Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi rất đề cao thị trường Việt Nam. Sau khi có mặt tại nhiều công ty lớn như Vinamilk, qua công ty con, tỷ phú Thái Lan mở rộng phạm vi ảnh hưởng của minh ở thị trường bất động sản với một thương vụ gây chú ý.
Thâu tóm dự án nghìn tỷ
Trong những ngày đầu tháng 6, một thương vụ thâu tóm dự án bất động sản khiến nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Đó là thương vụ Frasers Centrepoint Limited (FCL), công ty con của Fraser&Neave - Tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi thâu tóm GHomes.
Cụ thể, FCL mua lại 70% cổ phần của GHomes - đơn vị đang sở hữu dự án phức hợp nhà ở và thương mại trên diện tích 1ha tại khu Thảo Điền, Quận 2, Tp.HCM từ công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR).
Lễ ký kết thỏa thuận được thực hiện trong ngày 7/6. Dự kiến thời gian hoàn thành các thủ tục này trong năm 2016. HAR cho biết nửa lợi nhuận từ thương vụ này đã được tính vào kế hoạch kinh doanh năm 2016 của Công ty.
Dự án do GHomes sở hữu nằm trên “đất vàng” của khu Thảo Điền, Quận 2. Dự án có vị trí “đẹp” khi gần một số trường quốc tế như Australia International School, British International School; gần trung tâm thương mại Vincom Mega Mall, Parkson, BigC và đối diện sông Sài Gòn. Dự kiến, chi phí phát triển dự án sẽ là 85 triệu USD (hơn 1.900 tỷ đồng).
Giải thích cho quyết định này của FCL, ông Lim Ee Seng, CEO của FCL cho biết: “Việc mua lại 70% cổ phần GHomes phù hợp với chiến lược đẩy mạnh sự đóng góp của thu nhập từ nước ngoài của Tập đoàn. FCL đã có mặt ở Việt Nam từ nhiều năm qua. Chúng tôi sở hữu một tòa nhà ở Mê Linh, quận 1, Tp.HCM và quản lý 2 căn hộ dịch vụ”.
Với những kinh nghiệm ở Việt Nam, ông Lim Ee Seng đánh giá cao thị trường Việt Nam. Ông nhận xét cùng với xu hướng vĩ mô của Việt Nam như tầng lớp trung lưu phát triển, đô thị hóa tăng cao, thu nhập người dân được cải thiện, việc Chính phủ Việt Nam cải thiện môi trường tài chính và cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài đã khiến thị trường bất động sản Việt Nam đang trong thời kỳ hấp dẫn.
Ông Lim Ee Seng cho rằng với kinh nghiệm quản lý tầm quốc tế của FCL và sự hiểu biết thị trường của HAR, thương vụ này sẽ thành công.
Ông Nguyễn Nhân Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAR cho biết trong hơn 15 năm qua, HAR đã khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực phát triển, đầu tư và quản lý bất động sản ở Việt Nam. Ông Bảo tự tin chiến lược hợp tác với FCL sẽ nâng HAR lên tầm phát triển mới.
Khối tài sản khủng của FCL
Trong buổi ký kết, giá trị thương vụ này không được tiết lộ nhưng trong thông cáo báo chí phát đi từ FCL, FCL cho biết FCL có thể chi hơn 351 tỷ đồng (tương ứng hơn 15,6 triệu USD). Mức giá này được đưa ra dựa trên báo cáo tài chính chưa kiểm toán tới ngày 31/3/2016 của GHomes.
Có thể thấy, đây không phải số tiền lớn với FCL vì FCL sở hữu khối tài sản khổng lồ. Theo báo cáo tài chính quý 2/2016, tại thời điểm 31/3/2016, tổng tài sản của FCL đạt 17,33 tỷ USD, tăng 2,2% so với thời điểm 30/9/2015.
FCL có thể dễ dàng thực hiện được nhiều thương vụ thâu tóm khủng khi có trong tay lượng tiền mặt rất lớn. Cuối tháng 3, chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền tại FCL đạt 1,04 tỷ USD, tăng nhẹ so với cuối tháng 9/2015.
FCL có 4 mảng kinh doanh chính, tập trung vào bất động sản nhà ở, thương mại, công nghiệp tại các thị trường trọng điểm ở Singapore, Australia, Trung Quốc và trong ngành khách sạn trải khắp 80 nước trên thế giới.
Có mặt ở nhiều nơi trên thế giới nhưng Singapore là thị trường chính của FCL. Lợi nhuận trước thuế và lãi suất từ thị trường Singapore chiếm tới 45% tổng lợi nhuận của cả Tập đoàn. Đứng sau là thị trường Australia và Trung Quốc.
FCL có mặt ở Việt Nam khá lâu nhưng doanh số và lợi nhuận đến từ Việt Nam vẫn chưa đóng góp gì nhiều cho FCL. Lợi nhuận từ Việt Nam và một số thị trường khác chỉ chiếm 3% tổng lợi nhuận của cả Tập đoàn. Tuy nhiên, sau khi FCL đánh giá cao và rót thêm vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó có thương vụ thâu tóm GHomes thì nguồn lợi từ Việt Nam chắc chắn sẽ tăng vọt.
Bình luận