• Zalo

Nỗi đau chồng nỗi đau của người cha già bán bánh nuôi con tật nguyền ở Sài Gòn

Thời sựChủ Nhật, 04/06/2017 07:17:00 +07:00Google News

Hàng chục năm nay, người dân khu vực phường 8 (quận Gò Vấp, TP.HCM) vẫn thấy 1 cụ ông gầy gò xách theo 2 giỏ bánh tét đi bán khắp các hang cùng ngõ hẻm bất kể trời mưa hay nắng.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng ra chỉ cần ở nhà chơi đùa cùng con cháu nhưng cụ ông Nguyễn Văn Chũm (85 tuổi, khu phố 5, phường 8, quận Gò Vấp) vẫn hằng ngày xách theo 2 giỏ bánh, ngồi co ro trên lề đường Cây Trâm để bán bánh nuôi con bệnh tật.

Cụ kể, quê cụ tận ngoài Hà Đông (Hà Nội), nhưng từ thời trai trẻ cụ đã cùng vợ rời quê hương vào Nam sinh sống. Vài năm sau thì vợ mất, cụ Chũm đi bước nữa với người phụ nữ gốc Bến Tre và sinh được 3 người con, 2 gái, 1 trai.

000

Mỗi ngày, cụ Chũm lại 2 tay 2 giỏ bánh đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để bán bánh nuôi con. 

Sống trong thời chiến tranh loạn lạc, gia đình cụ cũng khó khăn như bao nhiêu người khác. Nhưng éo le hơn, cô con gái lớn của cụ tên Nguyễn Thị Thanh (SN 1964) tâm trí bất ổn, không thể làm được việc nặng. Cô con gái sau tên Nguyễn Thị Loan (SN 1967 tuổi) thì câm điếc bẩm sinh, mắt lại bị cườm không nhìn thấy rõ nên cuộc sống đã vất vả còn cơ cực hơn.

Tất cả hy vọng của vợ chồng cụ dồn vào người con trai duy nhất, nhưng trớ trêu thay con trai cụ lại ra đi khi chưa tròn 18 tuổi.

Nén nỗi đau thương, vợ chồng cụ cùng nhau cố gắng làm lụng để chăm sóc 2 cô con gái tật nguyền của mình. Sau 1 thời gian dành dụm, 2 cụ cũng mua được căn nhà sàn nhỏ trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Rồi có lệnh giải tỏa nhà sàn ven kênh, gia đình cụ được đền bù 1 khoản tiền đủ để mua 1 chỗ ở nhỏ bên quận Gò Vấp, nhưng ngôi nhà cũng chẳng lấy gì làm to đẹp mà hư hỏng, trống trước hở sau. 

Hằng ngày, cụ Chũm đạp xe đi bán cháo lòng quanh thành phố, còn vợ ở nhà chăm con. Nhưng số phận thêm lần nữa ngoảnh mặt với cụ Chũm khi cụ bà đổ bệnh nặng rồi qua đời. "Bả mất, tôi phải thay bả nuôi 2 đứa nó chứ không ai lo", cụ Chũm chia sẻ.

2

Nếu may mắn bán hết 2 giỏ bánh, mỗi ngày cụ lời được gần 100.000 đồng.

Mỗi ngày, cụ Chũm đi chợ từ sáng sớm mua đồ rồi đem về nấu lên cho các con ăn cả ngày trước khi đi bán. Trước đây, khi còn khỏe mạnh cụ tự đến lò gần nhà để lấy bánh, nhưng từ ngày sức khỏe yếu đi, người ta thương nên giao bánh đến tận nhà cho cụ.

"Người ta đến giao 2 giỏ cả bánh ú với bánh tét, bán đến 11h tối là tôi về, hôm nào may bán hết tôi cũng lời được gần 100 ngàn", cụ Chũm kể.

Sau khi ăn cơm xong, cụ Chũm lại 2 tay xách 2 giỏ bánh đi vòng qua các con hẻm trên đường Cây Trâm dưới cái nắng gắt của Sài Gòn. Đi được 1 đoạn, cụ lại lấy chiếc ghế nhỏ luôn xách theo bên mình ra để ngồi xuống nghỉ trên lề đường. Cứ thế, con đường dài ra theo từng bước chân yếu ớt, mệt mỏi của cụ.

Cụ chia sẻ, trên con đường Cây Trâm cụ hay đi qua có nhiều khách quen, họ thương cảm nên luôn mua ủng hộ để cụ được về nhà sớm nghỉ ngơi.

Thương cha, thỉnh thoảng mắt nhìn rõ bà Loan lại phụ giúp việc nhà, còn bà Thanh chỉ thu mình trên căn gác nhỏ của ngôi nhà được chính quyền địa phương xây dựng, đói quá thì xuống ăn cơm. Nhiều hôm, bà Thanh lại bỏ đi lang thang ngoài đường đến tối mịt mới tự tìm đường về. 

Video: Người mẹ chỉ mong được sống để chăm 2 con bại não

Tóc đã bạc trắng, thân hình gầy gò với cái lưng còng xuống, các đốt tay cong lại và xương xẩu vì hàng chục năm xách nặng nhưng chưa bao giờ cụ hết lạc quan. Với cụ chỉ còn sức khỏe, cụ vẫn muốn được chăm sóc các con thay vợ. "Mỗi người sinh ra có 1 số phận mà", cụ Chũm cười nói.

Chia sẻ về hoàn cảnh của cụ Nguyễn Văn Chũm, lãnh đạo phường 8 (quận Gò Vấp) cho biết: "Gia đình cụ Chũm thuộc diện khó khăn của phường, có con bị bệnh, cụ thì già yếu. Mỗi tháng, chúng tôi cũng hỗ trợ gia đình cụ 10 kg gạo và 1 ít nhu yếu phẩm khác. Dịp lễ tết cũng có vận động thêm một số mạnh thường quân để liên hệ tặng quà".

Được biết, ngôi nhà tình thương mà cụ đang ở được chính quyền địa phương cùng một số mạnh thường quân xây dựng cách đây vài năm, giúp gia đình cụ có thể yên tâm mỗi mùa mưa lũ.

1 3

Cuộc sống dù vất vả, khó khăn nhưng cụ Chũm vẫn luôn lạc quan, yêu đời. 

Dù vất vả ngược xuôi mưu sinh để nuôi con, nhưng cụ không hề than trách số phận vì đã quen với việc đi bán dọc hang cùng ngõ hẻm. Cụ chỉ sợ khi mất đi rồi, các con gái của cụ sẽ không biết sống thế nào. Nỗi lo lắng ấy đeo bám, đè nặng lên người cha già mỗi ngày, khi mà đáng lẽ ra cụ phải là người được con cháu chăm sóc.

Hình ảnh cụ ông gầy gò, còm cõi cùng tiếng rao bán bánh hàng chục năm nay khiến bao người không khỏi xót xa, thương cảm cho số phận trái ngang của cụ.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn