(VTC News) Báo chí Trung Quốc gần đây lên cơn sốt vì chuyện một anh chàng họ Đới ở Nam Kinh bỏ ra 3 vạn rưỡi kiếm về được một cô vợ Việt Nam hiền thục, xinh đẹp, các anh chàng chưa vợ của Trung Quốc xem như tìm thấy cơ hội để tìm vợ tốt mà ít tốn kém. Trùng Khánh tin chiều còn đưa tin một anh chàng công nhân ế vợ đã làm hộ chiếu để sang Việt Nam tìm vợ, vì tự cho mức lương chưa đầy 2000 tệ/ tháng cũng đủ để mình thành một “tiểu đại gia” ở Việt Nam. Độc giả VTC News đã bày tỏ nhiều ý kiến bất bình trước những quan điểm lệch lạc này.Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Để có cái nhìn toàn diện và công bằng cho tất cả, độc giả Minh Trang đã gửi về bản lược dịch bài viết rất được hưởng ứng trên blog Phượng Hoàng - tiếng nói trái chiều của một cư dân mạng Trung Quốc phản đối cách tìm vợ theo trào lưu này. Tên bài viết là do chủ nhân blog tự đặt.
Hỡi các chàng trai Trung Quốc, các cô gái Việt Nam không ngốc!
Một vài người bạn còn độc thân của người viết nhìn thấy những bức ảnh về cô vợ xinh đẹp của anh chàng họ Đới, cộng với ảnh hưởng của trào lưu “sốt lấy vợ Việt”, đã gọi điện cho người viết nhờ giới thiệu các cô gái Việt Nam. Người viết đã ở Việt Nam sống và làm việc một thời gian, đã tận mắt thấy một vài trung tâm môi giới hôn nhân với người nước ngoài ở Việt Nam, nhưng chuyện “định giá” cho các cô gái Việt thì có lẽ chỉ do cái nhìn phiến diện của báo chí Trung Quốc, còn chuyện mức lương 2000 tệ được coi là “ra tấm ra món” ở Việt Nam thì lại càng nực cười hơn nữa.
"Đới tổng", người gây ra "cơn sốt cô dâu Việt" ở Trung Quốc |
Điểm nhầm lẫn thứ nhất, vấn đề mất cân bằng giới tính ở Việt Nam, ở Trung Quốc quan điểm phổ biến trên báo chí cho rằng tỉ lệ nam: nữ ở Việt Nam là 3:5, nên cho rằng đất nước này đang thừa các cô gái nhưng không phải vậy. Theo thống kê chính thức của các cơ quan chức năng Việt Nam, năm 2006, dân số Việt Nam là 8.411.000 người, trong đó nam giới chiếm 49.1%, nữ chiếm 50.9%; đến năm 2009, số nam còn có xu hướng nhiều hơn nữ; chính phủ Việt Nam đã có quy định cấm giám định giới tính thai nhi.
Nhầm lẫn thứ 2 là, mức sống của người Việt Nam không cao. Khi mới đến Việt Nam, kiến trúc đô thị và giao thông ở đây thực sự không so được với Trung Quốc, nhưng vì cơ sở hạ tầng lạc hậu mà cho rằng mức sống của người Việt Nam không cao thì đúng là không biết gì về Việt Nam. Mức lương của người lao động phổ thông ở Việt Nam có thấp hơn so với Trung Quốc, nhưng vấn đề Luật lao động và phúc lợi cho nhân công ở Việt Nam rất nghiêm, người Việt Nam cũng khá mạnh tay trong chuyện chi tiêu, đây cũng là nguyên nhân mà mức chi tiêu ở các thành phố như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh thậm chí cao ngang với những thành phố tiêu dùng như Tokyo, Hongkong. Người dân ở miền núi phía Bắc và Trung Việt Nam tương đối nghèo, nhưng lương thực ở Việt Nam không thiếu so với thế giới, nên mức sống của người dân Việt Nam so với người nông dân miền Tây Trung Quốc chỉ có cao, chứ không có thấp hơn.
Mẫu quảng cáo giới thiệu vợ Việt Nam ở Trung Quốc được dán khắp nơi |
Nhầm lẫn thứ 3 là, cho rằng các cô gái Việt Nam dại dột dễ để các chàng Trung Quốc “lừa” lấy về. 10 năm trở lại đây, rất nhiều cô gái Việt Nam đã sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hongkong… làm việc, và làm phép so sánh giữa người Trung Quốc đại lục với những nơi kể trên. Đàn ông Trung Quốc tuy chẳng nên tự hạ thấp mình, nhưng cũng không nên ảo tưởng về việc mình có thể nổi bật trong mắt các cô gái Việt.
Tất nhiên, không thể phủ nhận việc có những cô gái Việt mong muốn lấy chồng Trung Quốc, nhưng đây tuyệt đối không phải hiện tượng phổ biến. Chuyện hôn nhân ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam đều cần hai bên tự nguyện có tình cảm với nhau, chứ không thể vì anh là người Trung Quốc mà các cô gái đẹp của Việt Nam phải lấy anh. Anh chàng họ Đới ở Nam Kinh vì sao lấy được người vợ Việt Nam xinh đẹp? Cư dân mạng Trung Quốc mới chỉ quan tâm đến cô vợ xinh đẹp cũng như quá trình tìm vợ của anh, mà chưa chú ý rằng bản thân anh Đới cũng thuộc vào nhóm những người đàn ông tương đối ưu tú ở Trung Quốc, nếu không lấy vợ Việt thì tin rằng cũng lấy được người vợ Trung Quốc hoàn toàn không đến nỗi nào.Người Việt Nam hiểu về Trung Quốc rõ hơn nhiều so với người Trung Quốc hiểu Việt Nam. Những năm gần đây, quả thực có những cô gái Việt lấy chồng Trung Quốc, nhưng tuyệt đối không được quên rằng, những người đàn ông Trung Quốc đến Việt Nam làm việc và lấy vợ Việt đều là những người thuộc nhóm ưu tú ở Trung Quốc, các cô gái Việt Nam chọn họ để gửi gắm đời mình là chuyện hết sức thường tình. Chớ vì thấy người khác lấy được vợ Việt Nam mà cho rằng mình cũng có thể, rồi đua theo thành phong trào.Các cô gái Việt Nam cũng giống như các cô gái Trung Quốc, không đem hôn nhân ra làm trò mua bán. Người con gái khi chọn nửa kia cho mình, tuy có coi trọng vật chất, nhưng cũng không thiếu phần lãng mạn. Những người giỏi giang thì lấy vợ ở đâu cũng dễ, còn những người khó thì ở đâu cũng khó vậy thôi.
Minh Trang (lược dịch)
Rõ ràng, mọi chuyện không thể chỉ nhìn từ một phía. Nếu chỉ thông qua những trường hợp như Đới Tổng hay anh chàng Hồng Lâm, có lẽ không chỉ thấy người Trung Quốc "nhìn sai" chúng ta, mà bản thân chúng ta cũng có cái nhìn phiến diện về họ.
Nhưng còn những cô dâu Việt? Chúng ta đã có cái nhìn đầy đủ về những người con gái của chính đất nước mình hay chưa? Mời độc giả cùng tiếp tục thảo luận về một vấn đề xã hội trong những năm gần đây. Gửi ý kiến của bạn qua ô thảo luận cuối bài (gõ tiếng Việt có dấu).
Bình luận