Lần đầu được phát hiện và nhận dạng năm 1986, nhưng suốt 32 năm sau, người ta mới chỉ tình cờ bắt gặp được loài cá này vài lần.
Theo National Geographic, cá mập đèn lồng (viper dogfish), tên khoa học là Trigonognathus kabeyai, là loài cá mập nhỏ sống ở tầng nước sâu. Gần đây, người ta phát hiện ra chúng tại vùng biển Đài Loan, trong khảo sát của một viện nghiên cứu.
Trả lời truyền thông địa phương, các nhà nghiên cứu cho biết họ có thể nhận dạng được loài cá này nhờ độ dài, cấu tạo hàm sâu, có răng nhọn.
Dù không có nhiều thông tin về loài cá hiếm này, nhưng một nghiên cứu năm 2003 chỉ ra rằng cá mập đèn lồng không chỉ có răng sắc mà hàm răng này còn có thể mở rộng, vươn ra bắt con mồi.
Chúng được cho là loài săn mồi bằng cách bơi vào vùng con mồi tập trung, ăn số lượng nhiều cùng một lúc và thường nuốt cả con mồi.
Trong cơ thể, cá mập đèn lồng có những tế bào nhỏ tạo ánh sáng gọi là photophore (tế bào phát sáng). Những tế bào này giúp chúng phát sinh ánh sáng dưới biển sâu, giúp cho quá trình săn mồi hoặc tìm bạn tình trở nên dễ dàng hơn.
Giống như tất cả các loài cá mập khác, những con cá này có vảy nhỏ, hình chữ v khiến da cứng hơn, giúp chúng bơi nhanh và êm hơn.
Cá mập đèn lồng mới chỉ được tìm thấy ở các vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, Đài Loan và Hawaii. Chúng được cho là di chuyển theo chiều dọc, bơi ở độ sâu 300 m vào ban đêm và 150 m vào ban ngày.
Video: Cá mập lặng lẽ áp sát bé trai mải mê tắm biển
Bình luận