Chia sẻ về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư (IBM Watson for Oncology), PGS.TS Lê Văn Quảng cho biết Bệnh viện K thí điểm sử dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư từ tháng 1/2018, với số lượng 200 ca bệnh, tập trung phần lớn là bệnh ung thư vú, phổi ở giai đoạn sớm.
Bác sĩ Quảng cho biết qua 6 tháng triển khai, thuận lợi lớn nhất mà trí tuệ nhân tạo đem đến là giúp họ cập nhật nhanh chóng các phác đồ, các thuốc mới trong điều trị ung thư, để đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả và phù hợp cho từng bệnh nhân.
Hệ thống đặc biệt hữu ích trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ trẻ, các bác sĩ ở tuyến dưới không có điều kiện để cập nhật kiến thức, giúp tra cứu nhanh hơn.
Tuy nhiên, để sử dụng được công nghệ này, các bác sĩ phải có trình độ tiếng Anh, và kiến thức về bệnh học mới có thể truyền tải thông tin đúng để nhập vào máy.
"Điều đó có nghĩa là các bác sĩ muốn trí tuệ nhân tạo đưa ra được gợi ý đúng thì chính bác sĩ phải chẩn đoán đúng bệnh và cho bệnh nhân làm các xét nghiệm đầy đủ. Ngược lại, nếu chẩn đoán sai về bệnh, sai về giai đoạn, không nắm được các bệnh kèm theo thì sẽ không thể điều trị tốt cho bệnh nhân.
Xu hướng điều trị ung thư là cá thể hóa, việc đưa ra các phác đồ điều trị phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân, nên hệ thống này không thể thay thế bác sĩ trong việc khám, chẩn đoán và đưa ra các quyết định điều trị.
Bác sĩ có quyết định sử dụng gợi ý mà hệ thống IBM Watson for Oncology hay không, phải căn cứ theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và cơ sở điều trị", ông Quảng nói.
Đồng quan điểm với các bác sĩ Quảng, ông Eric CW Yeo - Tổng Giám đốc Công ty IBM tại Việt Nam cho biết: "Thứ nhất, IBM Waston for Oncology không được thiết kế và cũng không bao giờ có thể thay thể được các bác sĩ trong công cuộc điều trị ung thư cho bệnh nhân.
Thứ hai, phương pháp điều trị nào được lựa chọn, quyết định cuối cùng sẽ như thế nào phải dựa trên sự bàn bạc, thống nhất giữa các bác sĩ, bệnh nhân, còn thông tin từ hệ thống Watson for Oncology chỉ là sự tham khảo".
Ông Eric nhấn mạnh: "Các phương pháp điều trị cuối cùng dành cho bệnh nhân đều phải do bác sĩ chỉ định, những quyết định đó phải có sự đồng ý của bệnh nhân".
IBM Watson for Oncology là hệ thống trí tuệ nhân tạo chuyên biệt nhằm cung cấp các giải pháp cho việc chữa trị bệnh ung thư, được thiết kế bởi Tập đoàn IBM và các chuyên gia của Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ).
IBM Watson for Oncology được xây dựng dựa trên việc tổng hợp hàng triệu hồ sơ bệnh án ung thư, hơn 300 tạp chí y khoa, 200 sách giáo khoa và hơn 15 triệu trang tài liệu y văn liên quan tới điều trị ung thư.
IBM Watson for Oncology có thể sử dụng ở mọi lúc mọi nơi có kết nối Internet.
Hệ thống có các thuật toán tối ưu giúp tìm kiếm trên 200 triệu trang tài liệu trong vòng 3 giây, cho phép cập nhật, tìm kiếm kho dữ liệu hồ sơ bệnh án và y văn nhanh.
Cho tới nay, IBM Watson for Oncology hỗ trợ các thông tin liên quan tới 13 loại ung thư và triển khai tại 80 bệnh viện và cơ sở y tế tại 13 quốc gia trên thế giới.
Sau khi nhập dữ liệu của bệnh nhân cần tư vấn, IBM Watson for Oncology có thể đưa ra một số thông tin trong thời gian ngắn như: Gợi ý phác đồ điều trị; lịch trình thời gian trong kế hoạch điều trị; đưa ra so sánh giữa các phác đồ điều trị; đưa ra các bằng chứng cho mỗi lựa chọn, cung cấp các bằng chứng thử nghiệm lâm sàng; có thể in tài liệu hỗ trợ bác sĩ, bệnh nhân tham khảo.
Video: 50 công nhân nhập viện ở Quảng Ninh: Phát hiện khí độc gây ung thư vượt ngưỡng
Bình luận