Nhà văn Trần Quốc Toàn có bài thơ Mẹ và cô trong SGK lớp 1 tập 2 cùng nhiều tác phẩm trong các sách dùng trong nhà trường.
Nhà văn Trần Quốc Toàn, cho biết: “Thật tình cờ, tôi đến nhà một người bạn chơi, anh ta có đứa con gái học lớp một. Để làm tôi vui anh ta đã bảo cháu bé đọc bài thơ này cho bác Toàn nghe.
Nghe xong tôi ngạc nhiên hỏi ông lấy bài này ở đâu ra để cháu học thuộc lòng như vậy? Đến lượt bạn tôi ngạc nhiên, anh ta bảo: thì trong SGK lớp chớ đâu! Lúc này tôi không biết mình vui hay buồn vì cảm giác rất khó tả... Sao kỳ vậy nhỉ, tác phẩm của mình in trong sách cho hàng triệu trẻ con học mà mình không hề hay biết?!”.
Nhiều tác giả có tác phẩm được đưa vào SGK chính thống giảng dạy trong nhà trường, đều tỏ ý ngạc nhiên khi khi tình cờ biết đứa con tinh thần của mình trở thành bài học cho học trò.
Chưa kể sách tham khảo được in khá nhiều như hiện nay bởi NXB GDVN, nếu những người biên soạn hay những “công ty con” của NXB này không xin phép tác giả, thì không một nhà văn nào có thể kiểm soát được tác phẩm của mình đã được dùng ra sao.
Lâu nay, NXB GDVN sử dụng tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nhưng không đếm xỉa đến quyền lợi tác giả như… chuyện thường ngày ở huyện.
Cụ thể, trong một bài trả lời phỏng vấn với Thể thao & Văn hóa, nhà văn Nguyễn Quang Sáng tác giả Chiếc lược ngà được in trong SGK, nói: “Tác phẩm trong SGK của tôi không hề có nhuận bút được hết năm học này sang năm học nọ.
Nếu SGK phát không cho học trò thì tôi chẳng màng đến chuyện thù lao tác phẩm của mình làm gì. Đàng này có bán, có lợi nhuận, thì những nhà văn như chúng tôi rất bức xúc. Tôi có nói với một số anh em có tác phẩm trong SGK phải cùng nhau làm đơn đề nghị NXB xem xét lại chuyện này vì quá bất hợp lý!”.
Thế nhưng, khi tác giả “tự phát hiện” tác phẩm của mình đã được “vinh dự” in vào sách của NXB GDVN thì sẽ như thế nào?
Nhà văn Hồ Huy Sơn trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN): “Hai bài viết của tôi là Hãy can đảm lên in trong cuốn 35 đề ôn luyện tiếng Việt 3 và bài Con đường rơm in trong cuốn Luyện tập tiếng Việt 3 - tập 2 do NXB GDVN ấn hành.
Khi tôi phát hiện tác phẩm của mình bị sử dụng không xin phép, tôi đã liên hệ với NXB này, và được người có trách nhiệm ở đây trả lời sẽ trả nhuận bút với giá 600 ngàn đồng/bài.
Rồi họ đẩy trách nhiệm xin phép tác giả qua cho các “công ty con” và các tác giả thực hiện cuốn sách. Tôi tự hỏi, tại sao lại 600 ngàn đồng/bài, căn cứ vào đâu để trả nhuận bút như vậy? Đâu phải cứ tự ý dùng tác phẩm của người khác, để khi bị phát hiện thì muốn trả bao nhiêu tiền thì trả. Rõ ràng là các nhà văn không cần trả tiền theo kiểu này”.
Phải chăng, có được tác phẩm vào SGK hay các ấn phẩm khác của NXB GDVN là niềm “vinh dự tự hào” đến độ các nhà văn, nhà thơ không cần đòi hỏi gì thêm?
Nhà văn Hồ Huy Sơn, cho rằng: “Đúng là rất vui khi tác phẩm của mình xuất hiện trong sách tham khảo được bán trong nhà trường.
Tuy nhiên, làm sách trước hết là làm văn hóa, cho nên hành xử với tác giả cũng phải có văn hóa, ít nhất là phải biết xin phép tác giả trước khi sử dụng tác phẩm. Tôi nghĩ, không có tác giả nào sống được cả đời với vài trăm ngàn nhuận bút, nhưng để tác giả phát hiện ra tác phẩm của mình bị “xài chui” rồi khiếu nại là việc hành xử hơi khiếm nhã”.
Dù rất “vinh dự tự hào”, song Hồ Huy Sơn đã đề nghị gỡ bỏ hai tác phẩm của mình trong hai cuốn sách kia cho lần tái bản tiếp theo của NXB GDVN. Hồ Huy Hơn cũng vừa nhận được thư xin lỗi của hai “công ty con” của NXB này với lời hứa sẽ gỡ bỏ tác phẩm khi sách tái bản.
Thiết nghĩ, nếu có trước một lời “xin phép” tác giả thì NXB GDVN không phải tốn thêm một lời “xin lỗi” để làm gì?!
Hết bị NXB GDVN đến bị NXB ĐH Sư phạm vi phạm
Sau khi phát hiện tác phẩm của mình bị NXB GDVN sử dụng mà không xin phép, nhà văn Hồ Huy Sơn đã “truy tìm” trong các cuốn sách được bán cho học sinh. Và anh đã phát hiện thêm, tác giả biên soạn là GS-TS Lê Phương Nga đã in trong cuốn Luyện tập làm văn 4 do NXB ĐH Sư phạm ấn hành, dùng hai bài là Hãy can đảm lên và Cây nổ nhưng không xin phép.
Hồ Huy Sơn còn phát hiện thêm nhiều đồng nghiệp cầm bút có tác phẩm trong cuốn sách này, như: Món quà của Nguyễn Hữu Hôn, Hãy cho mình một niềm tin của Nguyễn Thị Thu Hà, Chúng ta sẽ ổn thôi mà của Hải Âu, Nơi hầm tối là nơi sáng nhất của Thu Hương - Thúy Hảo, Ghé làng Chăm Bắc Bình của Hồng Phước - Công Kiệt - Hải Bình, Vũ điệu hoa sao của Hà Thị Bình Thanh, Những cây bần đeo số của Sơn Dương, Cây gạo của Mai Thị Lịch…
Hồ Huy Sơn và các tác giả vừa nêu sẽ gửi thư khiếu nại cho NXB ĐH Sư phạm cũng như trước đó anh khiếu nại NXB GDVN.
Bình luận