(VTC News) – Sự cố mất điện nghiêm trọng ở sân bay Tân Sơn Nhất trưa ngày 20/11 đã khiến cho hơn 50 chuyến bay đến, đi bị ảnh hưởng.
Qua xác minh ban đầu, hàng chục chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất vào trưa ngày 20/11 đã bị ảnh hưởng thời gian, do sự cố mất điện ở Đài không lưu.
Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam – ông Lại Xuân Thanh cho biết, sự cố mất điện tại Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất trưa ngày 20/11 đã làm ảnh hưởng cho hàng chục chuyến bay của nhiều nhà vận chuyển khác nhau.
Trong đó, hãng hàng không Vietjet Air có 50 chuyến bay bị ảnh hưởng dây chuyền, phải thay đổi giờ khởi hành, 11 chuyến bay phải thay đổi nơi hạ cánh là sân bay dự bị, hoặc phải quay về sân bay xuất phát.
Lần đầu tiên xảy ra sự cố mất điện tại Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất (ảnh có tính minh họa) |
Vietnam Airlines có tổng cộng 8 chuyến bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất phải thay đổi giờ bay, do ảnh hưởng của sự cố nói trên. Jetstar Pacific cũng chưa đưa ra con số chính xác số chuyến bay bị ảnh hưởng từ sự việc này.
Theo Cục hàng không dân dụng Việt Nam, lần đầu tiên tại Việt Nam, sự cố mất điện đã xảy ra với Đài kiểm soát không lưu. Sự cố này bắt đầu từ lúc 11h05 sáng ngày 20/11.
Sau 1h35 khắc phục sự cố, đến khoảng 12h40, hệ thống kỹ thuật mới hoạt động ổn định trở lại. Hệ thống điều hành bay lúc đó mới được điều hành bình thường.Ngay sau khi phát hiện sự cố này, Công ty quản lý bay miền Nam đã kịp thời thông báo nhanh sự việc đến các cơ quan chức năng có liên quan, triển khai kế hoạch điều hành bay theo kế hoạch ứng phó không lưu đã được phê duyệt.
Các biện pháp ứng phó không lưu cũng đã được triển khai như: Thông báo sự việc đến các trung tâm kiểm soát đường dài của các quốc gia lân cận như Singapore, Malaysia (Kuala lumpur), Philippines (Manila), Lao (Vientiane), Campuchia (Phnompenh). Đề nghị các quốc gia trên triển khai ngay kế hoạch ứng phó không lưu.
Đồng thời, cơ sở điều hành bay của Việt Nam cũng được yêu cầu tạm thời dừng cất cánh đối với các máy bay chuẩn bị cất cánh. Các máy bay đang chuẩn bị cất cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã được hướng dẫn quay về sân bay xuất phát, sân bay dự bị, hoặc là bay chờ tại các khu vực.
Trong thời gian nói trên, Đài kiểm soát không lưu Hà Nội đã phải giành quyền điều hành bay, thay cho Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất.
Vào thời điểm xảy ra sự cố, có tổng cộng 50 chuyến bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay của TP.HCM. Thế nhưng, các chuyến bay này đều được theo dõi tại trung tâm ứng phó của Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam tại Hà Nội, thông qua hệ thống tự động quản lý không lưu của Đài kiểm soát không lưu Hà Nội.
Cũng vào chiều cùng ngày, Cục trưởng Lại Xuân Thanh và lãnh đạo Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam đã vào TP.HCM, đánh giá và xác định nguyên nhân vụ việc, nhằm ngăn chặn những sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã quy định, trong hoạt động kiểm soát không lưu phải được dự phòng nhiều cấp, nhằm đảm bảo xử lý tốt nhất các tình huống sự cố có thể xảy ra, kể cả những tình huống không nằm trong huấn lệnh, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay trên bầu trời.
Theo đó, mỗi đài kiểm soát không lưu này có thể được trang bị cấu hình dự bị cho một đài kiểm soát không lưu khác, nên khi cấu hình của đài kiểm soát không lưu này sập, cấu hình dự bị của đài kiểm soát không lưu khác sẽ được thay thế cho đến khi khắc phục xong sự cố.
Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra nguyên nhân xảy ra sự cố bất thường này.
Thế Quân
Bình luận