Sự thật về mũ bảo hiểm tem hợp chuẩn giá... siêu rẻ

Kinh tếThứ Hai, 04/10/2010 07:12:00 +07:00

(VTC News) - “Chỉ cần alo, muốn bao nhiêu hàng cũng có”... đó là lời “chào hàng” của các lái buôn Hà Thành về mũ bảo hiểm không tem bảo hiểm.

(VTC News) - “Chỉ cần alo một tiếng muốn bao nhiêu hàng cũng có”, “Anh muốn dán tem kiểu gì, tụi em cũng chiều”... đó là những lời “chào hàng” của các lái buôn Hà thành về mũ bảo hiểm không tem bảo hiểm.

Tem cho mũ "không bảo hiểm": Thích cái nào dán cái nấy!

“Chợ” vỉa hè Hà Nội cứ khoảng chập tối lại tấp nập cảnh người bán, người mua. Những con phố như Đường Láng, Chùa Bộc, phố Huế… từ lâu đã trở thành địa điểm quen thuộc cho những khách hàng có thú “săn lùng” đồ rẻ, đẹp. Bên cạnh những hàng quần áo, giày dép, phụ tùng xe máy, các quầy hàng mũ bảo hiểm thời trang cũng chen chân để có một “mảnh đất dụng võ”. So với năm 2007, khi bắt đầu có chủ trương của Chính phủ về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH), “chợ” buôn bán mặt  hàng này hiện không sầm uất như trước.

Thấy chúng tôi ngắm nghía chiếc mũ bảo hiểm nhái Honda, chị bán hàng trên phố chùa Bộc ra giá: “30.000 đồng, không mặc cả”. Lắc đầu chê đắt, tôi được chị dắt tay đến chỉ vào chiếc MBH lưỡi trai với lớp sơn bóng bẩy, bắt mắt mà giới trẻ hiện đang rất chuộng: “Mua đi, cái này 20.000 đồng thôi".

Tôi thắc mắc về tem nhãn, chị phẩy tay: “Em cứ chọn đi, thích cái nào, chị dán cho cái đấy”. Để đảm bảo yêu cầu của tôi, “giải pháp” hiệu quả mà chị bán hàng đưa ra đó là: Lột tem mác của mũ khác dán vào mũ mình.

Nhiều cửa hàng MBH chính hãng vẫn bày bán mũ không có tem, nhãn mác đầy đủ.
Bắt chuyện với chị bán hàng, chúng tôi thật sự giật mình với “công nghệ” dán tem siêu rẻ của các hãng MBH. Chị kể: Chị nhập mũ toàn loại không có tem, khi lấy hàng, người lái buôn đưa cho một tập tem mác.

“Ngày xưa, chị dán sẵn ở nhà nhưng giờ ít người yêu cầu nên chỉ mang theo, để sẵn trong túi, ai cần thì mới dán”. Để chứng minh, chị  bán hàng "khoe": “Ở đây chị có đủ các kiểu tem, CS, CR hay gì gì cũng có”. Trước khi tôi quay xe đi, chị còn với gọi: “Thích thì mai qua đây, chị cho em luôn 5 – 6 chiếc”.

Tại một số cửa tiệm bán MBH khác trên đường phố Huế, mũ bảo hiểm “đại hạ giá” được bày bán la liệt trên nhiều quầy hàng. Giá phổ biến của những chiếc mũ này từ 20.000 - 30.000 đồng. Loại "xịn” hơn có giá  45.000 - 70.000 đồng/chiếc, bao gồm các hiệu mũ như: SYM, Adidas, One, Sports, Protect, Attila, Asian... hoặc mũ nhái các thương hiệu uy tín Andes và Indes như Indees, Adess… Trong khi MBH đạt chuẩn phải nặng ít nhất là 0,5 kg thì loại MBH nói trên chỉ nặng từ 0,2 đến 0,3 kg, không hề có lớp xốp bảo vệ bên trong. Chủ cửa hàng cho biết: Hàng này hầu hết là từ Sài Gòn chuyển ra, không có hàng Trung Quốc.

Tem CR rẻ như… cho không

Tiếp cận một thanh niên trẻ đang lấy MBH chất đầy trong thùng giấy, trao cho các chủ sạp mũ ở vỉa hè trên đường Chùa Bộc, tôi được anh ta cho biết, tên Phạm Trọng L, - nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên bán MBH thời trang cao cấp khá nổi tiếng trên đường Võ Thị Sáu (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, HN).  Hàng ngày, anh thường chở hàng thùng MBH với số lượng lớn đi giao cho các đại lý nhỏ, lẻ trong nội thành Hà Nội với nhiều loại mũ thời trang khác nhau.

Kiểm tra một vài chiếc mũ đang chất trong thùng hàng của anh L., chúng tôi phát hiện toàn loại mũ lưỡi trai rẻ tiền, trên mũ không có bất kỳ một tem, nhãn mác nào. Nếu có, chỉ đơn giản là chiếc tem hình chữ nhật màu sáng bạc kèm dòng chữ: “Sản xuất tại Việt Nam” và không có địa chỉ sản xuất.

