Sáng 10/12, website của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đăng tải thông tin về việc một website có địa chỉ “vebongonline.com.vn” được đăng ký bởi công ty iNET có thiết kế giao diện giống với website bán vé bóng đá online của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khẳng định đây là website giả mạo và lưu ý người dân tránh bị lừa đảo.
Để làm rõ thông tin, chiều 10/12, ông Trần Kiên, đại diện iNET – Nhà đăng ký tên miền Quốc gia Việt Nam “.VN” có văn bản lý giải chính xác hơn về tính chất của website này và mối liên hệ giữa iNET và website giả mạo.
Cụ thể, trong văn bản iNET gửi các cơ quan báo chí nêu rõ, tên miền “vebongonline.com.vn” được chủ sở hữu đăng ký tại Nhà đăng ký tên miền iNET – Nhà đăng ký chính thức tên miền Quốc gia Việt Nam “.VN” của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC).
Nhưng theo quy định, nhà đăng ký tên miền chỉ chịu trách nhiệm mọi việc đăng ký tên miền cho khách hàng và sẽ không quản lý nội dung được đăng tải trên website đó. Vì vậy, tất cả nội dung được đăng tải trên website “vebongonline.com.vn” đều do chủ sở hữu tên miền chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Chúng tôi rất mong được đính chính lại thông tin cho chính xác, tránh gây hiểu lầm ảnh hưởng tới uy tín của iNET và quyền lợi của khách hàng”, ông Trần Kiên, đại diện iNET nhấn mạnh.
Trước đó, nhiều báo đăng tải thông tin lan truyền về việc AFF vô tình quảng bá cho website bán vé bóng đá online giả mạo có tên “vebongonline.com.vn”
Ông Nguyễn Hồng Hào, chuyên gia an ninh mạng của Bkav cho biết, Tên miền này không được đăng ký bởi công ty GMO - RUNSYSTEM (đối tác cung cấp hệ thống các trang bán vé trực tuyến cho VFF) mà đăng ký bởi một cá nhân tên Nguyễn Xuân Minh.
Ngoài ra, tên miền mới được đăng ký ngày 8/12, chỉ hai ngày trước khi vé được bán chính thức.
Qua kiểm tra “vebongonline.com.vn”, ông Hào cho biết, website này yêu cầu nhập các thông tin cá nhân như số điện thoại, email và đặc biệt có yêu cầu cài đặt một extension (tiện ích mở rộng trên trình duyệt) với quảng cáo để mua vé nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo ông Hào, tiện ích này yêu cầu các quyền truy cập trên các trang Facebook.com và Google.com. Có nghĩa, hacker có thể chiếm phiên đăng nhập Facebook của người dùng để thực hiện các tác vụ không mong muốn, cũng như theo dõi các hoạt động tìm kiếm của người sử dụng trên Google.
Trước tình hình trên, chuyên gia của Bkav cảnh báo người dân cần hết sức cẩn trọng, không truy cập trang giả mạo để tránh trở thành nạn nhân.
Video: Hàng vạn CĐV dựng lều, giẫm đạp để mua vé trận Malaysia và Việt Nam
Bình luận