Vậy thực chất đó có phải là gà thải loại không - rất cần có tiếng nói thống nhất của cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm này.
Cầu vẫn vượt cung
Theo Thông tư 156/2011 ngày 14/11 Bộ Tài chính, danh mục hàng hóa XNK thì các loại thịt gà nhập khẩu nói chung được xếp vào nhóm 0207 có tên gọi đầy đủ là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm thuộc nhóm 0105, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh. Tuy nhiên, khi bán ra thị trường nhà phân phối đặt tên cho sản phẩm là gà dai Hàn Quốc.
Để được nhập khẩu thành công vào Việt Nam, nhà nhập khẩu thịt gà đông lạnh phải được cơ quan Thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh ATTP đối với sản phẩm động vật nhập khẩu dùng làm thực phẩm. Đồng thời trong quá trình vận chuyển đến kho bảo quản còn phải được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Gà dai được khá nhiều dùng lựa chọn |
Như vậy, sản phẩm gà đông lạnh nhập khẩu bắt buộc phải đáp ứng những chỉ tiêu hóa lý và vệ sinh ATTP của nhà nước thì mới được lưu hành trên thị trường. Từ đây cho thấy nhiều “chuyên gia” gọi gà nhập khẩu là gà thải loại thực chất là không chính xác, dễ gây hiểu lầm với người tiêu dùng.
Năm tháng đầu năm 2013, cả nước nhập trên 32.900 tấn gà đông lạnh, tăng 13,7% so cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, trong tháng 5, có doanh nghiệp nhập hàng chục tấn gà dai Hàn Quốc, thế nhưng cầu vẫn không đủ cung. Đặc biệt, vừa qua một số báo còn phản ánh cảnh chen lấn mua gà dai Hàn Quốc của người tiêu dùng tại một số siêu thị.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao có thông tin về gà dai Hàn Quốc chỉ là gà đẻ thải loại có chất tồn dư chất kháng sinh cao, nhưng người dân vẫn sử dụng. Phải chăng những thông tin trên thiếu khách quan?
Thực tế, ngay khi có thông tin về gà loại thải có chất tồn dư, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngay lập tức, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Tuy nhiên, sau khi lấy mẫu kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh trên gà của Hàn Quốc. Từ kết quả phân tích của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, các chất tồn dư đều dưới ngưỡng cho phép.
“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ, không có lý gì để mình đưa ra để cấm được cả. Về phía cơ quan quản lý, cũng phải cân nhắc cái gì cấm được, cái gì không cấm được. Ngay cả chuyện nhập khẩu thịt, chúng ta có cấm đâu. Doanh nghiệp khi thấy lợi nhuận thì họ nhập những mặt hàng nằm trong danh mục” - Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn nói.
Ngoài ra, bản thân người tiêu dùng cũng có sự cân nhắc, đánh giá khi mua sản phẩm. Vì vậy, để tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng, người dân đã chọn kênh bán lẻ an toàn nhất đó là siêu thị.
Chị Thanh Mai – Cầu Giấy – Hà Nội cho biết: “Gia đình tôi vẫn thường xuyên vào siêu thị mua gà dai Hàn Quốc về sử dụng. Bởi chúng tôi thấy yên tâm vì ở đây có đầy đủ giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh ATTP. Còn mua sản phẩm bán trôi nổi trên thị trường thì sẽ không biết được sản phẩm đó có tồn dư hóa chất độc hại hay không”.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng gà dai Hàn Quốc của người dân là rất lớn, trung bình mỗi siêu thị tiêu thụ khoảng 5-7 tấn/ngày. Thực tế, trước những thông tin sản phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng sẽ quan tâm đến nguồn gốc và sự an toàn khi sử dụng sản phẩm hơn.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm gà dai Hàn Quốc được bán tại các siêu thị vẫn chưa có trường hợp nào phản ánh khi sử dụng bị ngộ độc hoặc mắc các bệnh về tiêu hóa.
Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, với giá bán 53.000 đồng/kg, rẻ hơn một nửa so với giá gà nuôi trong nước sẽ dễ dàng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Bất nhất trong quản lý
Một nghịch lý xảy ra là, trong khi cơ quan chức năng luôn khuyến cáo người dân không nên ăn gà dai Hàn Quốc, nhưng lại không đưa ra bất cứ một văn bản hay số liệu chính thức nào để chứng minh đây là gà thải loại, kém chất lượng.
Thậm chí vẫn cho phép nhập khẩu sản phẩm này dùng để chế biến thức ăn. Rõ ràng sự bất nhất về ý kiến đã gây hoang mang cho người dân và làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sản phẩm.
Có ý kiến cho rằng: “Các nước phát triển như: Nhật, Mỹ, Hàn Quốc…không ăn loại gà này, tại sao dân mình lại phải ăn”.
Thực tế, ở mỗi thị trường có đặc tính tiêu thụ khác nhau. Tại các nước phát triển không sử dụng nhiều sản phẩm này bởi đời sống thu nhập của họ cao, nên sẽ chọn những sản phẩm cao cấp hơn.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, một người đã có nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài cho biết: “Bản thân những nước phát triển, họ có khả năng ẩm thực cao nên không thích ăn các loại thịt đỏ mà chỉ ăn phần lườn con gà.
Ngoài ra, vẫn có một bộ phận nhỏ người dân có thu nhập thấp ở các vùng nông thôn sử dụng sản phẩm gà đông lạnh này. Tuy nhiên, do giá bán rẻ và không tiêu thụ hết nên họ phải xuất sang nước thứ 3”.
Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay: Tất cả các loại thực phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam phải có một cơ quan chức năng đại diện trả lời cho người tiêu dùng biết có được được sử dụng để ăn hay không. Có như vậy mới không gây hoang mang dư luận và không làm phức tạp thêm tình hình.
Hiện nay, cơ quan chức năng không cấm nhập khẩu sản phẩm đủ tiêu chuẩn, nhưng cũng cần có những biện pháp bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Có như vậy, mới đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Nếu cơ quan chức năng đã kiểm nghiệm và chứng nhận về sản phẩm vẫn ở ngưỡng an toàn cho phép thì không có lý do gì mà người tiêu dùng trong nước không thể sử dụng.
Về phía nhà phân phối, ông Phạm Hồng Thái – Giám đốc khối thu mua Siêu thị Oceanmart cho biết: Tất cả các sản phẩm được bán tại hệ thống siêu thị Oceanmart đều có đầy đủ giấy chứng nhận kiểm nghiệm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của cơ quan chức năng có uy tín.
Đặc biệt, các sản phẩm là thực phẩm đông lạnh, khi được nhập khẩu về siêu thị đều được bảo quản theo quy chuẩn an toàn của cơ quan chức năng quy định.
Ví dụ, mỗi lô hàng nhập khẩu gà đông lạnh Hàn Quốc hay còn gọi là gà dai Hàn Quốc đều có giấy chứng nhận nhập khẩu của Cục Thú y, giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất hàng về đảm bảo vệ sinh ATTP, không có hại cho sức khỏe. Vì vậy, Oceanmart thường xuyên nhận được những phản ứng tích cực của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm.
Đành rằng phải bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Song, cũng cần phải có cái nhìn khách quan, bởi hiện nay mức thu nhập của người dân là đa dạng, vì vậy sẽ xuất hiện hai đối tượng khách hàng là bình dân và cao cấp. Nên, việc nhập khẩu đa dạng các loại hàng hóa, thực phẩm để phục vụ đa dạng khách hàng là điều sống còn đối với các siêu thị.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng nên có những đánh giá chính xác, khách quan để bảo vệ quyền lợi của của người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu trong nước.
Theo Thời báo doanh nhân
Bình luận