Khoảng những năm 2014, trên các trang mạng xã hội bỗng nhiên nổi lên thông tin về việc tìm thấy sỹ quan tên lửa Liên Xô bắn hạ cường kích A-4E Skyhawk do phi công John S. McCain III điều khiển ngày 26/10/1967 khiến ông này nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Kèm theo thông tin này là những lời chê bai được cho là của sỹ quan Liên Xô bình luận về việc bộ đội tên lửa Việt Nam bắn trượt đến 12 tên lửa và đích thân vị sỹ quan này nhấn nút mới bắn hạ được chiếc A-4E Skyhawk của John McCain.
Tuy nhiên, nhà báo Phan Việt Hùng chỉ ra rằng thông tin nói trên hoàn toàn là giả mạo, những thông tin này dựa trên một bài viết của phóng viên người Nga Anna Stavrogina vốn làm việc cho tờ phụ san Saint Petersburg của tờ báo có tên Moskvsky Komsomolets.
Bài viết của phóng viên Anna Stavrogina có tựa đề “John McCain suýt bị người ta dùng cuốc đập” được xuất bản ngày 12/11/2008 với nội dung thuật lại cuộc gặp của phóng viên này với trung tá Yury Trushechkin, chuyên gia tên lửa Liên Xô từng có thời gian sang Việt Nam trợ giúp. Vào thời điểm này, báo chí Nga đang đưa tin nhiều về John McCain, ứng viên của Đảng Cộng hòa trong Bầu cử Tổng thống Mỹ 2008.
Trong bài viết của phóng viên Anna Stavrogina, Trung tá Yury Trushechkin khi đó đang nằm viện điều trị kể lại rằng chính ông là người nhấn nút phóng tên lửa khi đang nhận lệnh bảo vệ cầu Hàm Rồng. Khi có tiếng còi báo động, ông Yury Trushechkin và các đồng đội phát hiện 2 tiêm kích ném bom McDonnell Douglas F-4 Phantom.
“Trong 6 tên lửa, chỉ còn 2 chiếc, số kia bị bắn. Bộ đội Việt Nam nhấn nút đầu tiên”, ông Trushechkin cho biết phát bắn của bộ đội Việt Nam bị trượt, ông nhấn nút phóng thì tên lửa trúng đuôi chiếc F-4. Sau đó bị các tên lửa khác bồi thêm, chiếc F-4 bị cháy và phi công phải nhảy dù.
Trung tá Trushechkin kể lại rằng ông phải đến tận nơi để cứu viên phi công Mỹ khỏi bị đánh đập, sau đó mở cặp của phi công này và tịch thu chiếc sổ công tác có ghi dòng chữ McCain, mà sau nhiều lần chuyển nhà ông đã để thất lạc. Bài viết này gây ra cơn chấn động tại nước Nga vào thời điểm được xuất bản năm 2008, còn trung tá Trushechkin mất năm 2009 vì căn bệnh ung thư.
Tuy nhiên, nhà báo Phan Việt Hùng cho biết trong cuộc gặp gỡ của ông với Chủ tịch Đoàn các tổ chức xã hội liên vùng cựu chiến binh Nga tại Việt Nam Nicolai Kolesnik vào đầu năm 2009, ông Kolesnik bình luận rằng thông tin mà trung tá Trushechkin đưa ra có thể do nhớ nhầm hoặc do bịa đặt. Luận điểm này cũng được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình khi có một số chi tiết không đúng với những gì thực tế đã diễn ra.
Thứ nhất, trung tá Trushechkin nói rằng chiến cơ do ông John McCain điều khiển xuất phát từ tàu sân bay USS Enterprise (CVN-65), tuy nhiên chiến cơ của ông John McCain xuất phát từ tàu sân bay USS Oriskany (CVA-34).
Thứ hai, trung tá Trushechkin nói rằng ông bắn hạ tiêm kích ném bom Phantom F-4 của ông John McCain, tuy nhiên trên thực tế ông John McCain điều khiển cường kích A-4E Skyhawk của Không quân Hải quân Mỹ và bị bắn hạ.
Thứ ba, trung tá Trushechkin nói rằng ông hạ chiến cơ của ông John McCain tại khu vực cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa trong khi đó trên thực tế ông John McCain bị bắn hạ khi thực hiện chiến dịch ném bom Nhà máy điện Yên Phụ, Hà Nội.
Cuối cùng, một số chứng cứ trực tiếp và gián tiếp khác đều không tồn tại, trong đó có cuốn sổ công tác của ông John McCain “bị mất do chuyển nhà”.
Video: Nhìn lại 35 năm sự nghiệp chính trị của ông John McCain
Tuy nhiên, theo nhà báo Phan Việt Hùng thì nhiều khả năng do tuổi tác và bệnh tật khiến trung tá Yury Trushechkin nhầm lẫn hơn là bịa đặt thông tin. Trong những ngày tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng, các kíp chiến đấu Việt Nam và Liên Xô lập đã được nhiều chiến công.
Chính trung tá Yury Trushechkin khẳng định rằng: “Không phải tôi nhấn nút phóng tên lửa mà đó là 1 sỹ quan điều khiển Việt Nam. Trước đó, tôi chỉ đưa ra các thông số trong cabin. Chính các phóng viên đã làm sai lệch câu chuyện của tôi như thường xuyên vẫn thế”.
Các bằng khen và huân chương do Việt Nam trao tặng cho trung tá Trushechkin không phải do ông là người bắn hạ chiến cơ của John McCain, mà tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô đều được trao tặng những phần thưởng cao quý này.
Sự thật là chiến công bắn hạ cường kích A-4E Skyhawk do phi công John S. McCain III điều khiển thuộc về Tiểu đoàn Tên lửa 61, Trung đoàn 236 nhận nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Hà Nội. Ngày 4/4/2016, ông Nikolai Kolesnik đăng bài viết có tiêu đề “Sự thật ai đã bắn hạ John McCain”.
Trong bài viết này có đoạn: “Cuộc gặp những người bạn chiến đấu cùng trung đoàn nhân kỷ niệm 50 năm binh chủng tên lửa anh hùng tại trung đoàn 236 ruột thịt.
Đại tá Konstantin Karetnikov năm 1965 là sỹ quan Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236, học trò của ông - Anh hùng Việt Nam, đại tá Nguyễn Xuân Đài, sỹ quan điều khiển Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236, người đã bắn rơi chiếc máy bay của John McCain. Chủ tịch Đoàn các tổ chức xã hội liên vùng cựu chiến binh Nga tại Việt Nam Nikolai Kolesnik, năm 1965 là Trung đội trưởng Trung đội Bệ phóng tên lửa Trung đoàn 236”.
Ngoài ra vào tháng 11/2008, trên trang thông tin của Nga science-freaks.livejournal cũng đăng tải bài phân tích các chi tiết vô lý trong bài báo của phóng viên Anna Stavrogina nói rằng sỹ quan Liên Xô bắn hạ chiến cơ của ông John McCain. Bài phân tích này khẳng định 2 người Việt Nam bắn hạ chiếc A-4E Skyhawk của John McCain, một trong số đó là đại tá Nguyễn Xuân Đài, khi ấy là chỉ huy điều khiển tên lửa.
Chính các cựu chiến binh Liên Xô năm xưa khẳng định rằng thông tin trong bài báo của nữ phóng viên về việc sỹ quan Liên Xô bắn hạ chiến cơ của John S. McCain III là sai sự thật, dù cho vô tình hay hữu ý. Việc tôn trọng sự thật ấy là nét đẹp xuyên suốt trong tính cách của những người cựu chiến binh Nga.
Bình luận