Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung đối với vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BVĐK Hòa Bình) làm 9 bệnh nhân chạy thận thiệt mạng.
Bác sĩ Hoàng Công Lương không hoàn toàn đồng ý với bản kết luận điều tra bổ sung và xin được khiếu nại đến lãnh đạo cấp cao.
Cụ thể, trong kết luận điều tra bổ sung nêu: “Đến thời điểm xảy ra sự cố, Hoàng Công Lương là bác sĩ duy nhất được phân công làm việc cố định tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, còn các bác sĩ khác được luân chuyển định kỳ giữa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên Thận nhân tạo theo sự phân công của lãnh đạo”.
Bác sĩ Lương cho rằng, kết luận như vậy không đúng vì ngoài anh còn có bác sĩ Phạm Thị Huyền, Quách Thế Tùng cũng được chấm công, hưởng lương cố định tại Đơn nguyên Thận nhân tạo.
Bác sĩ Lương và các bác sĩ khác đều được luân chuyển định kỳ giữa 2 khoa Hồi sức tích cực và Đơn nguyên Thận nhân tạo, các chế độ lương, phụ cấp và các chế độ khác của các bác sĩ được hưởng như nhau.
Hoàng Công Lương cũng cho rằng, nội dung kết luận “Bác sĩ Lương đủ điều kiện hành nghề và chữa bệnh độc lập, bác sĩ Phạm Thị Huyền và Nguyễn Mạnh Linh chưa đủ điều kiện để hành nghề khám chữa bệnh độc lập...” là chưa chính xác vì tại thời điểm xảy ra sự cố (ngày 29/5/2017), bác sĩ Lương và Huyền đã được cấp chứng chỉ hành nghề và có thể khám chữa bệnh độc lập.
Trước đó, kết luận điều tra bổ sung lại đề cập tới trách nhiệm của ông Dương.
Kết luận điều tra bổ sung của Công an tỉnh Hòa Bình nêu rõ, việc thực hiện ký hợp đồng giữa đại diện BVĐK tỉnh Hòa Bình - ông Trương Quý Dương với ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc công ty Thiên Sơn) là đúng theo quy định pháp luật.
Sau khi giám định chất lượng sản phẩm phục vụ cho công tác chạy thận, công an tỉnh Hòa Bình khẳng định vật tư, trang thiết bị trên đảm bảo chất lượng theo hợp đồng và tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.
Bản kết luận điều tra bổ sung nêu rõ, trước thời điểm xảy ra vụ việc, ông Dương đã giao Phòng vật tư phối hợp Khoa hành chính thực hiện hợp đồng nhằm sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Phòng vật tư và Kho hồi sức tích cực đã không báo cáo lại tiến độ, cách thức tiến hành để giám đốc nắm bắt, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Hòa Bình cũng xác định ông Trương Quý Dương ở điểm thời xảy ra sự việc là người đứng đầu bệnh viện nhưng chưa sâu sát trong công việc.
Theo đó, từ năm 2015 - 2017, ông Dương không có quyết định giao phụ trách Đơn nguyên thận cho cá nhân cụ thể điều hành hoạt động của đơn nguyên, không có văn bản giao cá nhân cụ thể trong khoa chịu trách nhiệm về hệ thống RO.
Từ khi có quyết định thành lập Đơn nguyên thận, Giám đốc cũng không chỉ đạo ban hành văn bản quy định cụ thể về quy trình bảo quản, sửa chữa liên quan đến hệ thống lọc nước, để xảy ra tình trạng vận hành, sử dụng hệ thống RO trong thời gian dài.
Do đó, trong vụ án này, ông Dương phải chịu trách nhiệm hành chính liên đới khi để xảy ra sự cố. Ngày 9/1/2018, Công an tỉnh Hòa Bình đã có công văn số 95 đề nghị Sở Y tế Hòa Bình xử lý sai phạm về mặt hành chính theo quy định của ngành y, của nhà nước đối với cá nhân ông Dương.
Theo nội dung điều tra bổ sung, bác sĩ Hoàng Công Lương đã trực tiếp ký giấy đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ hệ thống lọc RO2 và RO mini để phục vụ việc chạy thận nhân tạo. Đến ngày 28/5/2017, hệ thống RO được sửa chữa và được thông báo qua điện thoại là đã hoàn thành nhưng chưa có biên bản bàn giao.
Sáng 29/5/2017, các điều dưỡng viên kiểm tra thấy máy chạy bình thường nên bác sĩ Lương ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. Việc ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân khi chưa có biên bản nghiệm thu, bàn giao hợp đồng sau quá trình bảo dưỡng máy móc là sai quy trình.
Bình luận