• Zalo

Sử dụng bao bì đa dụng, tìm giải pháp đóng gói thay thế nhựa một lần trong TMĐT

Kinh tế xanhThứ Tư, 18/12/2024 19:16:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều thương nhân thay đổi cách đóng gói, miếng đệm lót bằng các vật liệu thân thiện môi trường.

Trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, lượng rác thải nhựa từ bao bì ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của WWF, năm 2023, thương mại điện tử tại Việt Nam đã sử dụng tới 332.000 tấn bao bì, trong đó 171.000 tấn là bao bì nhựa.

Như vậy, quy mô sử dụng bao bì với thành phần vật liệu, dụng cụ nhựa trong đóng gói rất cao. “Nguyên nhân chính là việc đóng gói bằng hộp carton vừa tăng chi phí bao bì, vừa tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, các loại vật liệu nhựa sử dụng trong đóng gói rất rẻ và nhẹ nên tiết kiệm chi phí chuyển phát” - báo cáo của WWF chỉ ra.

Sử dụng bao bì đa dụng, tìm giải pháp đóng gói thay thế nhựa một lần trong TMĐT - 1

Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030 quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn.

Thế hệ trẻ sẽ gắn liền với hàng hóa online và như vậy thương mại điện tử càng phát triển, càng thách thức lượng rác thải nhựa dùng một lần thải ra môi trường. Nếu không có giải pháp kịp thời thì sẽ là vấn nạn rác thải” - PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường, cho biết.

Tái chế vừa rẻ vừa xanh

Để giảm thiểu tác động tiêu cực, việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn thân thiện với môi trường là ưu tiên hàng đầu.

Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm rác thải nhựa là thay thế các vật liệu nhựa khó phân hủy bằng các vật liệu dễ phân hủy hơn.

Túi giấy hoặc hộp carton tái chế là lựa chọn phù hợp để thay thế túi ni-lông và hộp nhựa. Các doanh nghiệp/chủ shop có thể sử dụng giấy tái chế để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường.

Chị Giáp Thị Linh Chi - chủ gian hàng tiktok shop Chy chy - cho biết, mặt hàng buôn bán của chị chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo trẻ em. “Với quần áo, chúng tôi thường sử dụng ít nhất 2 lớp túi nilong chưa tính băng keo nhựa” - chị Chi chia sẻ.

Một chiếc áo được bọc 4 lớp túi.

Một chiếc áo được bọc 4 lớp túi.

Chính chị Linh Chi cũng nhận ra sản phẩm của chị tạo ra rác thải nhựa nên đã chủ động tìm hiểu và thay đổi.

“Quần áo nhà sản xuất khi làm ra bao giờ cũng bọc trong nilong, tôi sẽ không bọc thêm lớp nào nữa, thay vào đó sử dụng hộp carton để đóng gói sản phẩm cho khách” - chị Chi chia sẻ.

Hộp carton không dễ bị vứt bỏ và gây tác hại lâu dài giống như nhựa dùng một lần khó phân hủy. Phần lớn hộp carton được thu gom vì có tính năng tái chế, mang lại lợi ích kinh tế cho bộ phận lao động làm nghề ve chai. Trong khi đó túi nilong ít được thu gom, giá trị kinh tế vô cùng thấp. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hằng (thu gom ve chai) thì hiện nay các chủ cơ sở thu gom mua với giá 1.000đ/ 1kg túi nilong và không phải loại túi nào cũng được thu mua.

Túi nilong bọc hàng nhanh chóng bị vứt ra thùng rác.

Túi nilong bọc hàng nhanh chóng bị vứt ra thùng rác.

Ngoài ra, việc sử dụng nhựa sinh học phân hủy cũng là cách hữu ích. Các loại nhựa này được làm từ nguyên liệu tự nhiên, dễ phân hủy trong môi trường. Dù giá thành cao hơn một chút, nhưng khi sản xuất quy mô lớn, chi phí có thể giảm đáng kể.

