Khi dự án Thủy điện Hồi Xuân (huyện Quan Hoá, Thanh Hoá) được triển khai, 2.346 hộ dân của huyện Quan Hóa bị ảnh hưởng.
Trong đó, 431 hộ phải di dời tái định cư. Nằm trong vùng ảnh hưởng, toàn bộ 53 hộ dân bản Sa Lắng (xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) phải di chuyển nhường đất cho công trình.
Một khu tái định cư được thiết kế để các hộ dân Sa Lắng di chuyển đến ở. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khu tái định cư cho người dân bản Sa Lắng mới thi công được duy nhất phần đất nền.
Các công trình trường học (mầm non và tiểu học), nhà văn hóa bản, hệ thống lưới điện, nước sinh hoạt… như trong thiết kế vẫn chưa được triển khai xây dựng.
“Chưa thể an cư” là cụm từ miêu tả rõ nhất đời sống của 53 hộ dân bản Sa Lắng lúc này. Trong khi nhà ở, nhà tạm của người dân đã và đang tiếp tục hư hỏng, xuống cấp nặng thì khu tái định cư cho người dân vẫn chỉ là bãi đất trống.
Chỗ ở mới chưa có, người dân bắt buộc phải ở lại nơi ở cũ với vô vàn khó khăn trong đời sống hàng ngày.
Do nhường đất ở cho dự án, anh Hà Văn Hao dựng tạm một nhà lá cho 6 nhân khẩu trong gia đình ở. Nói là nhà nhưng chỗ ở của anh Hao giống như một chiếc lều lá, nằm chơi vơi trên đỉnh núi.
Căn nhà được thiết kế kiểu nhà sàn, một bên dựa vào thân núi. Vật liệu làm nhà là thân cây luồng ghép lại, nhìn từ xa căn nhà ấy như một bao diêm và mong manh trước mưa rừng, gió núi.
Cùng cảnh ngộ như anh Hao là hộ anh Hà Văn Tấm (4 khẩu) và nhiều hộ gia đình khác ở Sa Lắng. Người dân không dám dựng nhà kiên cố vì đã thuộc diện chuyển đến nơi ở mới tại khu tái định cư, họ chấp nhận ở trong những căn nhà lá tạm bợ, sống cuộc sống đợi chờ ngày di chuyển.
Khác với anh Hao, nhà ở của các hộ anh Phạm Thanh Nghị (7 khẩu), Phạm Hồng Toan (6 khẩu), Phạm Hồng Thía (5 khẩu)… đã được dựng và ở ổn định từ trước khi có dự án thủy điện.
Tuy nhiên, nhà của các hộ dân này lại đang xuống cấp nghiêm trọng. Phần mái của các ngôi nhà đều mục nát nhưng cũng trong diện di dời đến khu tái định cư nên các hộ dân không dám làm lại kiên cố. Các tấm bạt nhựa được người dân mua về phủ lên mái như một biện pháp tạm thời.
Trong đó, do nhà của con trai hư hỏng, anh Nghị lại phải đón cả hộ của con trai về ở chung, 7 nhân khẩu cùng sống trong căn nhà chật chội.
Có lẽ đặc biệt nhất vẫn là trường hợp của hộ anh Phạm Hồng Sơn (7 khẩu) khi đã 2 cái Tết liên tiếp gia đình anh phải đón giao thừa trong lều tạm dựng ở khu đất tái định cư.
Hộ anh Sơn chuyển đến đây khi đất đã bàn giao cho dự án thủy điện và bốn thế hệ trong gia đình gồm: vợ chồng anh Sơn, bà nội, bố mẹ và 2 con anh Sơn cùng ở trong căn lều tạm với những khó khăn về cơ sở vật chất.
Anh Cao Thanh Bình - Trưởng bản Sa Lắng lo lắng: “Chúng tôi rất lo lắng khi nhà ở của người dân đã xuống cấp rất nhiều nhưng lại không dám xây dựng nhà mới do thuộc diện tái định cư. Cứ thế này mãi thì không ổn.
Đặc biệt, có 5 hộ dân phải di dời trước khi nhường đất cho dự án, các hộ này về ở chung với các hộ người thân trong bản, đời sống rất khó khăn. Đề nghị cấp trên nhanh chóng thúc đẩy dự án để người dân chúng tôi sớm có nơi ở để an cư, ổn định cuộc sống”.
Năm 2010, dự án xây dựng thủy điện Hồi Xuân có tuyến đập chính và nhà máy trên sông Mã, nằm ở vị trí giáp ranh 2 xã Thanh Xuân và Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được khởi động.
Công trình có công suất thiết kế 102MW với 3 tổ máy, hồ chứa nằm trên địa phận 7 xã của huyện Quan Hóa và 2 xã khác của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Đây là dự án thuộc quy hoạch của Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương và thuộc quy hoạch phát triển của điện lực Quốc gia giai đoạn 2006 – 2015, tầm nhìn 2025 của Chính phủ. Công trình ban đầu được tính toán có số vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng.
Bình luận