Khoảnh khắc UAV phát nổ trên cung Thượng viện thuộc khu phức hợp điện Kremlin ở Moskva ngày 3/5. (Nguồn: RT)
Điện Kremlin - một trong những nơi được bảo vệ an ninh cao nhất thế giới - đã bị tấn công bởi 2 máy bay không người lái (UAV) dân sự gắn thuốc nổ. UAV chứng minh sự hữu dụng của nó trong cuộc sống hàng ngày, nhưng nó đang ngày càng bị lợi dụng nhiều hơn cho các âm mưu tấn công khủng bố. Điều này cho thấy ranh giới giữa thiết bị quân sự và dân sự ngày càng mờ nhạt và tạo cơ hội để chủ nghĩa khủng bố lên một tầm nguy hiểm mới.
Nga bắn hạ UAV ngay trên điện Kremlin
Rạng sáng ngày 3/5, hai UAV tiếp cận điện Kremlin – biểu tượng quyền lực của Moskva và là nơi ở chính thức của Tổng thống Nga. Khi chúng đến gần, lực lượng an ninh Nga ngay lập tức phát hiện và các biện pháp bảo vệ điện Kremlin được kích hoạt. Đặc vụ Nga sử dụng các thiết bị chế áp điện tử, vô hiệu hóa mối đe dọa. Kết quả, 2 chiếc UAV bị bắn hạ. Các mảnh vỡ của chúng vương vãi khắp khuôn viên điện Kremlin.
Người phát ngôn điện Kremlin tuyên bố không có thương vong về người cũng như thiệt hại vật chất sau cuộc tấn công. Tuy nhiên, trong các đoạn video do camera an ninh xung quanh điện Kremlin ghi lại cho thấy hậu quả của cuộc tấn công bằng UAV đã khiến một phần mái vòm của tòa nhà Hội đồng liên bang, tức Thượng viện Nga, bên trong khuôn viên của điện Kremlin bốc cháy dữ dội.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không có mặt tại khu phức hợp lúc xảy ra vụ nổ. Khi đó, ông làm việc tại dinh thự ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô thủ đô Moskva.
Những mối nguy liên quan đến an toàn
Theo IoT World Today, với khoảng 1 triệu UAV hoạt động trên toàn thế giới mỗi tháng, nguy cơ mất an toàn từ UAV ngày càng trở nên đáng sợ hơn. IoT World Today cũng liệt kê 8 rủi ro hay xảy ra liên quan đến UAV.
Đầu tiên, đe dọa không phận. Hãy tưởng tượng mức độ thiệt hại mà một UAV có thể gây ra nếu chúng bị hút vào động cơ phản lực.
Thứ hai, chở vũ khí. Vũ khí hạng nhẹ có thể được gắn vào UAV. Hiện có những nghiên cứu chứng minh UAV có thể mang cưa máy, súng máy và súng phun lửa. Những kẻ khủng bố hoặc đơn giản là các tổ chức tội phạm có thể gây ra hậu họa thế nào đối với đám đông, các sự kiện tập trung đông người.
Chưa kể, nhiều tổ chức khủng bố bắt đầu sử dụng UAV cho hoạt động do thám và chiến đấu. UAV có thể còn được sử dụng để triển khai vũ khí hóa học, ném bom, thậm chí tấn công hạt nhân.
Thứ ba, hoạt động gián điệp mức độ thấp. UAV có thể là công cụ tối ưu cho hoạt động gián điệp ở tầm công nghệ thấp như lấy thông tin về tài chính, chiến lược, sơ đồ công nghệ... của các công ty đối thủ qua các hình ảnh nó chụp được.
Thứ tư, hoạt động gián điệp tầm công nghệ cao. Một số vụ tấn công máy tính gây thiệt hại nặng nề nhất lại liên quan đến UAV. Ví dụ, có nhiều báo cáo về việc UAV đã mang Raspberry Pi (một loại máy tính rất nhỏ gọn, kích thước hai cạnh chỉ bằng một thẻ ATM và chạy hệ điều hành Linux) hạ cánh xuống một trung tâm dữ liệu và đánh cắp thông tin nhạy cảm.
