Sáng nay, Google đổi Doodle trên trang chủ tìm kiếm thành hình chú Cuội thổi sáo bên gốc cây đa. Hình này được thiết kế nhân dịp Trung thu, một trong những lễ lớn trong năm của người Việt. Khi nhấp chuột vào đó, từ khóa "Sự tích chú Cuội" sẽ hiện ra.
Theo dân gian, có nhiều dị bản về sự tích chú Cuội ngồi gốc cây đa. Trong đó, câu chuyện phổ biến kể về tiều phu tên Cuội. Một hôm, Cuội vào rừng đốn củi, thấy 4 con cọp đang vờn nhau bên dòng suối. Chú vung rìu, bổ chết bọn chúng. Vừa lúc cọp mẹ về, Cuội vội vã trèo lên cây.
Thấy con chết, cọp mẹ gầm lên rồi chạy đến gốc cây gần đó, gặm một nắm lá về mớm cho con. Kỳ lạ thay, 4 con cọp vẫy đuôi sống lại.
Chờ khi mẹ con cọp đi chỗ khác, Cuội nhảy xuống, đào gốc cây nọ, vác về.
Dọc đường, chú gặp một lão ăn mày chết đói bèn lấy lá mớm cho ông. Ông cụ sống dậy, thấy lạ nên hỏi chuyện. Cuội thành thật kể hết đầu đuôi. Nghe xong, ông bảo đây là cây có phép cải tử hồi sinh và dặn Cuội chăm cây bằng nước sạch, đừng dùng nước bẩn, nếu không, cây sẽ bay về trời.
Nói rồi ông lão chống gậy đi. Cuội mang cây về, trồng ở góc vườn, ngày nào cũng tưới bằng nước sạch.
Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống rất nhiều người. Một lần, chú cứu được con chó chết trôi. Để tỏ lòng biết ơn, nó ngày đêm quấn quýt, bầu bạn với Cuội.
Một lần khác, Cuội dùng lá cây cứu sống con gái của một gia đình nhà giàu. Cảm kích tấm lòng lương thiện của chàng tiều phu, cô xin cha được lấy Cuội. Hai vợ chồng sống hòa thuận bên nhau.
Ngày nọ, đúng lúc Cuội đi vắng, bọn giặc qua nhà chú. Căm tức việc Cuội có phép cải tử hồi sinh, bọn chúng giết vợ Cuội, lấy ruột để chồng không thể cứu vợ.
Cuội về nhà, mớm bao nhiêu lá cũng không cứu được vợ. Thấy chủ đau lòng, chú chó tình nguyện hiến ruột mình cho chủ.
Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người. May mắn, người vợ sống lại.
Thương con chó có tình có nghĩa, Cuội nặn bộ ruột từ đất, đặt vào bụng rồi mớm lá đa cho nó. Chó cũng sống lại.
Nhưng cũng từ đấy, vợ Cuội đổi tính, dặn trước quên sau. Một chiều nọ, chồng lên rừng kiếm củi chưa về, chị ta ra vườn tiểu vào gốc cây. Cây bật gốc, từ từ bay lên trời.
Vừa lúc Cuội về đến nhà, thấy thế, chàng tiều phu hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, kéo cả Cuội bay lên cung trăng.
Từ đó, Cuội ở luôn trên cung trăng với cây quý. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển một lá. Đàn cá heo đã chờ sẵn, khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho loài của mình.
Nhìn lên Mặt trăng, người ta thấy vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi hình ấy là chú Cuội ngồi gốc cây đa.
Cũng từ đó, chú Cuội ngồi gốc cây đa trở thành một trong những hình ảnh đặc trưng cho dịp Trung thu ở nước ta.
Ở Việt Nam, Trung thu diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm và còn có tên gọi khác là Tết thiếu nhi, Tết trông trăng hay Tết đoàn viên.
Vào ngày này, trẻ em được cha mẹ mua cho những đồ chơi thú vị như đèn ông sao, đèn kéo quân, tò he, các loại mặt nạ rực rỡ. Người lớn thường dẫn trẻ nhỏ đi chơi, rước đèn, xem múa lân, phá cỗ.
Với gia đình Việt Nam, đây là dịp để các thế hệ đoàn viên, sum vầy, cùng thưởng thức bánh trung thu, ngắm trăng và chuyện trò thân mật.
Để cùng người dùng tại một số nước phương Đông đón Trung thu, bên cạnh hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa cho người dùng Việt Nam, Google thiết kế Doodle lễ hội Chuseok cho người dùng Hàn Quốc, Triều Tiên, Doodle thỏ ngọc giã bột làm bánh Mochi trên cung trăng cho người Nhật Bản. Doodle dành cho người dùng ở Trung Quốc là hình ảnh Hằng Nga và thỏ ngọc.
Bình luận