Đáng chú ý, vị trí hút cát chỉ cách chân đập thuỷ điện Hoà Bình khoảng 3km. Theo người dân địa phương, tàu cuốc hút cát “dàn trận” tại đây đã rất lâu, nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý.
Sông Đà trân mình chịu nạn
Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ngang nhiên ở nhiều nơi đã phá hoại môi trường, gây thất thu thuế, thách thức dư luận và làm đau đầu cơ quan chức năng.
Không chỉ lén lút ở những con sông nhỏ như trước, hoạt động hút cát trái phép ngày càng táo tợn và manh động trên cả sông lớn, dòng chảy huyết mạch, thậm chí ngay trong khu vực rừng phòng hộ hay dưới chân đê chắn sóng.
Từ sông Hồng, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu… đâu đâu cũng có cát tặc hoành hành. Khủng khiếp hơn, trong những ngày đầu tháng 9, nhóm PV VTC News đã ghi nhận hoạt động khai thác cát trái phép rầm rộ ngay đoạn sát chân đập thuỷ điện Hoà Bình.
Chiều 13/9, chúng tôi có mặt tại đoạn sông Đà nằm giáp ranh giữa hai phường Yên Hoà và Thịnh Lang của thành phố Hoà Bình. Không hung dữ giống như những nơi khác, dòng sông Đà khu vực này do có đập thủy điện ngăn dòng nên nước chảy khá êm đềm.
Hai bên bờ kè, người dân thong thả đi bộ thể dục. Dưới sông, hai chiếc tàu cuốc với đầy đủ máy móc hiện đại to như một ngôi nhà, nằm đấu đầu im lặng. Cách đó không xa bên bờ phía QL70, một sà lan đậu sát ven bờ chờ hàng.
18h40, trời tối dần, người dân hai bên đường đi lại ít hơn. Dưới sông, nhóm công nhân khởi động máy móc trên tàu. Chỉ trong phút chốc, cả khúc sông dài chỉ còn nghe tiếng máy chạy ầm ầm, mùi khói dầu cuộn vào không khí. Hành trình sục sạo lòng sông suốt đêm bắt đầu.
22h00, tiếng máy gầm lên báo hiệu công suất tàu cuốc được đẩy cực điểm. Lúc này, chúng tôi thuê một chiếc thuyền nhỏ, tiến sát nơi hai con tàu cuốc đang tua những gầu lớn đầy cát từ lòng sông lên. Chủ thuyền tên Th. (32 tuổi) là người địa phương, thâm niên nghề chài lưới từ nhỏ. Anh Th. cho hay, hai chiếc tàu cuốc này hoạt động trên đoạn sông này cả chục năm nay. “Họ chỉ hút cát khi đêm xuống”, Th. nói. Hỏi “Chủ tàu là ai?”, Th. im lặng.
Khoảng 30 phút sau, một chiếc sà lan tách tàu rời đi, chiếc sà lan đậu ven bờ lúc nãy mới nổ máy lừ đừ tiến ra, áp mạn tàu cuốc để sang cát. Quá nửa đêm, việc bơm cát hoàn tất, chiếc sà lan kế tiếp nổ máy ì ạch xuôi xuống mạn Phú Thọ. Vài phút sau, một chiếc khác áp vào thế chỗ. Trong khi đó, những vòng tua của gầu xúc vẫn hối hả bổ xuống lòng sông, cuốc lên tất cả những gì có thể.
Theo tiết lộ của một chủ bến bãi, tàu cuốc mà nhóm “cát tặc” đang sử dụng là loại có nhiều gầu liên hoàn (khoảng 30 gầu), mỗi gầu khối lượng từ 0,85 – 1m3. Thời gian tua một vòng khoảng 5 phút. Tính trung bình mỗi đêm, hai tàu cuốc này “rút ruột” lòng sông hàng ngàn m3 cát.
Gần sáng, công việc mổ ruột, gặm nhấm lòng sông kết thúc. Hai tàu cuốc tắt điện, hạ tấm mái tôn quây kín xung quanh. Khúc sông Đà lại trải qua một đêm trân mình chịu nạn.
