• Zalo

Sự cố Formosa xả chất độc: 'Phải quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan'

Thời sựThứ Hai, 25/07/2016 08:55:00 +07:00Google News

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết, sau sự việc Formosa xảy ra, phải quy trách nhiệm rõ ràng cho các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc này.

Sau những sai phạm của công ty Formosa, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết đã có đề nghị Quốc hội thành lập đoàn giám sát của Quốc hội về việc này.

Truong-Minh-Hoang-2

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Sau vụ việc sai phạm Formosa ảnh hưởng đến môi trường biển Việt Nam, ông có đánh giá thế nào về giám sát của Quốc hội đối với các dự án lớn?

Vừa qua, chúng tôi trong Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có với ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho thẩm tra các dự án luật có liên quan. Cùng thời điểm này diễn ra điểm nóng của Formosa.

Tôi nghĩ, khi đã để xảy ra vụ việc Formosa khiến cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung và gần đây là hiện tượng Formosa chôn chất thải gần khu dân cư, trong trang trại của gia đình... thì với vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, chính quyền các cấp phải tăng cường, có trách nhiệm phát hiện kịp thời các vấn đề liên quan đến môi trường chứ không riêng Formosa.

Video: 5 cam kết của Formosa sau sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung

- Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chuyên trách của Quốc hội chưa làm tròn trách nhiệm, để xảy ra các sự cố lớn về môi trường như vụ việc Formosa?

Tôi nghĩ, ở các lĩnh vực, quá trình thực hiện thì đòi hỏi phải làm hết trọng trách, khả năng.

Với cá nhân tôi là thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường thì bản thân không thoái thác trách nhiệm trong việc này nhưng mình cũng cố gắng kiểm tra, giám sát, phát hiện sau đó cương quyết gửi văn bản kiến nghị và bám kiến nghị đó.

Vừa qua, chúng ta thấy vẫn còn hạn chế này. Sau khi đại biểu Quốc hội gửi kiến nghị, đề xuất chuyển đến các cơ quan chức năng địa phương xem xét, giải quyết, tuy nhiên, hậu giám sát thì chưa đến nơi đến chốn. Sự quyết liệt của đoàn giám sát cũng cần phải xem xét.

Với những vụ việc lớn như Formosa thì tới đây mỗi thành viên của đoàn giám sát phải tăng cường hơn chức trách, nhiệm vụ của mình.

formosa-1

Bể chứa nước thải của Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng. 

- Ông đánh giá thế nào về ý kiến thành lập Ủy ban lâm thời giám sát Formosa?

Tôi nghĩ với chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội kết hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước để tiến hành giám sát là hoàn toàn đủ thẩm quyền và có khả năng. Tuy nhiên, việc cần xác định ở đây chỉ là chọn thời điểm lúc nào để làm việc đó.

 
Trong quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng chương trình giám sát năm 2016 – 2017, tôi sẽ đề nghị, đưa vào đoàn giám sát của Quốc hội về việc này.

ĐBQH Trương Minh Hoàng

Với cá nhân tôi, trong quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng chương trình giám sát năm 2016 – 2017, tôi sẽ đề nghị, đưa vào đoàn giám sát của Quốc hội về việc này.

Tôi cũng đã kiến nghị với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ. Môi trường của Quốc hội về việc này. Ở đây, không riêng gì Formosa mà các nơi quy hoạch chất thải nguy hại, khu công nghiệp… thì cũng cần sớm thành lập giám sát để tránh để xảy ra sự việc tương tự xảy ra.

Còn quyền có đưa vào đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về môi trường hay không thì Quốc hội phải biểu quyết thông qua. Nếu Quốc hội không thông qua thì với tư cách của mình tôi cũng sẽ đưa vào chương trình giám sát của cá nhân của đại biểu Quốc hội.

- Cho đến thời điểm hiện tại chưa có cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm về hậu quả nghiêm trọng của Formosa tàn phá môi trường, thưa ông?

Hiện nay, các đoàn cơ quan chức năng đang làm rõ. Qua các phương tiện thông tin đại chúng  thì các cơ quan, các Bộ đang làm.

Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm có phần chậm và cần phải đốc thúc hơn nữa. Để không xảy ra lần nữa thì tôi cũng đã đề nghị là sớm có sự biểu quyết thông qua việc giám sát của Quốc hội.

Còn ở đây, sẽ đối chiếu lại các văn bản quy định pháp luật để xem chức trách, thẩm quyền của ai để chỉ đạo, xử lý nghiêm và theo tôi cần phải quy trách nhiệm rõ ràng cho các cá nhân, tổ chức liên quan.

Trước đó, liên quan đến việc này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vào chiều 22/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ sự ủng hộ với việc tham gia giám sát của Quốc hội.

"Tôi cho rằng, nếu có sự tham gia của Quốc hội thì càng tốt, càng cần. Chính phủ chắc chắn sẽ rất hoan nghênh nếu có giám sát Quốc hội. Bởi giám sát Quốc hội là trực tiếp, hiện nay chúng ta có Mặt trận tổ quốc, cơ quan Nhà nước, Quốc hội giám sát tối cao, ở góc độ pháp luật, các chủ trương lớn.

Hoàn toàn rất cần nhưng có cần Ủy ban giám sát lâm thời hay không khi các Ủy ban Quốc hội đang thực hiện như thế thì cái đó phải xem còn giả sử Quốc hội nếu cần thì sẽ xem xét", Bộ trưởng Hà nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn