• Zalo

Start-up AI do các kỹ sư Việt phát triển sản phẩm gọi được vốn hơn 200 tỷ đồng

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 08/06/2018 11:06:00 +07:00Google News

Cinnamon, một startup về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) Nhật Bản với toàn bộ công nghệ và sản phẩm được nghiên cứu và phát triển bởi các kỹ sư Việt Nam, vừa gọi vốn thành công với số tiền hơn 200 tỷ đồng (khoảng 9 triệu USD).

Được thành lập vào tháng 10/2016, Cinnamon là startup thiết kế giải pháp và phát triển sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI). Ba sản phẩm nổi bật của Cinnamon này là Flax Scanner (phần mềm trích xuất và tự động xử lý thông tin từ nhiều loại văn bản như hóa đơn, thẻ căn cước, hợp đồng…), Scuro Bot (phần mềm trợ lý ảo hỗ trợ nhân viên hành chính) và Lapis Engine (công cụ khuyến nghị ứng dụng cho các mô hình kinh doanh dạng “sàn” như sàn tuyển dụng, sàn môi giới bất động sản, sàn thương mại điện tử…).

Cinnamon hiện có 60 kỹ sư Việt Nam chất lượng cao tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm về trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Lâm Đồng.

vnf-startup-AI

Đội ngũ kỹ sư của Cinnamon 

Đây là vòng gọi vốn đầu tiên của Cinnamon từ các quỹ đầu tư mạo hiểm như SBI, FFG, TIS (quỹ đầu tư mạo hiểm của Sony), Tập đoàn công nghệ ITOCHU và thông qua vốn tài chính từ 2 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là Mizuho và Sumitomo Mitsui.

Cinnamon khởi động quá trình gọi vốn từ tháng 11/2017 tại Nhật Bản. Vượt qua các thử thách như chứng minh tầm nhìn và năng lực mở rộng toàn cầu, quá trình kiểm toán vận hành, tài chính và công nghệ, startup này đã hoàn tất quá trình gọi vốn hơn 200 tỉ đồng vào cuối tháng 5/2018.

Bình luận về thành công của đợt gọi vốn này, bà Miku Hirano, Giám đốc điều hành Cinnamon, nói: “Việc gọi vốn thành công là đòn bẩy quan trọng giúp chúng tôi triển khai những kế hoạch mới trong giai đoạn mở rộng như vươn tới thị trường quốc tế, đầu tư công nghệ nhằm xây dựng hệ sinh thái các ứng dụng tự động hóa thế hệ 3 cho doanh nghiệp….”.

Bà Hirano tiết lộ Cinnamon có kế hoạch lên sàn chứng khoán Tokyo với định giá 1 tỷ USD vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Bách, Giám đốc điều hành Cinnamon tại Việt Nam, nói: “Trở ngại lớn nhất của các startup về trí tuệ nhân tạo (AI) khi gọi vốn là phải chứng minh được tính thương mại hoá của sản phẩm. Mặt khác, trong một cuộc đua không cân sức với các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu như Google, Amazon..., họ còn phải có tầm nhìn tổng hợp về xu hướng công nghệ và nhu cầu thị trường, từ đó tìm ra các lĩnh vực ngách để dẫn đầu”.

vnf-startup-cinamon

Cinnamon khởi động quá trình gọi vốn từ tháng 11/2017 tại Nhật Bản 

Với hơn 200 tỷ đồng vừa gọi được, Cinnamon sẽ tập trung vào việc tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là các vị trí quản trị điều hành và nhân sự trí tuệ nhân tạo (AI) có trình độ trên toàn cầu; phát triển công nghệ cốt lõi và đầu tư nâng cao chất lượng giải pháp tới người dùng cuối; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bằng cách củng cố danh tiếng của công ty và mở rộng mạng lưới khách hàng tại Nhật Bản, theo sau là các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Việt Nam, Anh và Singapore.

Cinnamon sẽ tiếp tục gọi vốn từ nay đến hết tháng 8/2018 tại Nhật Bản. Mục tiêu của startup này là huy động được 227 tỷ đồng (10 triệu USD) trong vòng gọi vốn Series B - vòng gọi vốn nhằm kiện toàn bộ máy doanh nghiệp.

Video: Máy bay không người lái tương lai có trí tuệ nhân tạo

(Nguồn: vietnamfinance.vn)
Bình luận
vtcnews.vn