Cận cảnh một chiếc tem CS giả dán trên mũ lưỡi trai thời trang mà giới trẻ vẫn ưa chuộng sử dụng khi đi mô tô - xe máy.
Tôi quay ra hỏi: “Có đầy đủ tem mác không”, anh L. nhanh nhảu: “Bất kể tem gì cũng làm được hết.  Anh có thể cung cấp tem cho em, còn em tự “xử lý”, anh không có thời gian để dán tem”. Theo anh L., tem này là “khuyến mãi” thêm, chứ không tính vào tiền MBH.
Để tìm hiểu thêm, pv VTC News đã thử tìm kiếm trên mạng về các cơ sở sản xuất tem. Chỉ cần một cái click chuột, hàng loạt các trang tin rao vặt về nhận thiết kế gia công các loại tem hiện ra.
Một designer - anh Nguyễn Hà (Nam Đồng, Đống Đa, HN) ra giá: Một con tem CR nếu làm với số lượng ít (tầm 500 chiếc) sẽ có giá 2.500 đồng. Nếu đặt hàng với số lượng lớn hơn, giá sẽ mềm hơn, từ 1.500 – 2.000 đồng/chiếc. Anh Hà khẳng định: Có thể làm được con tem giống “y như đúc” tem CR hợp chuẩn, hợp qui theo đúng qui định của Nhà nước.

 “Chỉ có điều tem độc quyền, chống hàng giả 7 màu của Bộ Công An thì bên anh không làm được”, anh Hà thừa nhận.


Ông Lương Thanh Liêm, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ và xuất nhập khẩu Hùng Hậu, chuyên về MBH và thời trang từng nói: “Việc làm giả tem CR rất đơn giản. Chỉ cần mua giấy decal về kéo lụa là xong. Với 100.000 đồng có thể làm được mấy trăm con tem như vậy”.
Đại diện chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng bức xúc: “Chẳng có cái gì không thể làm giả được. Bởi Trung Quốc có cả một khu công nghiệp chuyên làm hàng giả, tem, nhãn mác giả. Một con tem gửi sang Trung Quốc chỉ vài ngày là xong ngay”.
Trong khi các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải chật vật đăng ký để có được giấy chứng nhận hợp quy về tem CR, thì trên thực tế đang tràn lan các loại tem CR giả, thị trường MBH trở nên phức tạp và thiệt thòi trước hết là NTD.

"Vàng thau" lẫn lộn, NTD khó nhận biết được đâu là tem CR thật nếu không so sánh với bảng hướng dẫn của Cục quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Qua khảo sát, hầu hết người dân đều thừa nhận: Họ không thể nhận biết đâu là tem thật, đâu là tem giả. Thậm chí, cả các chủ cửa hàng bán MBH cũng "ngắc ngứ": “Cũng giống như tiền giả, phải có máy soi thì mới phát hiện được hoặc phải có người dạy mới biết. Bên quản lý thị trường nắm rõ thông tin, chứ NTD làm sao biết được?!”.

Thắc mắc về điều này, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho biết: Cục thường xuyên phát tờ rơi tuyên truyền về các dấu hiệu nhận biết MBH cho người đi mô tô, xe máy tuy nhiên các cửa hàng kinh doanh MBH lại cố tình “quên không đọc” hoặc mới phát ngày hôm trước (ký nhận rõ ràng), ngày hôm sau lại phớt lờ, coi như không biết.

Mũ “bảo hiểm” nhưng... nguy hiểm

Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ: Trong các vụ tai nạn giao thông, số người chết do chấn thương sọ não chiếm 46,67% trong đó nhiều trường hợp do không đội MBH hoặc đội mũ không đúng qui định.

Chỉ với 20.000 đồng, NTD có thể dễ dàng mua được một chiếc mũ đội đầu “không bảo hiểm” với mẫu mã và tem mác hợp chuẩn, hợp qui đầy đủ. Nhiều tay lái ngang nhiên đánh võng trên đường phố khi trên đầu chỉ là một chiếc mũ lưỡi trai, mũ nồi, mũ phớt mà Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa khẳng định rằng: Đó không phải “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”.

Nhiều MBH không tem, nhãn mác, không đảm bảo chất lượng vẫn được lưu thông trên thị trường.
“Mũ bán đầy rẫy ở ngoài đường, nhưng nếu không có dòng chữ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy” thì NTD không nên mua vì mũ đó chưa chắc đã là mũ bảo hiểm", ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa - cảnh báo trong buổi làm việc với pv VTC News mới đây.