Hiện có một số công ty đã thử nghiệm loại vật liệu này và nhận thấy hiệu quả tích cực không chỉ về môi trường mà còn tăng cường thiện cảm từ phía người tiêu dùng​.

Nghiên cứu, đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam của Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về Nhựa do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khởi xướng cũng chỉ ra 6 loại nhựa được chọn (màng film, gói nhỏ và màng nhiều lớp, bao bì cứng đơn chất, túi đựng, chậu, bồn, khay và đồ ăn dùng một lần) có thể được thay thế thành công bằng cách sử dụng giấy, giấy tráng hoặc vật liệu có thể phân hủy.

Doanh nghiệp TMĐT cần bao bì đa dụng

Các doanh nghiệp TMĐT có thể triển khai loại bao bì tái sử dụng nhiều lần. Điều này không chỉ giúp giảm lượng rác thải mà còn tiết kiệm chi phí cho cả người bán và người mua. Ví dụ: túi vải hoặc hộp carton chắc chắn được thu hồi và sử dụng lại.

Giảm thiểu chính là chìa khóa của mô hình kinh tế tuần hoàn. Giảm thiểu trong TMĐT cũng tuân thủ mô hình kim tự tháp ưu tiên 5 cấp độ: ngăn ngừa, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và loại bỏ.

Trong đó khâu tái sử dụng và tái chế chính là cách cải tạo, làm sạch đồ vật có thể tái sử dụng. Doanh nghiệp áp dụng chính sách tận dụng loại bao bì đa dụng này không chỉ giúp doanh nghiệp tái sử dụng mà có thể nhắc nhở khách hàng tận dụng lại bao bì đó cho công việc khác, thay vì dùng một lần và vứt bỏ.

Bên cạnh đó là chính sách hoàn trả bao bì. Một số nền tảng có thể áp dụng chính sách khuyến khích người mua trả lại bao bì sau khi nhận hàng, đổi lại là các ưu đãi nhỏ như giảm giá hoặc phiếu mua hàng.

Xây dựng quy cách đóng gói

Ông Trần Văn Trọng - Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện nay đóng gói hàng hóa quá kỹ, sử dụng nhiều lớp bao bì không cần thiết, gây lãng phí.

Tôi lấy ví dụ, một cuốn sách chỉ cần một lớp bọc ngoài nhưng nhiều cửa hàng ngoài lớp túi nilong mỏng bọc sách còn có cả lớp túi chống sốc, sau đó là hộp carton” - ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, các sàn thương mại cần xây dựng quy cách đóng gói chuẩn, giảm số lượng lớp đóng gói bằng cách chỉ sử dụng bao bì bảo vệ khi thực sự cần thiết.

Cần thiết kế bao bì phù hợp với kích thước sản phẩm để giảm thiểu vật liệu thừa. Sử dụng vật liệu chèn tái chế, thay vì xốp bong bóng hoặc nhựa bọt, có thể sử dụng giấy cắt sợi hoặc các vật liệu tái chế khác để chèn lót sản phẩm như giấy báo cũ. Một số cửa hàng còn sử dụng lá khô, sạch để chèn khoảng thừa trong hộp.

Với mục tiêu phát triển thương mại điện tử nhanh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, bao gồm giảm rác thải nhựa, tổ chức WWF đã kiến nghị ban hành chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn đóng gói thân thiện môi trường. Khi bổ sung, sửa đổi Luật Bưu chính phải có các quy định, tiêu chuẩn cụ thể đối với hoạt động đóng gói của thương nhân, các công ty chuyển phát và các bên liên quan.

Việc giảm bao bì nhựa không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là cơ hội để doanh nghiệp thương mại điện tử khẳng định hình ảnh và thu hút người tiêu dùng có ý thức môi trường. Các giải pháp trên không chỉ giúp giảm thiểu rác thải mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài.

Lan Hương
Bình luận
vtcnews.vn