• Zalo

Sơn Mỹ - nỗi đau ngàn đời không thể quên

Thời sựThứ Hai, 18/06/2012 02:23:00 +07:00Google News

Lính Mỹ điên cuồng sục xạo từng gia đình, từng căn hầm và mọi ngóc gách để tìm và tiêu diệt người dân địa phương.

Ngày 16-3-1968 (tức ngày 17 tháng hai năm Mậu Thân), Trung đội 1 (do Trung úy William Calley làm Trung đội trưởng), thuộc đại đội Charlie (Đại úy Ernest Medina làm Đại đội trưởng), một trong ba đại đội của Lực lượng đặc nhiệm Barker (Task Force Barker), Lữ đoàn 11, Sư đoàn Armerical, quân viễn chinh Mỹ đã tiến hành đổ bộ bằng trực thăng xuống cánh đồng phía tây thôn Tư Cung và xóm Gò (thôn Cổ Lũy) thuộc xã Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).


Với chủ trương: “Tác xạ tiêu diệt mọi sự di chuyển trong khu vực hành quân” và “giết sạch, phá sạch và đốt sạch”, từ khoảng 6 giờ 30 phút đến 16 giờ (16-3-1968), các đơn vị này đã tiến hành cuộc thảm sát phi nhân tính, cực kỳ man rợ, để lại vết nhơ rơ bẩn nhất, trơ chẽn nhất, không thể gột rửa cho quân đội của đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và là nỗi đau ngàn đời không thể quên với nhân dân Quảng Ngãi nói riêng, dân tộc Việt Nam và cả loài người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung.

Lính Mỹ điên cuồng sục xạo từng gia đình, từng căn hầm và mọi ngóc gách để tìm và tiêu diệt người dân địa phương mà không vấp phải bất cứ một hành động phản kháng nào, ngoài sự tổn thất duy nhất là việc người lính da đen Herbert Carter tự bắn vào chân mình để khỏi tham gia vào vụ thảm sát đồng loại.

Đỉnh điểm của hành động tàn sát giã man này là chúng đã hiếp nhiều phụ nữ, trẻ em, kể cả người đang mang bầu, sau đó tập trung dân làng, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em, thành từng tốp rồi xả súng bắn giết 102 người ở Tháp Canh, 107 người ở một đoạn mương nước phía đông xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung.

Hậu quả là 504 thường dân vô tội bị giết chết (gồm 407 người ở thôn Tư Cung, 97 người ở thôn Mỹ Hội), trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già. Có 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị thiêu rụi. Mất mát này quá to lớn và là nỗi đau ngàn đời không thể quên trong mỗi người dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Ngay sau vụ thảm sát, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng các cấp và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lên tiếng tố cáo trước dư luận trong và ngoài nước về tội ác của quân viễn chinh Mỹ. Sau giải phóng, vào năm 1976, chính quyền địa phương đã tiến hành xây dựng nhà chứng tích, tượng đài, bia căm thù tại một số hiện trường tiêu biểu.

Ngày 29-4-1979, Khu chứng tích Sơn Mỹ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Cổng vào khu chứng tích Sơn Mỹ. Từ TP. Quảng Ngãi, qua cầu Trà Khúc, đi dọc theo Quốc lộ 24B khoảng 13km, đến Khu chứng tích Sơn Mỹ. Khu chứng tích có diện tích 2,4hecta, bao gồm 2 khu vực chính: khu chứng tích thực địa (phía tây) đã được bảo tồn, tôn tạo và khu nhà trưng bày bổ sung, tượng đài tưởng niệm, nhà đón khách (phía đông). Ngoài ra, còn có các di tích liên quan đến vụ thảm sát tại thôn Tư Cung và thôn Mỹ Lại. 

Nhà chứng tích được xây dựng từ tháng 9-1975 và hoàn thành 28-2-1976. Đến ngày 16-3-1977 chính thức cắt băng khánh thành. Đây là nơi lưu giữ, trưng bày nhiều di vật và hình ảnh về cuộc thảm sát tàn bạo do quân đội Mỹ gây ra, đó là chiếc mâm thau cũ còn lỗ chỗ vết đạn, chiếc áo, đôi dép của một cháu bé bị bắn chết; các loại chén đĩa, xoong chảo bị bắn thủng vỡ, chiếc mõ tụng kinh của nhà sư Thích Tâm Trí còn tìm lại được. Ở đây có phim tư liệu ghi lại lời kể và hình ảnh của những nạn nhân sống sót, có nhiều cuốn sổ lưu niệm mà khách thăm viếng đã viết vào đó bằng nhiều thứ tiếng, thể hiện chân thực cảm nghĩ, thái độ của nhiều người, thuộc nhiều thế hệ, nhiều tôn giáo, dân tộc và xu hướng chính trị khác nhau, khi trực tiếp tìm hiểu về vụ thảm sát Sơn Mỹ 
Bản đồ tác chiến của quân đội Mỹ sử dụng trong vụ thảm sát Sơn Mỹ, do ta thu được sau giải phóng miền Nam (tháng 4-1975) 
Hình ảnh trong cuộc thảm sát do phóng viên tập sự Ronald Haeberle của quân đội Mỹ chụp sáng ngày 16-3-1968. Chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già bị lính Mỹ sát hại 
Đông đảo người Việt Nam, trong đó có nhiều học sinh và sinh viên đến thăm các gian trưng bày trong Nhà chứng tích. 
Tượng đài, là công trình nghệ thuật điêu khắc do họa sĩ Châu Đình Du sáng tác. Người thể hiện là Hồ Thu (chồng chị Võ Thị Liên, một nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát kinh hoàng này). Công trình được khởi công vào tháng 10-1976, hoàn thành tháng 3-1977. Vật liệu chủ yếu là đá đen được kết dính bằng bê tông. Tượng đài khắc họa tội ác tày trời và man rợ của đế quốc Mỹ thông qua các hình ảnh: người lớn ôm đứa bé vào lòng, che chở; một phụ nữ ôm người già bị địch bắn chết; người phụ nữ sống sót sau thảm sát, thân đứng thẳng, bàn tay phải nắm chặt, giơ lên trời cao, tay trái bồng em bé như đang tố cáo tội ác tầy trời của lũ lang sói. Đến năm 2003, tượng đài được trùng tu giống như mẫu cũ, nhưng bằng đá nguyên khối Ninh Bình và được di chuyển đến vị trí hiện tại. 
Các ngôi mộ tập thể. Tại đây, khách tham quan tận mắt nhìn thấy những khu mộ tập thể của các nạn nhân, hầm tránh pháo và nền nhà bị đốt cháy của những gia đình đã bị giết cả nhà trong vụ thảm sát, xem lại những bức hình do phóng viên quân đội Mỹ Ronald Haeberle chụp tại Sơn Mỹ buổi sáng 16-3-1968 mà khi công bố ở Mỹ đã khiến dư luận choáng váng 
Các chứng tích được phục dựng sát với thực tế sau vụ thảm sát. 
Đoạn mương này là nơi lính Mỹ sát hại người dân vô tội, không một tấc sắt trong tay 
Sau vụ thảm sát, đến nay cây bồ đề, cây dừa còn sót lại xanh tốt, tỏa bóng mát và vươn cao lên trời xanh, tựa như ý chí, sức sống mãnh liệt và tinh thần bất diệt của nhân dân nơi đây trước tột đỉnh đau thương, mất mát. 

Thăng Thành/QĐND

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây


Bình luận
vtcnews.vn