• Zalo

Sóng ngầm mạnh có thể là nguyên nhân thảm họa tàu ngầm Indonesia

Thời sự quốc tếThứ Tư, 28/04/2021 14:29:37 +07:00Google News
(VTC News) -

Tàu ngầm Indonesia có thể đã gặp sóng ngầm mạnh và chìm nhanh chóng xuống độ sâu 850 m, theo hải quân Indonesia.

Tàu ngầm Indonesia mất tích trong một buổi tập trận ngoài khơi Bali hôm 21/4. Đến 25/4, tàu được tìm thấy ở độ sâu 850 m, vỡ ít nhất làm 3 mảnh. Cơ quan chức năng tuyên bố toàn bộ 53 thành viên đoàn tàu thiệt mạng.

Straits Times hôm 27/4 dẫn lời hai quan chức hải quân cấp cao cho biết họ phát hiện một con sóng ngầm mạnh tại vị trí tàu ngầm mất tích, thông qua báo cáo hình ảnh của vệ tinh thời tiết Himawari-8 (Nhật Bản) và một vệ tinh của châu Âu.

Sóng ngầm mạnh có thể là nguyên nhân thảm họa tàu ngầm Indonesia - 1

Mọi người thả vòng hoa ghi tên các thành viên tàu ngầm Indonesia xuống biển ở Bali, ngày 26/4. (Ảnh: Reuters)

Các con sóng ngầm nằm hoàn toàn dưới đại dương. Sự khác biệt giữa sóng ngầm này và vùng nước xung quanh là mật độ (hay khối lượng riêng), do chúng có độ mặn và nhiệt độ khác.

“Nếu bị sóng ngầm đánh (từ bên trên), điều đó giống như chúng ta đang phải chống lại thiên nhiên. Chúng ta sẽ bị những cơn sóng này kéo và chìm xuống nhanh chóng. Không ai chống lại tự nhiên được”, Chuẩn Đô đốc Iwan Isnurwanto, từng làm việc với tàu ngầm, trả lời truyền thông ngày 27/4.

Ông giải thích thêm rằng có sự khác biệt mật độ giữa eo biển Lombok và các vùng biển sâu hơn ở Bắc Bali, nơi tìm thấy tàu ngầm KRI Nanggala-402.

Ngày xảy ra sự cố, do sự khác biệt mật độ này, đã có sóng ngầm khổng lồ di chuyển từ cao xuống thấp, từ eo biển Lombok, sâu từ 200 m đến 400 m, đến vùng biển ở phía Bắc Bali, nơi độ sâu hơn 1.000 m.

Chuẩn đô đốc Iwan, trích dẫn báo cáo hình ảnh vệ tinh, nhận định: "Chúng ta đang nói về khoảng 2 triệu đến 4 triệu mét khối nước ập vào bạn ở đây. Liệu ai có thể vượt qua được? Tàu ngầm Nanggala hạ độ cao 13 m và có thể đã bị cuốn vào sóng ngầm này".

Chuẩn Đô đốc Muhammad Ali, trợ lý về kế hoạch và ngân sách cho lãnh đạo hải quân Indonesia, cho biết các hiện tượng thời tiết tương tự sẽ được tính đến trong các hoạt động của hải quân trong tương lai và họ sẽ khuyến khích những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

"Một cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Sẽ mất một thời gian. Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia về tàu ngầm, không chỉ trong nước mà có thể cả từ nước ngoài. Chúng tôi có các hội nghị quốc tế về tàu ngầm. Hội nghị tàu ngầm châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức hai năm một lần có sự tham dự của những người đi tàu ngầm trên toàn thế giới", ông nói.

Người phát ngôn hải quân Indonesia, Julius Widjojono trước đó cho biết tàu ngầm có thể đã bị mất liên lạc ở độ sâu 600 m đến 700 m dưới nước, trong khi theo thiết kế, tàu chỉ có thể chịu được độ sâu tới 500 m.

Hải quân từng cho rằng sự cố mất điện có thể xảy ra trong quá trình lặn và khiến tàu ngầm mất kiểm soát, không thể thực hiện các quy trình khẩn cấp. Họ vẫn chưa loại trừ khả năng này.

Theo ông Ali, nỗ lực trục vớt liên quan đến tàu ngầm đang được tiếp tục. Gia đình những người thiệt mạng trong vụ việc cũng đang chờ đợi và kêu gọi cơ quan chức năng nhanh chóng vớt thi thể người thân của họ.

Phương Anh(Nguồn: Straits Times)
Bình luận
vtcnews.vn