Ngày 20/3, các lực lượng của quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) ra quân đập bỏ các ki ốt dựng trái phép để bán đất. Theo thống kê, có khoảng 200 ki ốt dạng này mọc lên ở các dự án của Trung Nam và Phương Trang trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, trong trong ngày 20/3, các lực lượng chức năng đã xử lý, tháo dỡ được hàng chục ki ốt. Khó khăn mà lực lượng làm nhiệm vụ gặp phải là sau khi quận gửi thông báo thì chủ ki ốt vắng mặt nên hiện việc tháo dỡ vẫn đang phải làm từ từ.
“Một số hộ có ý kiến rằng đất của họ nên có quyền dựng ki ốt. Tuy nhiên việc này là không được, mọi thứ xây dựng trên đất đều phải có giấy phép xây dựng. Hiện phần lớn người dân đều chấp hành, một số hộ có ý kiến chưa rõ thì chúng tôi mời lên phường thông báo rõ chủ trương của thành phố và quận, yêu cầu tự tháo dỡ, nếu không tháo dỡ phải dứt khoát cưỡng chế”, ông Nhường nói.
Cũng theo ông Nhường, các ki ốt trái phép tập trung chủ yếu ở khu vực dự án mới hình thành của Công ty Trung Nam như Golden Hills hoặc dự án của Công ty Phương Trang (cạnh trụ sở UBND quận Liên Chiểu).
Cụ thể, ở dự án của Phương Trang, một số khu vực đất chưa đầy đủ thủ tục, chưa nộp tiền đất cho thành phố, chưa cho phép bán nhưng họ vẫn dựng ki ốt rao bán.
Theo ghi nhận của UBND quận Liên Chiểu, tại các tuyến đường trên địa bàn đang có một số tổ chức, cá nhân có hành vi chiếm dụng đất đai, vỉa hè, đường bộ để dựng lều quán, đặt container, ki-ốt để buôn bán và kinh doanh bất động sản trái phép.
Trước đó, để chấn chỉnh kỷ cương trật tự đô thị trên địa bàn, UBND quận Liên Chiểu đã ra công văn yêu cầu các tổ chức, cá nhân đang có hành vi dựng lều quán tạm, đặt container, ki ốt trái phép phải khẩn trương tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm, trả nguyên hiện trạng ban đầu của đất sau 24 giờ.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà các tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn cố tình chây ì, không chấp hành thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý hành chính và tháo dỡ công trình vi phạm theo đúng quy định.
Hiện Đà Nẵng có 4 khu vực tập trung nhiều ki ốt giao dịch bất động sản, hầu hết nằm tại các khu đô thị mới là khu vực Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và Hòa Hiệp Nam, Hòa Minh (quận Liên Chiểu).
Ước tính, trung bình mỗi khu vực có 200 đến 300 kiôt được dựng lên đặt tên “văn phòng giao dịch bất động sản”, “sàn giao dịch bất động sản”. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 17 sàn giao dịch bất động sản được cấp phép hoạt động và 780 người có chứng chỉ hành nghề bất động sản.
Bình luận