Các triệu chứng phổ biến nhất của ung thư vú là sự xuất hiện một khối u không đau trên vú, sưng, kích ứng da, đau ở núm vú, đầu vú tiết dịch.
Nên kiểm tra vú thường xuyên vì phát hiện và kiểm soát ung thư vú từ sớm sẽ giúp quá trình điều trị thuận lợi hơn. Phát hiện bệnh khi khối u còn nhỏ sẽ giảm khả năng bệnh lây lan đến các hạch bạch huyết và ít có khả năng phải điều trị bằng hóa xạ trị, bệnh nhân có thể phẫu thuật ít hơn.
Cắt bỏ tuyến vú không phải là phương pháp điều trị tốt nhất
Mặc dù cắt bỏ tuyến vú là phương pháp loại bỏ một hoặc cả hai vú, được thực hiện để điều trị bệnh ung thư hoặc ngăn ngừa sự phát triển ung thư ở những phụ nữ có nguy cơ cao nhưng TS. Monica Morrow - Trung tâm Ung thư Kettering Memorial Sloan (New York, Mỹ) cho rằng phương pháp này không phải là tất cả.
"Nhiều người thường nghĩ, nếu bị ung thư vú ở một bên vú, điều an toàn nhất để làm là phải cắt bỏ cả bộ ngực. Trên thực tế, rủi ro bị ung thư vú ở vú bên kia có thể khó xảy ra vì các phương pháp điều trị ung thư vú đều ngăn chặn nguy cơ lây lan của các tế bào ung thư. Vì vậy, phương pháp này chỉ nên thực hiện khi bác sỹ hội chẩn và cho rằng đó là điều cần thiết nhất phải làm", TS Morrow chia sẻ.
Sống khỏe nhờ chế độ ăn uống khoa học
Một chế độ ăn uống hợp lý giúp làm tăng cơ hội phục hồi của bệnh nhân ung thư vú. Người bệnh nên ăn những loại thức ăn có tác dụng thúc đẩy khả năng miễn dịch, cung cấp vitamin và khoáng chất giúp cơ thể chống lại căn bệnh nguy hiểm này.
Chế độ ăn uống khỏe mạnh bao gồm trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt giàu axit béo Omega 3, gia cầm, cá, ngũ cốc, sản phẩm sữa ít béo và dầu oliu… rất tốt cho bệnh nhân ung thư vú. Các chất dinh dưỡng có trong những thực phẩm này giúp tái tạo các mô bị tổn thương trong điều trị đồng thời tăng cường hệ miễn dịch.
Sau đây là một số lời khuyên về chế độ ăn uống dành cho các bệnh nhân ung thư vú:
Ăn các loại dầu có nhiều axit béo lành mạnh và chất chống oxy hóa
Axit béo không bão hòa đơn có nhiều trong các loại dầu như dầu cám gạo, dầu hạt cải và dầu oliu. Chất chống oxy hóa có trong các loại dầu này cũng rất có ích cho bệnh nhân ung thư vú.
Bắp cải, bông cải xanh
Các loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh có chứa chất glucosinolate và indoles có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư vú.
Các loại rau có màu xanh đậm
Các loại rau có màu xanh đậm như cải bó xôi có chứa axid folic, giúp bảo vệ DNA và ngăn ngừa ung thư vú lây lan.
Cà chua
Cà chua là loại thực phẩm rất giàu chất oxy hóa giúp chống lại bệnh ung thư vú bằng cách ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư.
Những loại thực phẩm không nên ăn
Đường và đồ ngọt
Tiêu thụ nhiều đồ ngọt và đường sẽ làm tăng lượng đường trong máu, khiến cơ thể giải phóng insulin. Điều này dẫn tới tình trạng nồng độ estrogen tăng cao, thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư vú.
Thịt đỏ đã qua chế biến và thịt đóng hộp
Thịt đỏ đã qua chế biến và một số loại thịt khác có chứa chất bảo quản làm tăng mức độ của quá trình oxy hóa, thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Do đó nên hạn chế ăn thịt đỏ và các loại thịt đóng hộp.
Sản phẩm từ sữa giàu chất béo
Nhiều sản phẩm từ sữa giàu chất béo có thể làm gia tăng nồng độ estrogen trong cơ thể, kích thích tế bào ung thư vú sinh trưởng.
Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là nên hạn chế sử dụng các sản phẩm từ sữa giàu chất béo, có thể thay bằng các sản phẩm từ sữa ít chất béo.
Video: Bệnh nhân ung thư nên ăn uống như thế nào?
Bình luận