Sử dụng và bảo quản các trang thiết bị trên máy bay là một việc làm cần thiết, giúp chuyến bay đảm bảo sự an toàn. Tuy nhiên, mặc dù các hãng hàng không đã thường xuyên nhắc nhở cũng như đưa ra các quy định về sử dụng thiết bị trên tàu bay, một số bộ phận hành khách vẫn còn chưa chú ý đến vấn đề này. Có không ít trường hợp, nhiều thiết bị, máy móc trên máy bay bị hư hại do những hành động tưởng như rất nhỏ của hành khách, dẫn đến việc khai thác bị thay đổi để khắc phục sự cố.
Một trong những tình trạng phổ biến nhất, thường xuyên xảy ra trên các máy bay đó là thất lạc dây đai an toàn. Các vấn đề xảy ra đối với dây an toàn thường là bị mất tại vị trí ghế hoặc thất lạc do hành khách yêu cầu đai nối dài dây, dây an toàn cho trẻ em nhưng không trả lại cho tiếp viên sau khi chuyến bay kết thúc. Chiếc đai an toàn không phải là món đồ quá quý giá, nhưng đó là vật dụng giúp bảo vệ an toàn cho mỗi hành khách trong các chuyến bay. Nếu phát hiện ra mất mát hoặc thất lạc, tiếp viên phải báo cáo lại để được bổ sung ngay lập tức dây an toàn mới, dẫn đến tốn kém cũng như ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng của hành khách.
Bên cạnh đó, sự cố tắc bồn cầu cũng là vấn đề gây nhức nhối vì những ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ thống toilet máy bay không thể sử dụng được do bị kẹt các vật như cuộn giấy vệ sinh, khăn lau mặt, khăn ăn, cốc giấy,… do hành khách thả vào. Để khắc phục, các kỹ sư, nhân viên bảo dưỡng tàu bay phải tháo lắp các bộ phận, đường ống theo quy trình kỹ thuật, buộc tàu bay dừng bay trong nhiều giờ, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cũng như thiệt hại về kinh tế cho hãng.
Còn rất nhiều trường hợp khác gây thiệt hại về vật chất do sơ suất của hành khách như xước màn hình phía trước ghế ngồi, hỏng tai nghe, rách túi da đựng tạp chí... Các sự cố này đều khiến cho hãng mất nhiều chi phí và thời gian cho công tác khắc phục.
Theo thống kê từ hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, từ đầu năm 2019 đến nay, hãng đã phải thay thế gần 100 khối màn hình; thay mới, sửa chữa các túi da đựng tạp chí bị hỏng, rách do hành khách kê, gác chân, với chi phí cho mỗi chiếc túi mới theo giá của nhà sản xuất là hơn 20 triệu đồng, thậm chí là chi gần 1 tỷ đồng để bổ sung gần 600 chiếc dây an toàn bị thất lạc.
Trước đó, trên máy bay của hãng hàng không Vietjet Air từng xảy ra sự việc hành khách mang áo phao ra khỏi tàu bay. Ngoài ra còn rất nhiều trường hợp khách tự ý mở áo phao khi không có hướng dẫn của tiếp viên. Đây dù là hành động rất nhỏ, nhưng lại có thể ảnh hưởng đến toàn chuyến bay. Trong trường hợp áo phao bị sử dụng hoặc làm hỏng, chuyến bay phải quay đầu để cắt khách do yêu cầu về an toàn. Mỗi chuyến bay phải có đủ áo phao tương ứng với số người trên máy bay, đề phòng tình huống hạ cánh khẩn cấp trên mặt nước.l
Bên cạnh đó, từng có trường hợp vô cùng hy hữu hồi tháng 7 vừa qua, một hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm trên máy bay của hãng Bamboo Airways, khiến xuồng phao bị bung ra, ảnh hưởng đến thời gian khởi hành và các hành khách trên máy bay, vi phạm quy định về an toàn, an ninh hàng không. Sau đó máy bay phải được đưa vào xưởng để lắp lại xuồng phao với chi phí lớn.
Như vậy, những hành động nhỏ của hành khách có thể vô tình gây ra những tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của cả chuyến bay, ngoài ra còn gây lãng phí, hỏng hóc và thiệt hại cho các hãng hàng không. Chưa kể, điều này còn vô tình gây nên cái nhìn không mấy thiện cảm của hành khách nước ngoài khi sử dụng các dịch vụ của Việt Nam.
Do vậy, để giúp chuyến bay an toàn, văn minh, ở một số hãng hàng không chuyên nghiệp như Vietnam Airlines thường có hệ thống các bảng hiệu trên tàu bay để hướng dẫn hành khách sử dụng và bảo quản trang thiết bị đúng quy định. Ngoài ra, đội ngũ tiếp viên hàng không cũng luôn sẵn sàng để giúp đỡ, hỗ trợ hành khách để thực hiện các thao tác trên. Điều quan trọng nhất đó là mỗi hành khách cần nâng cao ý thức mỗi khi sử dụng và bảo quản các trang thiết bị trên tàu bay. Chỉ có như vậy mới giúp tăng trải nghiệm bay an toàn và thoải mái cho mỗi hành khách khi tham gia các chuyến bay.
Bình luận