• Zalo

Sự cố ở Tân Sơn Nhất: 'Sai thao tác kỹ thuật chưa phải nguyên nhân thực sự'

Thời sựThứ Ba, 25/11/2014 07:25:00 +07:00Google News

(VTC News) – ĐBQH cho rằng sai thao tác kỹ thuật chưa phải nguyên nhân thực sự, cần tìm ra nguyên nhân cuối cùng của sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất.

(VTC News) – ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng sai thao tác kỹ thuật chưa phải nguyên nhân thực sự, cần phải tìm ra nguyên nhân cuối cùng của sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 20/11.

Sự cố mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (ACC/HCM) do hỏng bộ lưu điện (UPS) gây ra việc ACC/HCM mất năng lực cung cấp dịch vụ điều hành bay được Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết nguyên nhân sự cố là do kíp trực thực hiện sai thao tác kỹ thuật.

Tuy nhiên, trước kết luận chung chung kiểu “sai thao tác kỹ thuật”, rồi mất điện tại… USP nhiều người cho rằng đó chưa thể coi là kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự cố. 

Không ít ý kiến cho rằng rất khó có chuyện để xảy ra sự cố mất cả 3 nguồn điện dự phòng cùng một lúc nên có thể không loại trừ có kẻ phá hoại trong vụ việc này.
Đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất  

Trả lời phỏng vấn PV VTC News, bà Nguyễn Thanh Hải, ĐBQH tỉnh Hòa Bình, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, để người dân bớt hoang mang trước sự cố nghiêm trọng này, ngành hàng không cần nhanh chóng đưa ra kết luận cuối cùng, tìm được nguyên nhân thật sự của vụ việc.

- Bà bình luận như thế nào trước sự cố mất điện khiến hệ thống radar tại Tân Sơn Nhất tê liệt suốt hơn một giờ đồng hồ, khiến nhiều chuyến bay không thể đến và đi hôm 20/11?

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải: "Chắc chắn có sự lơi lỏng, tắc trách cho nên mới để xảy ra sự việc nghiêm trọng như thế" (Ảnh HL)
Sự việc này tôi cũng nghe qua thông tin báo chí thôi. Theo tôi, về mặt nguyên tắc vận hành thì bao giờ mất một nguồn thì cũng phải có một nguồn dự phòng.

Ví dụ ngay như Tòa nhà Quốc hội này cũng vậy thôi, tức là, thời gian nhảy của 2 nguồn ấy bao giờ cũng phải đảm bảo một điều kiện an toàn.

Cụ thể như ở đây chỉ trong 5 giây thôi thì phải nhảy sang nguồn mới. Tòa nhà này, tôi phụ trách nên tôi biết, bắt buộc trong thời gian 5 giây thì phải chuyển, không có chuyện để kéo dài hơn.

Vậy ở khu vực Đài không lưu cũng phải thế, bắt buộc phải có quy trình chuyển nguồn đảm bảo yêu cầu, không ngắt quãng.

Tôi nghĩ rằng tất cả những quy trình đó phải thường xuyên được kiểm tra, kiểm duyệt. Thực tế cho thấy, đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy.

Nhưng nó cũng cho thấy rằng ở đây có có 3 nguồn dự phòng, nhưng cả 3 nguồn dự phòng đều không thể kích hoạt được là hết sức vô lý, nó thể hiện rõ sự tắc trách đối với công tác quản lý ở đây. 

Tôi biết rằng đối với một khu vực tối quan trọng như khu vực đài kiểm soát không lưu thì tất cả các quy trình an toàn này đều phải thường xuyên được rà soát, thường xuyên được kiểm tra. Bởi vậy ở đây chắc chắn có sự lơi lỏng, tắc trách cho nên nó mới để xảy ra sự việc nghiêm trọng như thế.

- Theo bà, trước sự việc nghiêm trọng như vậy cần phải có hình thức xử lý như thế nào để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tránh những sự cố tương tự có thể xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh đất nước?

Trong vụ việc này, tôi biết Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có yêu cầu đình chỉ công tác đối với ba lãnh đạo của Công ty Quản lý bay Việt Nam trong thời gian 15 ngày để thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố.

Đây là hành động kịp thời, thể hiện sự quyết liệt của tư lệnh ngành giao thông nói riêng cũng như toàn ngành này trong việc đảm bảo an ninh hàng không.

Tuy nhiên, cái chúng tôi mong muốn là trong thời gian tới ngành giao thông phải tìm ra được nguyên nhân thật sự của vụ việc, phải khẳng định được rằng thời gian tới không bao giờ để hiện tượng này lặp lại.

Thực tế, trước một sự cố nghiêm trọng như thế, người dân sẽ thấy rất hoang mang. Theo tôi được biết thì lúc xảy ra sự cố đó, có khoảng 50 chuyến bay cứ lơ lửng trên không, không biết hạ cánh thế nào, người dân đương nhiên rất bất an.

