Kinh hồn cà phê hóa chất
Tìm hiểu về thông tin cà phê có tẩm các hóa chất gây hại cho sức khỏe, PV ra chợ và không khỏi sửng sốt trước ngồn ngộn những loại hóa chất, bột chế biến sẵn đóng gói để pha cà phê bán thu lợi nhuận cao nhất.
Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, Chuyên viên cao cấp Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 56.000 tấn cà phê. Trong đó, có ít nhất 1/3 số cà phê nói trên có sử dụng các loại phụ gia.
Ông Nhạn tiết lộ thêm, để cho ly cà phê thơm béo, ngoài bơ, người ta còn độn thêm đậu nành rang. Để cà phê "gắt cổ", người ta chọn chất độn là đậu đỏ. Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng tinh cà phê để tạo mùi...
Tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), đập vào mắt người mua là la liệt những sạp kinh doanh hóa chất với đủ loại tinh cà phê của: Anh, Pháp, Đức, Mỹ... Cà phê hóa chất
"Đây là những hóa chất tạo mùi tổng hợp, chỉ cần một chấm bằng đầu tăm sẽ làm 1 kg cà phê thơm lừng dù đứng cách xa vài mét", một người bán giới thiệu.
Theo người bán hàng ở đây "Có hai loại đều là tinh chất cà phê robusta RC 9535 nhưng mùi vị khác nhau. Một loại có vị hơi béo một chút và một loại có vị hơi đắng nhưng giá tiền thì bằng nhau, đều 350.000 đồng/kg cả. Nhưng để chế ngon hơn em cần mua thêm đường hóa học, bơ công nghiệp, bột vani, caramen... để tạo mùi vị và khi pha sẽ kết dính lại với nhau nhìn rất bắt mắt".
Chưa hết, người bán hàng này còn giới thiệu thêm "Cho thêm một chút bột trắng này, đảm bảo cốc cà phê có bọt nhìn không chê vào đâu được. Những chất này, ở đây đều có cả, nếu em lấy nhiều, chị sẽ bớt giá cho".
Tinh chất cà phê Robusta được bán tràn lan tại chợ Kim Biên với giá 350.000 đồng/kg
Còn theo tiết lộ của một chủ cơ sở rang xay cà phê ở Q.12, hiện cơ sở này có đến hơn 1.000 thương hiệu cà phê đóng gói từ những cơ sở chỉ có vài chục công nhân đến cơ sở có hàng trăm công nhân làm việc, với đủ các nhãn hiệu khác nhau được mang đi bỏ mối, chủ yếu cho các quán cà phê vỉa hè.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Giảng viên chính bộ môn dược Đại học Y dược TP.HCM cho hay, các chất như CNC nếu là loại được sử dụng trong công nghiệp mà cho vào đồ uống sẽ gây ung thư, caramen được sản xuất từ đốt cháy đường cũng phát sinh những chất độc hại gây ung thư. Bên cạnh đó, những loại đậu nành và bắp khi bị rang cháy đen cũng không còn giá trị dinh dưỡng gì cả.
Học phí nghìn đô, học sinh ăn đồ siêu bẩn
Với mức học phí hơn 50 triệu đồng/quý, học tại trường tiêu chuẩn quốc tế, nhưng nhiều bậc phụ huynh tá hỏa khi phát hiện con mình đang phải ăn những thứ “bẩn kinh dị”.
Gần đây, một nhóm phụ huynh có con đang theo học tại các cơ sở khác nhau của trường mầm non Canada Maple Bear đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ tại nơi cung cấp đồ ăn hàng ngày cho các bé trường Mapble Bear – Công ty Cơm Việt.
Theo bản hợp đồng cung cấp dịch vụ ăn uống cho học sinh giữa trường tư thục quốc tế Mapble Bear Canadian và công ty trách nhiệm hữu hạn Cơm Việt, đơn giá bữa sáng cho học sinh là 11.000 đồng/suất, bữa trưa 22.000 đồng/suất, và bữa chiều là 11.000 đồng/suất (chưa kể VAT).
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh đã tá hỏa khi phát hiện ra bếp của cơ sở chế biến thức ăn cho các con “siêu bẩn”.
Một trong những phụ huynh từng tham quan cơ sở vật chất của Công ty TNHH Cơm Việt cho biết: “Tại đó, vật dụng phục vụ nấu ăn, ống cắm đũa hoen rỉ, khăn lau bát đũa phơi tại khu vực trông rất bẩn. Ngoài ra, máy xay thịt để dưới đất, cũng cáu bẩn.
Thậm chí có cả chân gián trong bơ thực vật. Tủ đông không cắm điện, một bên để thịt có nước chảy trong túi nilon, một bên để rau, mướp đã nhũn cùng với măng, chè đỗ đen và miến…”.
Theo các bậc phụ huynh từ tháng 12/2010 nhà trường đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Cơm Việt để cung cấp thức ăn các con tại trường. Như vậy, hơn 1 năm rưỡi nay các bé học ở trường quốc tế này đã phải ăn những đồ ăn siêu bẩn.
Trong khi đó, tại buổi gặp mặt phụ huynh hôm 21/5, Trong khi đó, ông Thomas Chan, Tổng giám đốc trường Maple Bear nói, những hình ảnh mà các mẹ đưa ra trong cuộc họp không chứng tỏ được việc thức ăn có bị ô nhiễm và là thực phẩm được chế biến cho học sinh trường Maple Bear hay không?
Vị lãnh đạo này còn nhấn mạnh: “Tôi cũng không phải là chuyên gia dinh dưỡng nên không thể biết được thực phẩm bẩn có vào trong trường và đi vào trong dạ dày của các em hay không?