Kunal Jain - giám đốc bán hàng của Dedrone - cho biết, một trong những đối tác của họ đã phát hiện drone như vậy trên nóc một tòa nhà. Drone đã hỏng, gỉ sét, nhưng các thiết bị gắn kèm vẫn hoạt động.
Thứ năm, buôn lậu. Nhiều nhà tù trên khắp nước Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn UAV cỡ lớn mang theo hàng buôn lậu mọi thứ từ ma túy, sách báo phim ảnh khiêu dâm và điện thoại thông minh đến cho các tù nhân. Hay như ví dụ ở trên, các băng đảng ma túy sử dụng drone để vận chuyển hàng hóa của chúng qua biên giới Mexico.
Thứ sáu, va chạm. Đã có rất nhiều báo cáo về các thương tích nghiêm trọng từ UAV. Nếu va chạm với drone trọng lượng tầm 22 kg, con người có thể thiệt mạng, theo một bài báo trên Bloomberg nói về một kết quả nghiên cứu liên quan đến các thử nghiệm với UAV. Còn va chạm với máy bay của hàng không thì không còn gì phải bàn cãi về hậu quả.
Thứ bảy, khó khăn trong việc thực thi các quy định. Các nhà chức trách đang cố gắng kiềm chế UAV ở các khu vực nhạy cảm như gần sân bay hay các sự kiện thể thao đông người. Nhưng vấn đề là những vùng cấm bay như vậy rất khó thực thi.
Các hệ thống radar cảnh giới tầm cao hoặc tầm trung cũng khó phát hiện ra UAV khi ngẫu nhiên một ai đó đứng ở sân sau hay trước chiếc xe tải bỗng vận hành chiếc drone bay vào vùng cấm.
Thứ tám, công cụ của tội phạm mạng. UAV cũng mở ra một con đường mới cho tin tặc. UAV có thể tấn công máy bay khiến chúng bị rơi, hoặc được sử dụng để đánh cắp thông tin. Chẳng hạn, một chiếc UAV bay lơ lửng ở tầm cao 45m, phát tín hiệu wifi miễn phí và sau đó thu thập thông tin nhạy cảm từ bất kỳ người nào sử dụng mạng.
Hiện còn rất nhiều tranh cãi về UAV hay drone. Những dự luật về drone vẫn đang được nhiều nước trên thế giới tiến hành nghiên cứu để cân bằng giữa những lợi ích mà chúng có thể mang lại song vẫn đảm bảo an ninh quốc gia cũng như an toàn cho dân chúng.
Sự kiện Điện Kremlin bị tấn công bằng UAV một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phổ biến của các phương tiện bay không người lái trong cuộc sống hàng ngày. Giờ đây bất cứ ai cũng có thể mua cho mình một phương tiện bay như "drone" hay "UAV" (unmanned aerial vehicle) - tức máy bay không người lái.
Theo Cục Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA), máy bay không người lái có thể có nhiều hình dạng, kích thước và phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Nó có thể có sải cánh rộng như một máy bay phản lực hay chỉ nhỏ như một chiếc máy bay mô hình điều khiển bằng sóng radio.
Ngoài sử dụng cho mục đích quân sự, UAV còn được dùng cho mục đích dân sự như giao hàng, quay phim, chụp không ảnh...
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) chia drone thành 2 loại chính: Máy bay tự hành (hiện ít xuất hiện trong thực tế vì các lý do an toàn) và máy bay điều khiển từ xa (xuất hiện phổ biến hơn).
Còn FAA định nghĩa, máy bay mô hình cũng là UAV nhưng có một quy định bắt buộc đó là máy bay mô hình chỉ được phép bay trong tầm nhìn của người điều khiển.
Trong khi đó, những chiếc UAV đúng nghĩa, tầm xa có thể bay được rất xa, vượt cả chục, cả trăm km hay thậm chí là hơn thế nữa. Vì vậy, các phi công quân sự có thể ngồi tại Mỹ và điều khiển một chiếc UAV tận Afganistan hay Iraq.
Bình luận