Là một quốc gia có nhiều tập tục độc đáo và đa dạng, văn hóa tín ngưỡng của Nhật Bản cũng có những nét đặc trưng riêng biệt. Trong số đó, rước kiệu Mikoshi là một nghi thức thần thánh trang nghiêm không thể thiếu ở các lễ hội địa phương.
Trong tiếng Nhật, Mikoshi được ghép từ chữ “thần” và chữ “kiệu”, do đó có thể hiểu Mikoshi là chiếc kiệu dành cho thần linh. Trong Thần đạo Nhật Bản, người ta tin rằng vị thần của địa phương ngự trong đền thờ và chỉ có thể di chuyển bằng cách đặt họ trong một cấu trúc tương tự. Vì vậy, Mikoshi thường là một phiên bản thu nhỏ của ngôi đền.
Mặc dù là phiên bản thu nhỏ nhưng xét về độ hoành tráng và tỉ mỉ, Mikoshi có thể khiến nhiều người bất ngờ. Thông thường, phần mái sẽ được chạm khắc phượng hoàng mạ vàng, phần thân trang trí bắt mắt, lộng lẫy, bên trong đặt hình nhân, đôi khi cả khúc gỗ hay thùng rượu hoặc biểu tượng nam giới. Xung quanh các góc kiệu là những thanh gỗ to, dài để tiện cho việc mang, vác. Như vậy, riêng phần kiệu đã có thể nặng đến 500kg, nếu tính cả phần gỗ lên đến 1 - 1,2 tấn.
Không khó hiểu khi những người được chọn khiêng Mikoshi là thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, có sức chịu đựng và lòng kiên trì. Giữa trưa nắng, đoàn rước kiệu phải đi qua những con phố dài. Chưa kể trong quá trình khiêng, họ còn phải lắc lư, nhảy múa để “vị thần” trong kiệu cảm thấy vui vẻ.
Mikoshi gây ra sức nặng khủng khiếp lên đôi vai của những thanh niên khiêng kiệu khiến máu không thể lưu thông. Qua năm tháng, cơ thể họ bắt đầu biến dạng, sưng phồng lên. Cộng với sự cọ xát liên tục, những vết u ngày càng xuất hiện nhiều, gồ lên như những chiếc bướu lạc đà.
Dù trải qua nhiều vất vả và đau đớn, nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người rằng đây là công việc ép buộc, thanh niên Nhật Bản cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào khi được góp mặt trong đoàn khiêng kiệu. Những chiếc “bướu lạc đà” như một minh chứng rằng họ đã từng được gánh Mikoshi, góp công lớn trong sự thành công của những lễ hội địa phương.
Bình luận