(VTC News) – Ngay sau khi đăng tải ý tưởng của độc giả Đỗ Linh Cường về việc xây “phòng nổi” cho đồng bào miền Trung, BBT đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, góp ý, cũng như đưa ra các kiến giải khác để giải bài toán “sống chung với lũ” ở vùng đất chịu nhiều thiên tai này. Dưới đây là một vài ý kiến đáng chú ý, mời độc giả cùng tiếp tục tham gia thảo luận.
Diễn đàn: VTC News trân trọng mời tất cả độc giảhiến kế để miền Trung có thể sống chung với bão, lũ mà không phải chịu những đau thương, mất mát như vừa qua.
Độc giả có thể góp ý về sáng kiến thiết thực của bác Đỗ Linh Cường, hoặc đưa ra ý tưởng độc lập về mọi mặt để kết quả cuối cùng tìm là ra giải pháp giúp miền Trung sống chung với bão, lũ.
Ý kiến xin gõ vào ô thảo luận ở cuối bài, hoặc gửi email đến địa chỉ: [email protected]. Hoặc có thể liên hệ với bác Cường để trao đổi trực tiếp: Bác Đỗ Linh Cường, SĐT: (08) 38993830.
Trần Văn Thành, [email protected]:Ý tưởng hay, nhưng…
Ý tưởng rất hay, nhất là tấm lòng hướng về đồng bào miền Trung. Nhưng khó áp dụng vào thực tế vì nhiều điều.
Ai đã từng ở miền Trung đều biết, mỗi gia đình sống trong vùng quê hay có bão lũ, trong nhà họ thường làm sẵn một chiếc xuồng nan nhỏ (vật liệu đơn giản, rẻ tiền và nhẹ để dễ cất giữ vào đầu hồi nhà, khi không dùng). Hoặc khá hơn về kinh tế thì ngăn kho trên mái nhà (rầm thượng) đối với nhà gỗ và có mái bằng sân thượng nếu nhà xây... Giải pháp “sống chung với lũ” của ông cha là thế, phù hợp với các đối tượng dân cư, phần đông là còn nhiều khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện tài chính để làm một công trình để dành như thế.
Miền Trung hầu hết có độ dốc lớn, nước chảy rất mạnh khi có lũ. Càng nguy hơn khi lũ kèm theo bão lớn, chứ không phải lũ khi trời nắng, chảy hiền hòa ở miền Tây. Những năm gần đây, lũ nguy hiểm theo cấp số nhân, hầu như đều có liên quan đến các hồ chứa trên thượng nguồn (những trái bom hẹn giờ được treo trên cao) đó mới thật là vấn đề gốc.
Lê Thanh Bình, [email protected]: Tôi có giải pháp khác hợp lý hơn
Theo tôi làm cái này không thực tế vì các nguyên nhân:
1. Tốn chỗ
2. Vẫn là đắt so với thu nhập của người dân khi phải bỏ ra 1 khoản đầu tư chiếm diện tích mà có khi vài năm không được sử dụng
3. Tuổi thọ không thể cao được vì dãi nắng dầm mưa nhiều
4. Khi lũ về còn cuốn theo nhiều thứ khác nữa đập vào 1 cái cố định như 1 phòng tạm này thực sự không thể chịu nổi
Giải pháp của tôi:
Trong lũ thì vấn đề lương thực, nước sạch nhiều khi còn cấp bách hơn cả việc có chỗ trốn (mái nhà về cơ bản cũng là 1 chỗ để trốn). Người chết trong lũ nhiều khi vì quá hoảng loạn. Như vậy ta có thể thực hiện 1 vài biện pháp sau:
1. Cứ mỗi một khu vực khá rộng cần đặt 1 hệ thống loa cảnh báo lũ để người dân có thể kịp thời phòng chống
2. Tập huấn cho dân cách phòng chống, chạy lũ bằng các vật dụng cơ bản có thể tìm kiếm được ở xung quanh
3. Cải tạo chính bản thân cái giường để nó có thể nổi được (có thể dùng thân chuối nhét xuống gầm giường)
4. Dự phòng 1 bếp ga nhỏ + thuốc men + nước uống + lương thực trên 1 thuyền thúng nhỏ
5. Chuẩn bị sẵn thang, dây thừng cho trường hợp khẩn cấp thì leo lên nóc nhà
Sơn, [email protected]:Nên làm nhà mái bằng có tum diện tích nhỏ
Là một kỹ sư XD, theo tôi chính quyền về lâu dài phải phổ biến cho dân vùng lũ về xây dựng nhà cửa kiên cố hơn, thay cho xây nhà mái ngói thì xây nhà mái bằng có cầu thang lên và có tum che cầu thang (vì nhà mái bằng cao khoảng 3,6m+ tum cao thêm 2,5m thì người dân có đầy đủ chỗ để ở và cất giữ tài sản khi xảy ra lũ lụt, lũ quét). Nếu người dân chấp nhận với chi phí xây dựng nhà mái ngói, mái fipro xi măng với diện tích S (m2) với chi phí là X (đồng) thì chấp nhận ở tầng 1 với diện tích xây dựng là (0,7-0,8)*S (m2) cũng với chi phí khoảng là X đồng cho nhà mái bằng ở trên thì cơ bản về lâu dài người dân sẽ có nhà kiên cố an toàn khi có biến.
Cảm ơn VTC News đã cho tôi nói lên suy nghĩ của mình!
Đức Viên, [email protected]: Nên cấp xuồng và áo phao
Giúp cho mỗi hộ 1 phao hơi cao su giống thuyền nhỏ, có thêm nhiều điểm quặc để lai dắt thêm như can nhựa, thùng phi v.v... bảo quản trong hộp như va ly xách tay. Khả năng di chuyển được tới 2-3 người/chuyến. Ngoài ra mỗi cá nhân 1 áo phao. Như vậy bảo quản tốt và cơ động. Ưu tiên cụ già - trẻ nhỏ - phụ nữ được lên xuồng. Cánh nam khoẻ mạnh dùng áo phao là được rùi. Ngoài việc đưa người nhà sơ tán ra chỗ cao. Họ còn trọng trách kết hợp đi cứu giúp những gia đình có hoàn cảnh tương tự. Cho dù đều không bơi lội giỏi thì cũng không thể chết đuối oan uổng đc. Rồi chính quyền sở tại và dân vùng lũ cùng kí cam kết việc này.
Vĩnh Quê, [email protected]: Ý tưởng không thực tế
Ý tưởng này có được là do tấm lòng, còn thực tế không thể áp dụng được, còn rất nhiều thông số phải giải quyết, tốc độ gió, vận tốc dòng chảy, vấn đề móng của trụ và bản thân trụ, vấn đề chịu lực của khung... mà nếu giải quyết tới nơi tới chốn thì tốn kém cũng bằng xây thêm 1 lầu kiên cố, khi có lũ dâng thì chạy ngay lên lầu, còn bình thường thì có thêm diện tích sử dụng.
Chu Hiếu, [email protected]: Cần phải tính toán chi tiết hơn...
Đây là một ý tưởng sáng tạo, tuy tôi không rành về kiến trúc và kỹ thuật nhưng tôi thấy bản vẽ còn sơ sài quá, khi bắt tay vào làm mới thấy hết những khó khăn. Ví dụ: sàn của căn phòng trên bằng chất liệu gì, gắn kết với 4 thùng phuy như thế nào để chắc chắn và chống chọi được với tốc độ dòng chảy? Tường, mái làm như thế nào để đảm bảo yếu tố nhẹ nhưng chống lại được gió, lốc và mưa?
Còn 1 vấn đề tế nhị khác là khi trú ẩn trong phòng nổi này thì giải quyết nhu cầu vệ sinh ở đâu? Mong Bác Cường cho bản thiết kế chi tiết hơn để mọi người cùng nghiên cứu ạ...
Nguyễn Mạnh Thủy, [email protected]: Ý tưởng của tôi
Ý tưởng của bác Cường có thể nói rằng đã tạo ra một ngồn cảm hứng sáng tạo mới đối với tôi. Tôi có ý kiến thêm như sau:
- Chúng ta đều nhận thấy rằng lũ miền trung khác lũ ở đồng bằng sông Cửu Long. Sức tàn phá của lũ đầu nguồn rất lớn và nhanh, nó có thể cuốn trôi mọi thứ khi nó đi qua.
- Lũ lớn thường kèm theo mưa to và gió lớn, do vậy mỗi nhà nổi như vậy có thể nói rằng rất mong manh. Việc sinh hoạt tất cả 5 người/5 m2 ăn chín uống sôi là việc không thể ... Do vậy vẫn phải cần cứu trợ.
Hai lưu ý trên thì tôi có thêm ý kiến đóng góp như sau:
Đối với người dân: Việc cốt lõi không gì bằng để người dân được “sống chung với lũ” ngay trên ngôi nhà của mình, như lựa chọn điạ hình cao hơn, hay làm nhà có cọc đỡ kiểu nhà sàn.
Đối với các cấp Ban ngành:
- Việc dự báo bão phải được thường xuyên.
- Hàng năm vào trước mùa mưa bão cần phải có diễn tập, cứu hộ và phổ biến đến từng người dân (có thể đưa vào giảng dậy ngay trong nhà trường từ cấp I).
- Học kinh nghiệm của các nước trên thế giới có những ngôi nhà lớn có thể chống đỡ được với mọi khắc nghiệt của thiên nhiên, trong đó có thể chứa được lượng lớn lương thực và sinh họat cho nhiều người trong thời gian dài...
Diễn đàn: Tấm lòng là vô cùng đáng quý, nhưng để ý tưởng có thể đi vào hiện thực, cần lắm sự đóng góp hoàn thiện của độc giả cả nước.
Ý tưởng của bác Cường đã thực tế và khả thi chưa? Có điểm nào được và chưa được? Có phù hợp với điều kiện tự nhiên của miền Trung không? Nếu phù hợp, thì làm sao để triển khai hiệu quả? v.v...
Hoặc bạn có những ý tưởng, kế hoạch khác mà theo bạn có ý nghĩa trong việc khắc phục, hạn chế hậu quả những cơn bão lũ hàng năm ở miền Trung, giảm thiểu đau thương mất mát cho đồng bào?
Một gói mì cứu trợ có thể giúp đồng bào qua cơn đói một bữa, nhưng một ý tưởng thiết thực mới là kế bền lâu cứu được hàng triệu đồng bào tránh cơn nước lửa! Đừng ngần ngại gửi ý kiến qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected] để chung tay cùng miền Trung ruột thịt!
Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung. |
Bình luận