• Zalo

Sư cô trồng cao su lấy tiền nuôi hàng trăm cử nhân, tiến sĩ

Thời sựThứ Sáu, 18/11/2016 07:51:00 +07:00Google News

Trong số hơn 200 phận đời bất hạnh, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, được vị sư cô cưu mang, nuôi dưỡng, nhiều người đã trở thành cử nhân đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Cứu vớt những mảnh đời bất hạnh

Chùa Diệu Pháp (huyện Long Thành, Đồng Nai) là nơi sư cô Hồ Thị Duyên Nhi (SN 1949, pháp danh Huệ Đức) cùng các phật tử cưu mang hàng trăm số phận bất hạnh, tàn tật, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.

Trước đây, chùa Diệu Pháp vốn là nơi dạy học cho trẻ em tàn tật. Từ năm 1992, chùa và sư cô Huệ Đức bắt đầu tiếp nhận và nuôi dưỡng những trẻ em bị bỏ rơi. Dần dần, nơi đây trở thành nơi nương tựa của hơn 200 số phận không may mắn.

IMG_6609

Sư cô Hồ Thị Duyên Nhi kể lại số phận những đứa trẻ bị bỏ rơi

Gặp gỡ sư cô Huệ Đức, chúng tôi cảm thấy ấm lòng không chỉ bởi nét từ bi, phúc hậu mà còn vì tấm lòng thiện lương và hành động ý nghĩa của bà.

Năm 1998, giữa đêm khuya, nghe tiếng chó sủa dữ dội bên ngoài, sư cô vội vàng thắp đuốc ra trước cổng xem thì phát hiện một em bé sơ sinh còn đỏ hỏn đã bị chó cắn mất một cánh tay.

IMG_6618

 Sư cô chăm bẵm những đứa trẻ tật nguyền tội nghiệp

“Vì sức khỏe bé quá yếu, vết thương lại quá sâu nên bé đã qua đời sau 9 tháng sống trong lồng kính bệnh viện. Tôi cứ day dứt mãi. Ước gì tôi phát hiện ra bé sớm hơn!”, sư cô Huệ Đức trải lòng.

Năm 2000, trong lúc đang tụng kinh, một chú chó tha một em bé sơ sinh vào chùa khiến sư bà sợ hãi ngất xỉu. Sư cô Huệ Đức bình tĩnh dìu sư bà về phòng nghỉ ngơi đồng thời bế em bé sơ sinh, tắm rửa rồi sưởi ấm. Được sư cô chăm sóc, bé gái lớn lên, đặt tên là Hồ Đức Diệu Lương.

Lần khác, vào mồng 7 tết năm 2009, bé trai Hồ Đức Diệu Thương bị cha mẹ bỏ rơi ở bụi tre gần nhà chùa. Nghe tiếng trẻ em khóc, sư cô liền đi tìm rồi bồng bé về nuôi.

IMG_6641

Những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi được sư cô chăm lo ăn uống, học hành rất chu đáo 

2 năm sau, sư cô phát hiện bé bị bệnh não thủy. Vì chi phí chữa trị quá cao, lên đến gần 500 triệu đồng nên sư cô đành đưa bé về chữa trị bằng thuốc bắc.

Ngoài những em bé bị bỏ rơi, bị tàn tật, sư cô Huệ Đức còn cưu mang, nuôi dưỡng những cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Thậm chí, những bà mẹ đơn thân tuổi học sinh, sinh viên bị lầm lỡ, sư cô cũng đón về lo sinh nở, chăm bẵm.

“Hoàn cảnh những trẻ nhỏ, cụ già trong chùa hết sức đáng thương, bất hạnh. Tôi và nhà chùa chỉ mong mang lại chút hơi ấm, đem lại tiếng cười, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi cho các em, các cụ già” – vị sư cô giàu lòng nhân ái chia sẻ.

Làm việc quần quật lấy tiền lo học phí

Tính đến nay, đã có hơn 200 mảnh đời cơ nhỡ được sư cô và nhà chùa cưu mang, chăm sóc. Ngoài khoản tiền được trợ cấp và quyên góp, sư cô và nhà chùa phải lao động, khai khẩn, trồng và chăm sóc rẫy cao su để lo việc sắm sửa đồ dùng, nơi ăn chốn ở, thuốc men, phương tiện cho các cháu đi học.

IMG_6615

 Chiếc xe lam được sư cô mua để chở các em đi học 

“Đã nhận nuôi các cháu, các cụ thì chúng tôi phải có trách nhiệm. Trẻ em thì cần phải được đi học, người già cần được điều tri, thuốc thang khi tuổi cao sức yếu. Chi phí cho hơn 200 người là rất lớn, khoản tiền hương hoa không thể nào đủ để chi trả” - sư cô Huệ Đức trải lòng.

May mắn được người dân quyên tặng 3 ha đất, sư cô và mọi người cùng khai khẩn trồng cao su để có thêm thu nhập lo cho các cháu bé bị bỏ rơi và các cụ già lang thang, cơ nhỡ.

Cứ thế, mỗi ngày, sư cô cùng một số đồ đệ chăm chỉ lao động, kiếm kế sinh nhai cho các em. Số tiền kiếm được, sau khi trang trải chi phí sinh hoạt, thuốc men, đống tiền học cho các cháu còn lo thêm việc xây dựng thêm phòng ăn, phòng ngủ, để đón những mảnh đời không may khác tìm đến nương tựa cửa chùa.

“Các em nhỏ ở đây đều được cho ăn học đầy đủ. Dù kinh phí eo hẹp nhưng chúng tôi cũng xây dựng được một khu vui chơi cho các cháu và thuê xe lam đưa đón các cháu đến trường.

Nhìn các em chăm ngoan, vui cười ríu rít khi được đến trường như bao bạn bè khác, tôi hạnh phúc lắm. Đến giờ tôi vẫn không nghĩ mình có thể làm được điều đó” - sư cô vui vẻ nói.

IMG_6629

Đã có hơn 200 mảnh đời bất hạnh được sư cô nuôi dưỡng và nhiều người đã thành tài 

Khi các em thi đỗ đại học, sư cô lại phải chạy vạy kiếm tiền để lo chỗ ăn ở cũng như tiền học phí để con đường học hành của các em không bị đứt đoạn.

Với tâm nguyện và quyết tâm nuôi dưỡng những phận đời bất hạnh, đến nay, trong số hơn 200 người được sư cô nuôi dạy, nhiều người đã thành đạt trong cuộc sống với 67 cử nhân đại học, 8 thạc sĩ và 4 tiến sĩ. Ngoài ra, hơn 100 bà bầu là sinh viên lầm lỡ, cũng được sư cô lo ăn học và sinh con.

Nói về tâm nguyện của mình, sư cô đau đáu cho biết: “Tôi chỉ mong, các bậc làm cha làm mẹ phải có trách nhiệm với những đứa con của mình, đừng nên vì ly dị rồi bỏ rơi con cái, hoặc phá thai. Con cái thì nên tận hiếu với bố mẹ mình, đừng hắt hủi, bạc đãi các cụ khi già yếu.

Video: Bí quyết sống lâu của nhà sư 120 tuổi

Quang Hải
Bình luận
vtcnews.vn