Các phụ huynh cho rằng, câu trả lời của đại diện nhà trường không thỏa đáng.
Lật tẩy chiêu “gắn kết yêu thương” của mỳ Gấu Đỏ
Không chỉ lùm xùm vì clip quảng cáo Mỳ Gấu đỏ - Kết nối yêu thương với những ý kiến cho rằng đây là kiếm lợi bằng cách đánh vào lòng trắc ẩn của người tiêu dùng.
Mới đây, công ty CP Thực phẩm Á Châu lại tung ra thị trường sản phẩm mới - Mì ăn liền Gấu Yêu, được quảng cáo là “3 không”: không sử dụng phẩm màu, chất bảo quản và chất điều vị... Nhưng đằng sau những công bố này là một sự thật khiến nhiều người tiêu dùng phải “sốc”.
Trên bao bì sản phẩm mì Gấu Yêu của Công ty CP Thực phẩm Á Châu có thể dễ dàng bắt gặp dòng chữ được in nổi bật: “Không sử dụng chất bảo quản - Không sử dụng phẩm màu - Không sử dụng chất điều vị (tạo ngọt)” cùng với việc nhấn mạnh đây là sản phẩm mì “dành cho trẻ em”.
Tuy nhiên, ngay trên chính bao bì sản phẩm có thể quan sát thấy sự hiện diện của 2 thành phần muối phosphate (451i, 452i). Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội, chất 451i có tên khoa học là Pentasodium triphosphate, thường được sử dụng như chất bảo quản trong hải sản, thịt, gia cầm, thức ăn chăn nuôi... Còn 452i là Sodium polyphosphate còn được dùng để thay thế hàn the trong sản xuất thực phẩm.
Theo Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ Y tế quy định danh mục các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm thì 2 chất này cũng được ghi rõ là cũng có chức năng bảo quản, điều vị, ổn định thực phẩm. Vậy phải chăng sản phẩm mì ăn liền Gấu Yêu cố tình sử dụng những phụ gia thực phẩm có công dụng tương tự để lập lờ về thành phần của sản phẩm?
Điều đáng nói hơn nữa, tuy mì Gấu Yêu công bố là không sử dụng chất điều vị nhưng theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng phân tích mẫu gia vị trong gói mì này thì hàm lượng 2 chất Disodium Inosinate và Disodium Guanylate là 8,38g/1kg và hàm lượng bột ngọt (monosodium glutamate) là 0,49%.
Theo tài liệu Sinh hóa ứng dụng của PGS.TS. Đồng Thị Thanh Thu - Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) thì 2 chất điều vị Disodium Guanylate và Disodium Inosinate cùng với bột ngọt sẽ tạo ra một chất có vị ngọt gấp nhiều lần so với bột ngọt thông thường, hay còn gọi là siêu bột ngọt.
Đây là những phụ gia thực phẩm thuộc nhóm chất điều vị trong danh mục những phụ gia thực phẩm được phép sử dụng của Bộ Y tế. Vậy cớ sao mì Gấu Yêu phải lấp liếm về thành phần này trong sản phẩm bằng việc công bố không sử dụng chất điều vị?
Ngoài ra, những sản phẩm mì ăn liền khác của công ty Á Châu như Hello Tôm chua cay, Gấu Đỏ Tôm chua cay, Gấu Đỏ Tôm và Gà sa tế hành, đều có chứa 3 nhóm chất được cho rằng không có mặt trong Gấu Yêu.
Kem nhái “Tràng Tiền” dính ruồi
Ngày 21/5, Trung tá Hà Thế Hùng - Đội trưởng Đội chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) Phòng PC46 Công an Hà Nội, cho biết đơn vị vừa phối hợp lực lượng quản lý thị trường (QLTT) thu giữ số lượng lớn sản phẩm kem que của Công ty Cổ phần Tràng Tiền Tràng Tiền 35 có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Trước đó, theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, trên thị trường xuất hiện rất nhiều cửa hàng bán lẻ kem Tràng Tiền với nhiều nhãn hiệu khác nhau như “Tràng Tiền số 1”, “Tràng Tiền 25”, “Tràng Tiền 35”…Kem nhái Tràng Tiền bị tố dính ruồi
Điều khiến người tiêu dùng bức xúc là những sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí kem “Tràng Tiền 35” có dính ruồi, nhưng khi gọi điện thoại đến nhà sản xuất theo số điện thoại in trên bao bì, người mua đã không được giải quyết. Một số người tiêu dùng kéo đến 35 Tràng Tiền để “kiện” thì mới ngã ngửa vì kem “Tràng Tiền 35” không phải là sản phẩm của Công ty Cổ phần kem Tràng Tiền nổi tiếng lâu nay mà chỉ là “hàng nhái”.
Sau khi nhận thông tin, ngày 18/5, Đội Chống hàng giả và xâm phạm SHTT Phòng PC46 Công an Hà Nội đã phối hợp Đội QLTT số 14 kiểm tra hoạt động kinh doanh đối với cơ sở sản xuất kem thuộc Công ty Cổ phần Tràng Tiền Tràng Tiền 35 tại số 1 Thanh Đàm, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở đang sản xuất 3 loại kem có bao bì, nhãn mác có dấu hiệu nhái sản phẩm của Công ty cổ phần kem Tràng Tiền (địa chỉ 35 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm). Đoàn kiểm tra đã thu giữ gần 1.000 que kem thành phẩm, 1.150kg vỏ bao nilon dùng để gói kem và 45kg vỏ hộp giấy dùng đựng kem có in nhãn hiệu “35 Tràng Tiền” và chữ “R”, để giám định mức độ xâm phạm bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
PV(tổng hợp)
Bình luận