi.
Trả cháu bé nhưng gia đình không nhận!
Sáng 27/8, trao đổi với PV qua điện thoại, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết thông tin báo cáo về không hoàn toàn đúng như những gì gia đình và người dân thông tin.
Theo thiếu tướng Hùng, ngay trong đêm 26/8, lực lượng Công an đã mời gia đình tới để giao trả cháu bé nhưng gia đình từ chối, yêu cầu lực lượng Công an phải lập biên bản xác nhận đã bắt cóc cháu bé thì mới nhận người về.
Sáng nay, theo báo cáo thì gia đình họ đã đồng ý nhận cháu bé.
Trái ngược với ý kiến này, bà Lê Thị Thuỳ Hương (44 tuổi, chị gái ông Phong) khẳng định: “Gia đình tôi không buộc lực lượng Công an lập biên bản bắt cóc em, cháu chúng tôi, mà chỉ yêu cầu xác nhận có bắt em và cháu chúng tôi để làm căn cứ về sau. Bởi thực tế họ đã bắt người thân của chúng tôi, nếu không có cơ sở, sau này họ không thừa nhận thì chúng tôi làm sao đòi được công bằng?”
Theo bà Hương, cho tới hơn 8h30 gia đình bà chưa đồng ý nhận cháu bé về nếu không được xác nhận việc đã bị lực lượng Công an bắt đi trước đó.
Trả lời câu hỏi liên quan tới quy trình mời làm việc, triệu tập đối tượng có liên quan trong quá trình điều tra, thiếu tướng Phi Hùng nói: “Có thể anh em đi làm nhiệm vụ có nóng vội, làm chưa đúng thì cái đó phải kiểm tra, xử lý.
Anh em cũng vì công việc chung, có lẽ do nôn nóng mà làm trật, sai sót thì phải sửa, vì vậy tối qua đã đưa cháu bé về. Gia đình và người dân cần bình tĩnh, xử lý vấn đề phù hợp tránh để bị lợi dụng, kích động. Ai có sai sót thì sẽ bị xử lý nghiêm, không có ai bao che, bảo vệ cho việc làm sai hết!”.
Video: Rớt nước mắt chuyện cha bại liệt bỏ đi tìm con bị bắt cóc
Bình luận