Các nhà khoa học đã tiếp cận phần mặt trước của sông băng Thwaites, được mệnh danh là sông băng "ngày tận thế", ở phía Tây của Nam Cực, phát hiện nước biển ấm đã tấn công sông băng, khiến băng ở đây tan nhanh hơn so với tính toán trước đó, Guardian ngày 30/4 đưa tin.
Giáo sư hải dương học Anna Wahlin, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về sông băng Thwaites, cho biết những phát hiện mới đồng nghĩa số phận của sông băng Thwaites và toàn bộ khối băng đá ở phía Tây Nan Cực sẽ được định đoạt trong thời gian từ 2-5 năm tới.
Bà Wahlin cho biết mặt trước của sông băng Thwaites nằm trên một số điểm cố định dưới mặt nước biển. Nhưng bởi nhiệt độ nước biển tăng lên từ sâu dưới đại dương, tốc độ tan băng bị đẩy nhanh, làm những điểm cố định này biến mất.
Tình trạng này khiến nước biển ấm xâm nhập sâu vào sông băng Thwaites, về lâu dài sẽ đẩy nhanh quá trình sông băng bị nứt khỏi Nam Cực và trôi vào đại dương.
"Nếu điều đó xảy ra, mọi thứ sẽ sụp đổ. Đây có thể là sự khởi đầu của những thay đổi khủng khiếp", bà Wahlin cảnh báo.
Thwaites là sông băng lớn nhất trên Trái Đất, sâu hơn 1 km, với lượng băng đá khi tan có thể khiến mực nước biển dâng cao thêm 65 cm.
Năm ngoái, các nhà khoa học Anh đã phát hiện những hố sâu với kích thước khổng lồ bên dưới Thwaites. Những hố sâu này cho phép nước biển xâm nhập vào bên trong sông băng, đẩy nhanh tốc độ xói mòn và tan chảy.
Tình trạng băng đá ở Nam Cực tan chảy nhanh hơn tốc độ tích tụ đã trở nên ngày càng nghiêm trọng suốt 30 năm qua, chiếm khoảng 4% mực nước biển dâng toàn cầu. Từ năm 2000, Nam Cực đã mất 1.000 tỷ tấn băng đá.
Các chuyên gia cho biết nếu phần băng đá ở mặt trước sông băng Thwaites vỡ khỏi Nam Cực, nó sẽ gây tác động lan tỏa tới các sông băng khác ở khu vực.
Bình luận