“Không phát hiện được gì!?”
Đêm 14/9, khoảng 22h30, có mặt tại địa điểm hôm trước, nhóm PV chúng tôi tiếp tục ghi nhận tình trạng hai tàu cuốc hút cát trái phép dưới lòng sông.
Ngay lập tức, chúng tôi điện thoại tới ông Bùi Quang Điệp (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình) để thông tin.
Ông Điệp hỏi địa điểm, nhờ phóng viên ghi lại tư liệu và cho biết “đã báo cáo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường”; đồng thời nói thêm rằng, đây là trách nhiệm chủ yếu của Chủ tịch UBND thành phố Hoà Bình”.
Khi chúng tôi ngỏ ý được kết hợp với bộ phận chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường để bắt quả tang hành vi phạm pháp, ông Điệp ậm ừ nói “sẽ liên hệ lại xem cụ thể thế nào”.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Văn Hải (Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - PC67, Công an tỉnh Hòa Bình), cung cấp thông tin, địa điểm và hiện trạng khai thác. Ông Hải tiếp nhận thông tin, đồng ý phối hợp với phóng viên, lúc đó là 22h32.
Khoảng 15 phút sau, một hiện tượng bất ngờ đã xảy ra, đèn trên hai tàu cuốc vụt tắt, tiếng máy nổ cũng im dần, gầu xúc ngừng hoạt động. Cửa tôn được hạ xuống, đóng kín, con tàu cuốc trở thành chiếc nhà nổi, lênh đênh trên sông.
23h46, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ ông Nguyễn Văn Hải, thông báo tàu tuần tra của công an tỉnh đang hiện diện ở địa điểm giáp ranh hai phường Yên Hoà và Thịnh Lang, song không phát hiện tàu hút cát trái phép. Chúng tôi cho biết, hai tàu hút cát đã vừa ngừng khai thác trước đó.
Anh Nguyễn Phúc T. (trú phường Thịnh Lang – TP.Hoà Bình) cho hay, hai tàu hút cát đêm nào cũng làm việc, từ khoảng chập tối đến 6h sáng hôm sau. Anh T. khẳng định, 4h30 sáng 15/9, khi đi thể dục buổi sáng, vẫn thấy hai tàu cuốc nổ máy hoạt động bình thường.
Theo ông Bùi Quang Điệp, đoạn sông thuộc giáp ranh giữa hai phường Yên Hoà và Thịnh Lang của thành phố Hoà Bình rất gần đập thuỷ điện nên cấm mọi hoạt động khai thác cát. Đồng thời, ông này cũng cho biết, cả tỉnh Hoà Bình hiện chỉ cấp phép khai thác cho 2 đơn vị ở địa phận Kỳ Sơn, tất cả tàu thuyền hút cát ở khu vực khác đều là trái phép.
(Còn nữa)
Video: "Cát tặc" lộng hành nhiều đêm gần chân đập thủy điện Sông Đà (Lê Đức)
Cát tặc gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm
Tại hội nghị trực tuyến về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển diễn ra hồi tháng 10/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hiện là Thủ tướng Chính phủ) cho biết, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra nhiều năm qua, để lại những hậu quả nghiêm trọng, phá hoại môi trường, làm thất thu thuế của nhà nước.
Nhắc đến việc trong một lần trực tiếp xuống tận địa bàn nóng thuộc huyện Thường Tín để kiểm tra, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chỉ riêng Hà Nội, tình trạng khai thác cát trái phép có thể làm thất thoát lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Cũng theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những nỗ lực phòng chống của các cơ quan chức năng, vẫn có nhiều nơi còn lơ là, buông lỏng, thậm chí để xảy ra hiện tượng bảo kê, bao che, khiến người dân bức xúc.
Khẳng định không cấm khai thác cát, sỏi lòng sông, nhưng theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải theo quy hoạch, theo kế hoạch và quy định pháp luật. Trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Bình luận