Giao dịch bên chân ruộng, đường bê tông
Giá đất tăng chóng mặt, nhiều hộ dân các xã thuộc huyện Hòa Vang, Đà Nẵng thuê người lấp ao hồ, tách thửa và phân nền rao bán.
Ngày 3/3, PV VTC News thực tế tại khu vực thôn Nam Sơn và Lệ Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), nơi đang được giới “cò” đất đẩy giá tăng ngất ngưởng.
14h, các “cò” đất ngồi chật trong quán cà phê H., nằm cạnh đường bê tông rộng chưa đầy 2m ở xã Hòa Tiến.
Sau vài phút chốt giá, anh Nguyễn Tâm (trú phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã được một môi giới nhà đất tên Trang viết giấy đặt cọc tiền của lô đất rộng 120m2 thuộc thôn Nam Sơn.
“Giá 845 triệu đồng, anh chốt thì đưa 150 triệu đồng tiền đặt cọc. Phần san lấp ao sẽ được người đưa máy làm ngay trong ngày”, Trang đưa ra mức giá của lô đất rất gọn lẹ.
Anh Tâm gật đầu đồng ý cũng rất nhanh và giao ngay 150 triệu đồng cho người môi giới. Vừa chốt xong lô đất này anh Tâm lại cầm giấy đặt cọc rồi vội vã lên ô tô để chạy qua xã Hòa Liên xem một lô đất khác để mua tiếp.
Chúng tôi theo chân môi giới đi dọc tuyến đường bê tông vào thôn Nam Sơn. Trang chỉ về cánh đồng rộng cả ngàn mét vuông cho biết người dân đã bán gần hết.
“Trước đây giá đất chỉ 100 đến 200 triệu đồng/lô 100m2 nhưng gần 1 tháng nay cũng chính những lô đất này đã tăng gấp 7 đến 10 lần. Bây giờ anh muốn mua thì em để lại cho một lô, giá 900 triệu đồng. Đảm bảo chỉ 2 ngày sau anh bán được 1,1 tỷ đồng. Em ôm nhiều nên bán bớt để xoay vòng vốn”, Trang nói.
Theo nhiều môi giới đang hoạt động tại khu vực này thì những lô nằm mặt tiền đường bê tông, vị trí đẹp (100m2) hiện có giá cao nhất là 1,2 tỷ đồng.
Bà Phan Thị Tâm (trú xã Hòa Tiến) cho biết, thấy giá đất tăng cao, gia đình bà bán lô 200m2 với giá 700 triệu đồng. Mới được mấy ngày, lô đất đó đã được “cò” bán lại với giá 1,5 tỷ đồng.
“Biết vậy tôi để đến giờ bán thì được thêm 700 triệu đồng. Nhìn mà tiếc đứt ruột nhưng đành chịu”, bà Tâm nói.
Mấy ngày nay, gia đình ông Thanh kêu người chở đất đá san lấp ao của gia đình để bán. Theo ông Thanh, tiền thuê lấp ao hết khoảng 200 triệu đồng. Giờ đã có người trả giá lô đất này 1,2 tỷ đồng nhưng ông đợi ít ngày nữa mới bán vì giá vẫn đang tăng hằng ngày.
“Tôi đợi ít ngày nữa, ai trả 1,5 tỷ đồng thì bán. Để ao mỗi năm cùng lắm chỉ thu về mấy triệu đồng tiền cá, giờ lấp bán lấy tiền lo việc khác”, ông Thanh nói.
Đại diện Công an xã Hòa Tiến khẳng định, tình trạng “sốt” đất đang xảy ra đã khiến nhiều người dân bỏ việc đồng áng, lao vào bán đất, đi “cò” đất khiến chính quyền rất lo lắng.
Được biết, khu vực đang “sốt” đất bất thường như trên được các “cò” đất tung tin đây là nơi sẽ xây dựng trường đua ngựa của thành phố kể từ sau đợt Tết Nguyên đán vừa rồi. Trong lúc thông tin chưa được kiểm chứng, giới “cò” đất đã lợi dụng việc này để đẩy giá đất nhằm kiếm lời.
Hiện giá mỗi nền đất (100 m2) đang có giá gần 1 tỷ đồng, tùy nhiều khu vực như gần trường học, ủy ban… Đối với các nền đất (200 m2), giá bán đã lên đến hơn 1,6 tỷ đồng khiến người dân đứng ngồi không yên.
Đặc biệt, khu vực này nằm gần tuyến Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giao thông thuận lợi nên những ngày qua người mua đổ về rất đông. Cảnh mua bán nhộn nhịp diễn ra ngay bên chân ruộng, dọc đường bê tông, các quán cà phê...
Chỉ là “sốt” ảo
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, nguyên nhân dẫn đến “sốt” đất là do giới “cò” dùng nhiều chiêu trò đẩy giá đất lên cao để trục lợi.
Trước tình trạng trên, UBND huyện vừa ký Văn bản số 335 về việc chấn chỉnh tình trạng mua bán đất trên địa bàn.
Theo đó, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo, giao UBND các xã về việc tuyên truyền, thông tin cho người dân phải cẩn trọng trong việc mua bán đất. Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất ở, đất sản xuất, gây ảnh hưởng lâu dài đến đời sống xã hội…
Đài Phát thanh huyện phải thông báo rộng rãi để người dân biết rõ tình hình “sốt” đất ảo trên địa bàn, tránh tình trạng “sập” bẫy của nhóm “cò” đất gây ảnh hưởng đến kinh tế của cá nhân và gia đình.
Trong khi đó, ông Lê Đức Toại, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cho rằng, cơ quan chức năng không thể cấm người dân giao dịch đất trong cơn “sốt” đang diễn ra tại các xã vùng ven như hiện nay.
“Việc mua bán đất là theo quy định của pháp luật. Chúng tôi chỉ cảnh báo và khuyên người dân phải tỉnh táo, tính toán kỹ càng trong việc mua bán đất khi giá quá cao, tránh thiệt hại rơi về phần mình”, ông Toại nói.
Lãnh đạo huyện Hòa Vang thông tin, chủ trương xây dựng trường đua ngựa trước đây được cho là ở khu vực Hòa Xuân. Sau đó, thành phố lại có chủ trương đưa về Liên Chiểu chứ hoàn toàn không có chuyện xây dựng tại khu vực Hòa Tiến và các xã lân cận như các “cò” đất tung tin nhằm đẩy giá đất tăng ảo.
“Có thể là thành phố vừa có quyết định điều chỉnh giá đất tại một số vị trí khiến giới “cò” đẩy giá đất tại khu vực này để lướt sóng kiếm lời”, lãnh đạo huyện nói.
Cũng theo lãnh đạo này, khu vực Hòa Vang mới được quy hoạch về định hướng xây dựng và chưa hề có quy hoạch về xây dựng dự án nên người dân cần lưu ý.
Bình luận