Startup công nghệ 'khủng khiếp hơn cả NASA' thất bại khi gọi vốn 5 triệu USD

Kinh tếThứ Năm, 22/08/2019 14:59:00 +07:00

Tuyên bố công nghệ còn tốt hơn của NASA nhưng CEO LASS GROUP không thuyết phục được các Shark Việt Nam bỏ vốn đầu tư.

Trong tập 5 của Shark Tank mùa 3, công nghệ theo dõi hàng triệu người của LASS GROUP là dự án gây chú ý nhất.

CEO & Co-founder của LASS GROUP Tommy Phạm gọi vốn 5 triệu USD cho 10% cổ phần với tham vọng xây dựng một công ty tầm cỡ tại Việt Nam có thể đứng ngang hàng Google, Amazon.

Theo vị CEO Việt kiều, công nghệ mà LASS GROUP chào hàng là hệ thống giám sát (tracking system), đối tượng khách hàng LASS GROUP đang hướng đến là phục vụ cho việc quản lý cấp cao của chính phủ các nước trên thế giới. Tommy Phạm cho hay, năm 2018 hệ thống có thể theo dõi tới 1 triệu đối tượng, vượt xa những cỗ máy hiện đại bậc nhất của NASA.

lass group

 CEO Tommy Phạm của LASS GROUP.

Tommy Phạm mạnh dạn tuyên bố: “Nếu hệ thống tụi em gắn vào thành phố ở các nước thì không có bắt cóc trẻ em hay nói nôm na là tìm được tất cả mọi thứ". Tommy Phạm khẳng định nguồn tài chính cho sản phẩm này sẽ đến từ "người muốn có khả năng theo dõi".

Tiếp tục chứng minh tính tin cậy của dự án, Tommy Phạm giới thiệu hai co-founder là anh em GS Võ Bá Ngự và Võ Bá Tường – người nhận giải thưởng Eureka của Australia trong lĩnh vực an ninh quốc gia và quốc phòng năm 2010. Mỗi cổ đông hiện nắm giữ 20% cổ phần công ty, 40% còn lại được dùng để đi kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư.

Startup cho biết thêm, hiện đã có một vài đối tác lớn đang đợi để hợp tác với LASS GROUP dưới dạng dùng thử vì sản phẩm chưa được bán.

Trước tính chất "nhạy cảm" và mức giá rất cao của LASS GROUP, các Shark đều tỏ ý do dự. Shark Phạm Thanh Hưng thẳng thừng từ chối LASS GROUP vì cho rằng công nghệ này nguy hiểm vượt quá sức tưởng tượng.

Thực sự, tôi cũng cố gắng tạo cơ hội để bạn chứng minh về công nghệ, sở hữu bản quyền, sở hữu trí tuệ, sở hữu phát minh cũng như khả năng ứng dụng của nó. Không biết các Shark khác nghĩ thế nào nhưng cá nhân tôi không dám lộ trên truyền hình là chúng ta cùng bắt tay với nhau phát triển công nghệ này. Nó quá kinh khủng, tôi sởn hết gai ốc khi nghe nãy giờ. Tôi không đầu tư”, Shark Hưng nói.

Shark Dzung Nguyễn tỏ ra thực tế hơn, khi từ chối đầu tư vì sản phẩm "7 năm rồi vẫn chưa thương mại hóa được bởi vì anh không muốn làm điều đấy mà chúng tôi là nhà đầu tư thì không muốn như vậy, không biết chờ đến bao giờ”.

Với "điểm trừ" lớn nhất là không thể liên lạc với 2 co-founder để chứng minh quyền đại diện đi kêu gọi đầu tư, CEO của LASS GROUP cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của Shark Nguyễn Thanh Việt, Shark Đỗ Liên và Shark Nguyễn Ngọc Thủy.

Chung "số phận" như LASS GROUP, Lê Mai Tùng – Founder & CEO EyeQ Tech cũng không thể thuyết phục được các shark bỏ triệu USD vào công ty trí tuệ nhân tạo chuyên về nhận dạng mặt người, hành động, sản phẩm của mình. 

MATHMAP ACADEMY (2)

 Dàn lãnh đạo MathMap Academy gọi vốn thành công.

Thương vụ thành công duy nhất trong tập 5 Shark Tank mùa 3 là Shark Thủy hợp tác với MathMap Academy. Với hơn 17 trung tâm trong cả nước, trong đó có 8 trung tâm tự sở hữu, còn lại là nhượng quyền, MathMap Academy hiện có hơn 5.000 học viên.

Shark Thuỷ chấp nhận rót 9 tỷ 402 triệu 919 nghìn 539 đồng, trong đó 4 tỷ 402 triệu 919 nghìn 539 đồng cho 20%, 5 tỷ còn lại rót dưới dạng trái phiếu chuyển đổi trong vòng 2 năm kèm điều kiện dòng tiền dương trên tất các cả trung tâm, 6 tháng đều có lãi về mặt phân bổ.

Ý Nhi
Bình luận
vtcnews.vn