Điều đó ảnh hưởng đến việc hiện nay ngành hàng không đang nỗ lực để hoàn thiện, thay đổi công tác phục vụ của mình về mặt dịch vụ, cũng như kỹ thuật để hướng tới phục vụ tốt hơn, thu hút được mọi người sử dụng dịch vụ hàng không nhiều hơn.

Sự cố này, theo tôi là một sự việc rất đáng tiếc nhưng tôi cũng tin tưởng rằng bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ có những chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh việc này.

- Có ý kiến cho rằng sự việc này có liên quan đến vấn đề chất lượng nhân sự làm việc ở khu vực đài kiểm soát lưu không. Đó là nơi quan trọng, nhưng chủ yếu tiếp nhận con ông cháu cha, không đủ năng lực vào làm việc nên cần xem xét lại. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Cái này tôi không có thông tin cụ thể nên không thể nói chi tiết, không thể bình luận nhiều.Nhưng tôi cho rằng, tất cả các khâu tuyển dụng ở đâu cũng vậy, sẽ phải theo quy trình thôi. Nên có lẽ vấn đề này không nên vội vàng suy diễn như vậy.

- Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sắp tới sẽ tổ chức thi tuyển chức vụ Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Quản lý bay để lựa chọn người có đủ năng lực, tài đức quản lý lĩnh vực bay. Theo đánh giá của bà, động thái này liệu có giúp ngành hàng không nói chung, lĩnh vực an toàn bay nói riêng được cải thiện trong thời gian tới?

Hôm trước, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi cũng đã phát biểu, hiện nay các quy trình tuyển dụng của chúng ta đang có vấn đề.

Tôi không nói đến chuyện tiêu cực, mà tôi nói đến quy trình tuyển dụng, nếu chúng ta thực hiện đúng thì khả năng để lọt người giỏi, người tài, người phù hợp rất ít.

Vì vậy tôi đánh giá cao việc Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tổ chức các kỳ thi, đưa ra tiêu chí để tuyển chọn những người mà phù hợp nhất và có năng lực giỏi nhất vào các vị trí đang cần tuyển dụng, mà thường là tuyển vào vị trí cấp trưởng ấy, ở các cục, vụ, đơn vị…

 

Cái chúng tôi mong muốn là trong thời gian tới ngành giao thông phải tìm ra được nguyên nhân thật sự của vụ việc, phải khẳng định được rằng thời gian tới không bao giờ để hiện tượng này lặp lại
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải
 
Đối với ngành hàng không, trong thời gian vừa qua cũng có nhiều đánh giá chưa thực sự tốt. Ví dụ như về dịch vụ, rồi việc liên tiếp để xảy ra các sự cố… Tôi cho rằng cần phải chấn chỉnh kịp thời, cần có sự đổi mới mạnh mẽ để cải thiện những mặt hạn chế, yếu kém mà ngành này đang gặp phải.

Theo tôi, ngành hàng không cũng giống như quân đội, cần phải có những kỷ luật hết sức ngặt nghèo và những quy trình an toàn cần phải thường xuyên luyện tập, cần phải nghiêm ngặt trong công việc, tăng giám sát thực hiện trong các quy trình, thủ tục đó để đảm bảo là trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể để xảy ra những sự cố nghiêm trọng như vừa qua. 

Với Bộ trưởng  Đinh La Thăng, tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới nếu mà có sự thay đổi quyết liệt về tổ chức nhân sự, về tuyển dụng, có cơ chế tuyển dụng những người giỏi, người tài vào những vị trí đó thì đó sẽ là một động lực, là phương pháp để giúp cho sự cải tiến chất lượng phục vụ của ngành hàng không cũng như đảm bảo yếu tố về mặt kỹ thuật để cho ngành hàng không có thể vươn tới những mục tiêu cao hơn.

- Như bà vừa nói thì có vẻ bà kỳ vọng rất nhiều ở tư lệnh ngành giao thông trong việc tạo ra những thay đổi đột phá ở ngành này?

Tôi tin tưởng rất nhiều vào sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng GTVT. Cũng có những người nói rằng với một bộ trưởng, bên cạnh sự quan tâm những sự vụ nhỏ lẻ cần quan tâm nhiều tới mặt thể chế…

Tôi cho rằng mỗi một bộ trưởng cũng phải hài hòa giữa hai cái công việc đó, 2 nhiệm vụ đó. Nếu mà bộ trưởng quá quan tâm đến thể chế, thì không quan tâm tới các sự việc nhỏ lẻ, đơn lẻ. Tuy nhiên nhiều khi các sự việc đơn lẻ nó lại phản ánh sự bất cập của thể chế. Vì vậy tôi nghĩ rằng cần có sự  hài hòa giữa hai cái nhiệm vụ này. 

Tôi thấy Bộ trưởng Thăng là một trong những Bộ trưởng có được tố chất để hài hòa được hai nhiệm vụ này.

Hoàng Lan (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn