Tại cuộc họp đánh giá thiệt hại sau sự cố vỡ van dẫn dòng thủy điện sông Bung 2, ông Đặng Đình Xuân - Phó Bí thư Đảng ủy xã La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, làng Pà Ooi cách đập thủy điện Sông Bung 2 khoảng 5-6 km theo đường chim bay, còn đi bộ dọc sông mất hơn 1 giờ. Dòng nước từ thủy điện đổ về rất nhanh và mạnh, cuốn trôi nhiều tài sản của dân.
Theo thống kê ban đầu, có 3 căn nhà bị cuốn trôi, hàng chục con trâu, bò và nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng. Tuy nhiên, những thiệt hại trên không lớn bằng việc người dân địa phương mất niềm tin, thay vào đó là nỗi sợ hãi khi phải sinh sống dưới chân đập thủy điện.
Trả lời về việc có thông tin cho rằng một số đoạn thi công thủy điện không đúng quy định, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 (Chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2), cho rằng trong luật xây dựng và các nguyên tắc quản lý đầu tư xây dựng dự án đã quy định rõ chủ đầu tư làm nhiệm vụ gì, đại diện chủ đầu tư là ban quản lý dự án làm nhiệm vụ gì, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu làm gì và cái lớn nhất là nhà thầu thi công phải thực hiện thi công theo đúng thiết kế và đảm bảo chất lượng của công trình, không miễn trừ trách nhiệm kể cả công trình đã nghiệm thu đi vào sử dụng.
Video: Cận cảnh sạt lở nặng hai bên bờ thủy điện sông Buông 2
“Đến giờ này, ở cấp độ quản lý dự án, chúng tôi khẳng định đang quản lý đúng trình tự thủ tục theo quy định nhưng trả lời câu hỏi này thì phải chờ các cơ quan điều tra độc lập có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm, người ta đánh giá đúng nguyên nhân sự cố trên cơ sở khoa học.
Kể cả cơ quan công quyền sẽ vào cuộc và chúng tôi sẽ cung cấp hồ sơ để điều tra” – ông Hải nói và cho biết rất ngạc nhiên khi cửa van nặng 125 tấn bị cuốn trôi và ông đang rất muốn biết vì sao như vậy.
Trả lời về việc ai là người chịu trách nhiệm về sự cố này, ông Hải nói: “Câu này Thủ tướng cũng đang yêu cầu làm rõ và chúng tôi đang khẩn trương đi tìm để trả lời Thủ tướng, nguyên nhân gì, trách nhiệm thuộc về ai.
Chúng tôi đang tập trung tối đa làm vì thủ tướng yêu cầu trong thời hạn rất nhanh phải trả lời. Khi có kết quả sẽ báo cáo và sẽ cung cấp cho các cơ quan báo chí. Theo quy trình, phải tìm ra nguyên nhân gì thì mới biết trách nhiệm thuộc về ai.
Còn bây giờ, nói gì thì gì trách nhiệm của chủ đầu tư chúng tôi phải có liên đới. Chúng tôi khẳng định là có trách nhiệm chứ không phải không. Tuy nhiên, phải có kết luận điều tra và trách nhiệm đến đâu, ai sai đến đâu thì xử lý đến đấy, trách nhiệm của ai thì người ấy chịu”.
Theo ông Hải, hiện đơn vị đang tập trung để đánh giá tổng thể sự ổn định của tất cả các hạng mục sau sự cố xảy ra xem có đảm bảo để tiếp tục vận hành hay không và tập trung phương án xử lý sự cố ống dẫn dòng.
“Hiện tại, chúng tôi đánh giá ổn định, đảm bảo an toàn cho vận hành. Tuy nhiên, để khẳng định có ổn định hay không thì không thể nhìn bằng mắt được. Chúng tôi sẽ mời đơn vị tư vấn độc lập để họ đánh giá mức độ ổn định của đập và công bố kết quả công khai” – ông Hải nói.
Trước đó, khoảng 16h25' chiều 13/9, áp lực nước lớn đã tống và đẩy trôi 1 trong 2 cánh van chặn dòng làm bằng thép nặng 125 tấn, cuốn trôi, tạo ra dòng nước rất lớn chảy về hạ lưu.
Khi xảy ra sự cố, tại hạ lưu đang thi công nút chặn hầm dẫn dòng và tiến hành đắp đê quai hạ lưu, bơm thoát nước để làm công tác chuẩn bị đổ bê tông nút hầm.
Đa số công nhân đã kịp chạy thoát nhưng 2 công nhân vận hành máy đào là anh Đặng Văn Tiền (quê Hải Dương) và Nguyễn Minh Luân (quê Phú Thọ) bị lũ cuốn mất tích.
Video: Hiện trường tìm kiếm 23 người mất tích do sự cố thủy điện sông Buông 2
Bình luận