Theo ông Tuấn, tình trạng “đặc biệt công khai và nguy hiểm” hiện nay đó là việc các doanh nghiệp sản xuất mũ có hình dáng mũ phớt, giống MBH nhưng không ghi nhãn “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, không gắn dấu hợp quy, không ghi rõ địa chỉ sản xuất nhưng vẫn đưa ra thị trường.

Họ “lách luật” ở chỗ: Mỗi lần đi kiểm tra, nhiều chủ cửa hàng viện lý do: Đó là mũ cho người đi bộ, đi xe đạp, đi chơi thể thao, đi dạo nhưng người đi mô tô, xe máy cố tình mua và sử dụng. Vì vậy, rất khó cho các cơ quan chức năng khi đi kiểm tra, xử lý theo quy chuẩn vì luật pháp không cấm sản xuất, kinh doanh loại mũ này. Còn đối với các quầy hàng kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí bán hàng lưu động trên vỉa hè, đường phố, việc kiểm tra không dễ dàng vì khi có đoàn kiểm tra thì họ dọn đi và khi không có cơ quan kiểm tra lại ngang nhiên bày bán.

 Chừng nào NTD còn chăm chăm đi tìm những chiếc mũ rẻ, đẹp để đối phó với cảnh sát giao thông thì chừng đó vẫn còn những chiếc MBH không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo tràn lan, khó kiểm soát.
Trong công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc công tác quản lý chất lượng MBH, tháng 6/2010, Bộ Khoa Học và Công nghệ nêu rõ: Nguyên nhân của tình trạng MBH giả, MBH không phù hợp quy chuẩn vẫn sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường một phần còn do cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan như thanh tra, quản lý thị trường, hải quan, công an, do quy định liên quan tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm tra. Ví dụ, việc xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu, tiêu hủy không thuộc thẩm quyền của cơ quan kiểm tra chất lượng mà phải chuyển hồ sơ và phối hợp các cơ quan thanh tra, quản lý thị trường xử lý hoặc theo qui định thì cơ quan thanh tra chỉ được tiến hành thanh tra một lần/năm về cùng nội dung.
Cẩn trọng với “Mũ bảo hiểm bơm hơi”: Quý 1 năm 2010, xuất hiện “Mũ bảo hiểm bơm hơi” do Công ty CPSXTM Vi Thy (ở TP.HCM) thiết kế, sản xuất, có 02 chỉ tiêu: Độ bền đâm xuyên và kết cấu mũ chưa đạt chất lượng theo QCVN 2:2008/BKHCN. Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức kiểm tra xử lý theo qui định và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc này để cảnh báo cho NTD.
Ông Tuấn cho rằng: Việc giám sát và đảm bảo chất lượng MBH cần thời gian và cả một quá trình bởi trong bối cảnh hiện tại, các yếu tố chưa đồng bộ. Việc cảnh sát giao thông khi nhìn thấy người đi đường đội MBH không đảm bảo chất lượng thì không phạt, coi như không đội mà chỉ nhắc nhở, cảnh cáo không đủ sức răn đe người dân, khiến NTD mặc sức “thả nổi” sự an toàn của chính mình.

Ông Tuấn cũng đặc biệt nhấn mạnh ý thức của NTD ảnh hưởng tới thói quen sử dụng MBH của người dân: Chừng nào NTD còn cứ chăm chăm đi tìm những chiếc mũ rẻ, chỉ vài ba chục nghìn để đối phó với cảnh sát giao thông thì chừng đó vẫn còn những chiếc MBH không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo tràn lan ngoài thị trường.


Ngoài ra, ông Tuấn khuyên NTD không nên quá tin tưởng vào chiếc tem CR. Đó chỉ là một dấu hiệu để phân biệt cơ sở đã được chứng nhận hợp quy. “Nếu chỉ nhìn độc ở mác CR thì cũng chưa ổn. Khi đi mua sắm, NTD phải kiểm tra kĩ càng, cơ sở sản xuất mũ đó có có giấy chứng nhận hợp quy không, tên và địa chỉ rõ ràng không…”, ông Tuấn nhắc nhở.

Bài, ảnh: Tiểu Phương


Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc và có nhiều biện pháp tuyên truyền, kiểm tra cũng như xử lý nhưng MBH giả, nhái vẫn "hoành hành". Theo bạn, giải pháp tối ưu để loại bỏ hiện trạng này là gì? Hãy cùng VTC News hiến kế ngăn chặn hàng giả. Mời độc giả gửi thông tin phản hồi vào ô thảo luận cuối bài. Trân trọng cảm ơn!

                       Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News: 

              - Những lời ngẫu hứng, tự sự, tâm sự... của chính bạn?

                - Những bức ảnh, đoạn video... chỉ mình bạn ghi được?
                                                        
                       - Tin tức, bài viết xoay quanh sự kiện Đại lễ?

                                                            
Hãy gửi đến email
[email protected] 
                                                                        hoặc
[email protected]

Tất cả thông tin bạn gửi sẽ được Ban Biên tập VTC News tiếp nhận, xử lý để đăng tải. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn