• Zalo

Sự thật đằng sau những ngôi mộ tập thể chôn cả trăm người ở Canada

Tư liệuThứ Sáu, 02/07/2021 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Phát hiện gây sốc số lượng lớn mộ trẻ em tại các trường nội trú cũ khiến cộng đồng người bản địa ở Canada nhớ lại những năm tháng lịch sử đầy đen tối.

Ở tuổi lên 6, Ken Thomas bị cho lên xe tải, đi hai tiếng đồng hồ rồi bị bỏ lại ở bậc thềm trường nội trú Muskowekwan Indian. Các bà xơ nhanh chóng cạo tóc cậu, và cậu nhanh chóng nhận ra là cứ khi nào cất tiếng nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là họ sẽ lấy xà phòng sục rửa miệng cậu.

Thomas khi đó còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra. “Chỉ một tiếng đồng hồ đến đó là tôi bị cạo đầu. Tôi đã từng thắt tóc bím”.

Nhưng đó chưa phải là nỗi kinh hãi duy nhất. Trong suốt 10 năm sau, cậu đã chứng kiến những cảnh tượng còn hãi hùng hơn. Một người bạn tự sát sau khi bị lột hết quần áo và nhốt vào kí túc xá vì cố gắng bỏ trốn. Thomas cùng những nam sinh khác phát hiện bạn mình treo cổ lạnh ngắt khi đang tắm.

Khi một số người đến lắp đặt đường ống nước quanh sân trường, cậu nhìn thấy họ đào lên được xương người. Nhiều học sinh khác cũng vậy. Có tin đồn nhiều học sinh sau khi mất tích đã chết và được chôn ở đó.

Giờ đây, Thomas, đã 53 tuổi, vẫn còn nhớ buồng tắm nơi người bạn đã tự tử sau khi bị phạt. Chỉ cần đến khu trường, ông sẽ nhận ra.

Sự thật đằng sau những ngôi mộ tập thể chôn cả trăm người ở Canada - 1

Ken Thomas quay lại địa điểm của một trong các trường nội trú. (Ảnh: NYT)

Trong làn sóng thuộc địa hóa của người từ nơi khác đến, nhiều cộng đồng người bản địa đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ những năm 1880 đến trong suốt những năm 1990, chính phủ Canada tách khoảng 150.000 trẻ em bản địa giống như Thomas khỏi gia đình, đưa đến các trường nội trú nhằm cắt đứt các em với văn hóa bản địa và đồng hóa những học sinh này.

Ủy ban Sự thật và Hòa giải quốc gia Canada (TRC), được thành lập sau này để điều tra các trường nội trú nêu trên, năm 2008 đã gọi việc làm đó là “diệt chủng văn hóa”.

Các trường học chủ yếu do nhà thờ Công giáo điều hành, khi Công giáo gắn liền với các giá trị văn hóa phương Tây và nhà thờ Công giáo được cho rằng có khả năng thực hiện thay đổi một cách nhanh chóng. Những người đứng sau mô hình lúc bấy giờ cho rằng nếu tách trẻ em ra xa để không chịu ảnh hưởng của bố mẹ, chúng sẽ có thể tiếp nhận những giá trị mới và sau đó trở về ảnh hưởng ngược lại tới gia đình.

Tại các trường nội trú này, hàng loạt vấn đề đã xảy ra với những đứa trẻ như bạo hành thể chất, tinh thần, tình dục. Hàng nghìn đứa trẻ đã mất tích.

Cho đến gần đây, những trang lịch sử u ám lại được chú ý một lần nữa. Chỉ trong vòng 4 tuần, hai cộng đồng người dân tộc bản địa cho biết họ phát hiện hàng trăm ngôi mộ không được đánh dấu, có thể của những đứa trẻ đã bỏ mạng tại các ngôi trường do bệnh tật, bị bỏ rơi hoặc thậm chí bị giết. Tiết lộ gây sốc khiến cộng đồng càng quyết tâm hơn về việc buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm cho quá khứ.

Sự thật đằng sau những ngôi mộ tập thể chôn cả trăm người ở Canada - 2

Trường nội trú Muskowekwan là một trong những địa điểm được điều tra đầu tiên. (Ảnh: NYT)

Những ký ức kinh hoàng

Đã 51 năm trôi qua kể từ khi Deedee Lerat, 60 tuổi, theo học tại Trường nội trú Indian Marieval ở Saskatchewan, Canada. Nhưng ký ức về những vụ ngược đãi mà những cô gái bản địa phải chịu đựng ở đó vẫn ám ảnh bà.

Bà đã rất sợ hãi trong suốt thời gian qua, khi biết tin về các ngôi mộ. Bà nhớ mình đã nghĩ “đừng bị chú ý" bởi đã thấy những xảy ra với những đứa trẻ bị chú ý.

Một số người từng được đánh số thay cho tên. Theo National Geographic, sáu trong số các trường học đã tiến hành các thí nghiệm dinh dưỡng trên trẻ em bản địa vào những năm 1940; một số chết vì đói. Ngôi trường nội trú khét tiếng St. Anne ở miền Bắc Ontario đã dựng một chiếc ghế điện để phạt học sinh.

Ellery, một học sinh khác cố gắng trốn thoát 27 lần nhưng luôn bị bắt lại. Một số người chết cóng hoặc chết đuối khi chạy trốn.

Nhiều người ảnh hưởng tâm lý sau những năm tháng ám ảnh. Lerat, giờ là một bà mẹ sáu con, phải vật lộn với lạm dụng tình dục, tình trạng vô gia cư, nghiện ngập và chấn thương tâm lý. Trong nhiều năm, bà đã tham dự các buổi lễ truyền thống, trị liệu, đến nhà thờ và tìm những cách khác để phục hồi. Nhưng khi con trai lớn của bà đã chết vì dùng thuốc quá liều, bà đã tái nghiện. Dù vậy, bà vẫn nói: “Tôi sẽ học cách bước đi cạnh nỗi đau chứ không phải trong nỗi đau".

Sự thật đằng sau những ngôi mộ tập thể chôn cả trăm người ở Canada - 3

Một khung cửa sổ vỡ ở trường nội trú Muskowekwan. (Ảnh: NYT)

Nhà thơ Garry Gottfriedson, từng học tại trường nội trú ở Kamloops trong khoảng 7 năm, từ 1959 đến 1963, cho đến khi ông và một vài người trong số 13 anh chị em của mình thoát khỏi hệ thống này. Mẹ của họ, và một số phụ nữ khác trong cộng đồng bản địa, đã thành công đề nghị gửi con đến các trường công lập địa phương.

Việc phát hiện ra những ngôi mộ chưa được đánh dấu đã làm sống lại những ký ức cay đắng của ông: chứng kiến ​​một người bạn và bạn cùng lớp bị tấn công tình dục; một cô gái tự tử sau nhiều lần bị đánh vì không nói được tiếng Anh.

Tuy nhiên, giống như nhiều cựu học sinh khác, ông lựa chọn không nói nhiều về những gì mình đã trải qua. Các con ông chỉ biết được sự việc khi đọc những bài thơ mà ông xuất bản.

Giờ đã nghỉ hưu, ông Gottfriedson dạy viết tại Đại học Thompson Rivers.

Tại sao các cuộc tìm kiếm kéo dài?

Các nhóm bắt đầu tìm kiếm và nhận dạng nạn nhân khoảng 20 năm trước đây, với nguồn ngân sách tự tài trợ hoặc huy động, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn.

Khi công bố phát hiện 215 ngôi mộ tại địa điểm trường nội trú Kamloops, cộng đồng dân tộc Tk’emlups te Secwépemc không tiết lộ cụ thể những cá nhân, tổ chức tham gia hay bằng cách nào dự án được hoàn thành. Họ chỉ cho biết thuê được các chuyên gia sử dụng công nghệ radar xuyên đất để tìm kiếm.

Có nhiều yếu tố khiến việc tìm kiếm những ngôi mộ trở nên khó khăn, trong đó chủ yếu là vấn đề chi phí và thông tin.

Một số cuộc tìm kiếm được thực hiện với ngân sách liên bang nhưng vẫn tương đối “dè xẻn”, theo các chuyên gia. Nguồn quỹ đôi khi chỉ ở mức 20.000 USD, chỉ đủ để sử dụng radar trong một khu vực diện tích nhỏ, đã được khảo sát kĩ và những chuyên gia thực hiện phải làm không công. Theo nguồn tin của Global and Mail, nhiều cuộc tìm kiếm trong những năm qua do nhóm 20 học giả có kinh nghiệm về địa vật lý khảo cổ thực hiện, đương nhiên là miễn phí. Với nhu cầu tìm kiếm tăng cao trong thời gian tới sau các vụ phát hiện thì 20 người chắc chắn không đủ.

Sự thật đằng sau những ngôi mộ tập thể chôn cả trăm người ở Canada - 4

Một điểm tưởng nhớ các học sinh. (Ảnh: NYT)

Hiện đã có nhiều nỗ lực kêu gọi và đóng góp nhằm hỗ trợ chi phí cho các dự án tìm kiếm này. Nhưng thông tin lại là một vấn đề nan giải khác.

Việc xác định vị trí của các nạn nhân gặp khó khăn do hồ sơ lưu thông tin của họ đã thất lạc. Nhiều nhân chứng là người từng học tại trường nội trú chỉ nhớ mơ hồ về các địa điểm có thể là nơi chôn cất, chưa kể các cơ sở trường học cũ không còn nguyên vẹn và cảnh quan cũng đã thay đổi.

Để quyết định sử dụng máy dò, các chuyên gia phải khảo sát, đối chiếu, nói chuyện với nhiều người, nhiều cơ quan, so sánh các thông tin để khoanh vùng phạm vi chính xác nhất. Các khu mộ được tìm thấy đến nay đều không được đánh dấu. Không thể chỉ nghe ai đó nói “hãy thử tìm ở chỗ này” là có thể bắt đầu tìm ngay, trong khi nguồn lực tìm kiếm không đủ.

Họ cũng phải đảm bảo quy trình tìm kiếm và đưa các hài cốt lên phù hợp với văn hóa và các phong tục bản địa, nhằm tôn trọng những người đã khuất. 

Một số nhân chứng chỉ nhớ rằng bạn mình đã mất tích. Khi nghe mọi người nói về các ngôi mộ, họ ngờ ngợ rằng người bạn cùng lớp có thể đã gặp số phận không may. Nhưng họ không thể xác nhận điều này, nếu không có ghi chép chính xác về những gì đã xảy ra.   

Báo cáo cuối cùng của TRC đưa ra ước tính thận trọng rằng có từ 4.000 đến 6.000 trẻ em chết trong các trường nội trú. Nhưng vì hồ sơ không đầy đủ, nên con số thực tế có thể lớn hơn.

TRC lưu ý rằng chỉ riêng từ năm 1936 đến năm 1944, 200.000 hồ sơ về các vấn đề của người bản địa đã bị phá hủy, cũng như nhiều hồ sơ y tế. Một số học sinh thiệt mạng không được hiệu trưởng nhà trường nêu tên, một số chết nhưng không được ghi lại là đã chết.

Ngày càng nhiều lời kêu gọi các cơ quan liên quan và nhà thờ công bố đầy đủ hồ sơ các trường học.

Phương Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn