Đầu tháng 11, Shmuel Bialy và Abraham Loeb, hai nhà thiên văn đến từ Trung tâm vật lý thiên văn Havard Smithsonian, Mỹ gây xôn xao khi công bố nghiên cứu với giả thiết Oumuamua là phi thuyền người ngoài hành tinh gửi xuống thăm dò Trái Đất.
Theo họ, nó có cấu tạo tương tự như một cánh buồm Mặt Trời có khả năng tự hấp thu photon từ ánh sáng các ngôi sao, tạo ra năng lượng để di chuyển.
Oumuamua là tiểu hành tinh được nhà nghiên cứu Rob Weryk ở Đại học Hawaii phát hiện vào tháng 10/2017. Tuy nhiên, chính ông Weryk lại cho rằng giả thiết trên là phi lý và có phần hoang tưởng.
"Khi di chuyển trong vũ trụ, các vật thể thường không thể vượt qua một mốc tốc độ tối đa vì chịu tác động của Mặt Trời. Khi nhìn thấy Oumuamua lần đầu tiên, nó di chuyển nhanh hơn tốc độ đó nên chúng tôi biết chắc rằng nó không thuộc Hệ Mặt Trời của chúng ta", ông này phân tích.
"Tôi nghĩ đó là tàn dư từ một Hệ Mặt Trời khác. Nó chỉ là một cái gì đó vô tình chạy qua chúng ta và kính thiên văn may mắn bắt được hình ảnh của nó", nhà nghiên cứu cho hay.
Loeb khẳng định nghiên cứu của ông và cộng sự hoàn toàn tuân theo các phương pháp khoa học tiêu chuẩn.
Vật thể du hành liên sao nghi là tàu vũ trụ ngoài hành tinh
Ông Weryk phát hiện Oumuamua vào tháng 10/2017 nhờ kính thiên văn PanSTARRS1. Mặc dù Oumuamua cuối cùng được xác định là sao chổi nhưng các nhà khoa học vẫn tiếp tục tranh luận nó thực chất có phải là sao chổi hay chỉ là một tiểu hành tinh.
NASA khi đó nói rằng Oumuamua là một "vật thể kim loại hoặc bằng đá" dài khoảng 400 m và rộng 40 m. Oumuamua đang di chuyển với tốc độ 113.000 km/h, hướng ra xa Hệ Mặt trời.
Bình luận