• Zalo

'Soi' sức khỏe công ty có cổ phiếu nằm sàn 26 phiên liên tiếp

Kinh tếThứ Bảy, 21/09/2019 13:30:00 +07:00Google News

Mã cổ phiếu FTM của Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) giảm sàn 26 phiên liên tiếp, khiến nhiều người đặt câu hỏi về sức khoẻ của doanh nghiệp này.

Ngày giao dịch 20/9, mã chứng khoán FTM của Fortex giảm hết biên độ còn 3.710 đồng/cổ phiếu – mức thấp nhất từ khi lên sàn. Đây cũng là phiên giảm sàn liên tiếp thứ 26 của cổ phiếu này. Tính từ ngày 15/8, mã FTM đã mất 18.290 đồng mỗi cổ phiếu. Vốn hóa thị trường FTM cũng xuống dưới 200 tỷ đồng, giảm gần 95% so với thời điểm đầu tháng 8/2019.

Đợt giảm sàn liên tiếp của cổ phiếu FTM có thể kể đến một số nguyên nhân: cổ phiếu bị thao túng giá, trước chuỗi giảm sàn liên tiếp là đợt tăng giá mạnh, cổ phiếu đầu cơ hết hạn mức vay margin tại nhiều công ty chứng khoán, bất ngờ bị một hoặt một số công ty chứng khoán giảm tỷ lệ margin, báo cáo tài chính sau soát xét/kiểm toán có thay đổi nghiêm trọng về kết quả kinh doanh như chuyển từ lãi sang lỗ nặng, doanh nghiệp gặp sự cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh.

ftm_vowj

 Cổ phiếu FTM giảm sàn 26 phiên liên tiếp.

Theo nhận định, chuỗi lao dốc của cổ phiếu FTM phần lớn do bị cắt margin (dịch vụ cho phép NĐT vay tiền để mua số lượng cổ phiếu có giá trị lớn hơn giá trị tài sản ròng của NĐT có trong tài khoản chứng khoán). Ngày 16/8/2019, HoSE thông báo đưa cổ phiếu FTM vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét 6 tháng năm 2019 là số âm. Kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2019 Fortex đạt 450 tỷ đồng doanh thu, giảm 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi âm 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 27,5 tỷ đồng.

Cùng với kết quả kinh doanh lỗ, các công ty chứng khoán đã cắt margin cổ phiếu FTM khiến tình trạng cổ phiếu FTM bị chất lệnh bán sàn. Bên cạnh đó, hàng loạt cổ đông đang tháo chạy. Mới đây nhất, ngày 23/7/2019, một cổ đông lớn đã bán hơn 1,76 triệu cổ phiếu, giảm lượng sở hữu sau giao dịch xuống còn 2,63 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,26%).

FTM niêm yết ngày 6/2/2017, giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 16.000 đồng/cổ phiếu và không có quá nhiều biến động trong gần 2 năm sau đó.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, nhiều cổ đông lớn mới xuất hiện, gom mua mạnh cổ phiếu FTM, có thể kể đến các cổ đông như: Lâm Văn Ðỉnh, Phạm Ðình Giá, Nguyễn Chí Cường, Lê Quốc Quân, Nguyễn Thanh Hà…

Diễn biến giá cổ phiếu FTM bắt đầu có biến động mạnh từ tháng 2 đến cuối tháng 7/2019, từ 15.000 đồng/cổ phiếu lên 23.800 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên.

Ðáng chú ý, thời điểm cổ phiếu FTM tăng giá không gắn với bất kỳ thông tin tích cực nào về kết quả kinh doanh của công ty, mà ngược lại, xuất hiện những thông tin tiêu cực tác động đến ngành sợi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này, 2 quý đầu năm nay đã liên tục ghi nhận mức lợi nhuận âm. Tồn kho quý I là 138 tỷ đồng, quý II tăng vọt lên 367,6 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2019, Fortex đạt 450 tỷ đồng doanh thu, giảm 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi âm 31 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả kinh doanh này, Fortex cho rằng, ngành sợi đang gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” với kết quả không mấy khả quan. Triển vọng ngành vẫn rất khó dự báo trước những biến động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Dưới ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sản lượng tiêu thụ nửa đầu năm giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, giá bán sợi cũng giảm trung bình 15%. Do đó, doanh thu công ty bị sụt giảm mạnh. Ngược lại, giá bông nguyên liệu đầu vào giảm không đáng kể dẫn đến việc công ty bị lỗ 31 tỷ đồng.

Lãnh đạo Fortex cho rằng kết quả kinh doanh không như kỳ vọng khiến một số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lo ngại và bán số lượng lớn ra thị trường.

Liên quan đến việc giảm sàn liên tiếp của cổ phiếu FTM, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa phát đi thông báo cho biết, cơ quan quản lý đã nắm được thông tin liên quan tới diễn biến cổ phiếu FTM.

Theo đó, UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin. Do sự việc mới đang trong quá trình triển khai nên chưa có thông tin chi tiết, cụ thể, nên khi có thông tin chính xác sẽ cung cấp kịp thời, đầy đủ tới các cơ quan thông tấn, báo chí theo quy định.

"Đây là sự việc nhận được sự quan tâm của thị trường và dư luận, do đó, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quán triệt tinh thần với các đơn vị chuyên môn là tiến hành một cách nghiêm túc, cẩn trọng, tuân thủ các quy định pháp luật và xử lý nghiêm nếu phát hiện các sai phạm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rất mong muốn nhận được sự phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền thông chính xác, kịp thời, minh bạch tới nhà đầu tư và thị trường", thông báo cho biết.

Theo thống kê, đến nay đã có 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng bị thiệt hại trước diễn biến của cổ phiếu FTM, ước tính tổng giá trị thiệt hại lên tới 200 tỷ đồng.

Tình hình tại Fortex ngày càng thêm rối ren khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Giang - người thay thế ông Lê Mạnh Thường đã từ nhiệm chức vụ Chủ tịch ngày 16/9 vừa qua.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) là 1 trong những nhà sản xuất sợi cotton hàng đầu Việt Nam, có năng lực sản xuất lớn nhất miền Bắc. Ngành nghề kinh doanh chính: Sản xuất sợi; Sản xuất vải dệt thoi; Hoàn thiện sản phẩm dệt; Sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác...

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn