• Zalo

Sự tích ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Đời sốngThứ Năm, 08/02/2018 10:08:00 +07:00 Google News

Trải qua thời gian dài, những sự tích về ông Công, ông Táo vẫn được gìn giữ nguyên vẹn qua lời kể của người xưa và sách báo.

Trong tín ngưỡng văn hóa của người Việt từ xưa đến nay, ngày 23 tháng Chạp (Âm lịch) hàng năm là ngày các gia đình làm cơm cúng, tiễn ông Táo về chầu trời.

Theo quan niệm, không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Tuy nhiên, khi nhắc đến sự tích và ý nghĩa của ngày Tết ông Công, ông Táo không phải ai cũng biết. Sau đây, chúng tôi xin điểm lại các sự tích cho ngày lễ linh thiêng này:

Sự tích 1

Tương truyền có hai vợ chồng vì quá nghèo khổ nên phải bỏ nhau để đi tha phương cầu thực. Người vợ may mắn nên lấy được một anh chồng giàu, có của ăn của để. Còn người chồng thì trở thành kẻ hành khất kiếm sống qua ngày.

Năm ấy vào đúng ngày 23 tháng Chạp, người vợ đang lúi húi đốt vàng mã ngoài sân thì có một người ăn xin ăn mặc tả tơi, nhem nhuốc bước vào. Nhận ra đó chính là người chồng cũ mà mình từng yêu thương người vợ động lòng, nhanh chóng vào nhà lấy tiền bạc, cơm gạo ra cho.

su-tich-ong-cong-ong-tao-1-1484447626

Ông Công, ông Táo về chầu trời vào 23 tháng Chạp. 

Người chồng mới nhìn thấy, biết chuyện, nổi cơn ghen nghi ngờ vợ. Khó xử, tuyệt vọng vì không giải thích cho chồng mới hiểu, người vợ lao vào bếp lửa tự vẫn. Người chồng cũ vì vẫn còn yêu thương, đau xót cũng nhảy vào chết theo. Người chồng mới vì ân hận nên cũng nhảy vào đám lửa đỏ rực.

Lúc ấy, trời xanh trên cao cảm động bởi tình nghĩa sâu nặng của 3 người nên phong làm vua bếp. Và từ đó, dân gian mới có câu ca rằng:

"Thế gian một vợ một chồng

Chẳng như vua bếp hai ông một bà".

Sự tích 2

Tích của người Việt kể rằng, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ.

Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác, sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng.

Về phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.

Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, may cho Cao, tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Nhi, nhằm lúc Phạm Lang đi vắng.

Nhi sớm nhận ra người hành khất đúng là người chồng cũ. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.

1_249538

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo. 

Chẳng may đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.

Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Táo quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Sự tích 3

Chuyện kể về 2 vợ chồng nghèo. Vợ quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Còn chồng đi buôn, biệt tăm biệt tích, năm về vài lần. Và một chuyến đi buôn xa, chồng đi biền biệt, bặt vô âm tín.

Người vợ mỏi mòn chờ đợi 10 năm. Sau đó, nghĩ chồng đã chết nên vợ lấy người chồng khác làm nghề săn bắn, nuôi 1 tên đầy tớ tên là Lốc.

Ngày nọ, chồng mới và Lốc đi săn vắng nhà, đột nhiên người chồng cũ trở về và cho biết sở dĩ đi biền biệt là vì gặp giặc bắt lưu lạc trong rừng nay mới trốn thoát về được.

Người vợ chỉ còn biết ôm chồng cũ khóc than và dọn cơm rượu mời ăn. Khi chồng mới sắp về, người vợ đưa chồng cũ ra đống rơm ẩn tạm. Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm rượu để làm bữa nhậu.

Vợ tất tả chạy ra ngoài, người chồng và đầy tớ đốt đống rơm để thui cầy. Lửa vô tình đốt cháy thiêu người chồng cũ đang ngủ say. Giữa lúc đó, người vợ về thấy chồng cũ đã chết đau đớn, tự cảm thấy như thể vì mình mà chồng cũ chết nên nhảy vào đống lửa chết theo.

Người chồng mới thấy vợ chết cũng đâm đầu vào lừa. Người đầy tớ vừa thương chủ vừa hối hận vì chính tay mình châm lửa thiêu chết người cũng nhảy nốt vào lửa chết theo.

Ba vợ chồng sau đó được Diêm Vương cho hóa làm ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa làm đồ dùng chặn đống nhấm, quen gọi là "thằng Lốc". Trong tranh vẽ Táo quân, thường thấy vẽ người đầy tớ có nghĩa đứng cạnh ba người.

Video: Làng cá chép tất bật phục vụ Tết ông Công, ông Táo

An Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn