• Zalo

Soi điểm yếu chết người của không quân Trung Quốc

Thế giớiThứ Tư, 28/09/2016 20:03:00 +07:00Google News

Mặc dù không quân Trung Quốc có quy mô lớn thứ 3 thế giới và có thể vượt Mỹ về quy mô trong thời gian không xa, nhưng lực lượng này có một điểm yếu lớn, không dễ khắc phục ngay.

Theo National Interest, Trung Quốc hiện sở hữu lực lượng không quân quy mô thứ ba thế giới và có thể qua mặt Mỹ trong 15 năm tới.

Tuy nhiên, trong một trận không chiến với không quân Mỹ, Bắc Kinh sẽ cần đến các phi công dày dạn kinh nghiệm hơn là số lượng máy bay vượt trội.

Phi công Trung Quốc hiện vẫn thiếu nhiều kỹ năng do chiến thuật không phát triển và bài huấn luyện cứng nhắc. Điều đó có nghĩa là phi công nước này không thiện chiến như các quốc gia khác.

diem yeu chet nguoi cua khong quan trung quoc hinh anh 1

Phi công lái J-15 trên tàu sân bay Trung Quốc.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiểu rõ nhược điểm này và đang thay đổi cách thức đào tạo phi công, theo báo cáo mới đây của Tập đoàn RAND có mối liên hệ gần gũi với không quân Mỹ. Những thay đổi này cần thời gian và có thể giúp thu hẹp khoảng cách về năng lực giữa phi công Trung Quốc và Mỹ.

Không quân Trung Quốc không thể đọ sức với Mỹ bởi trong một thời gian dài trước đây, Bắc Kinh không cần đến năng lực không quân. Trải qua giai đoạn Thế Chiến 2, khi 14 triệu người Trung Quốc mất mạng vì phát xít Nhật xâm lược, Trung Quốc đã tập trung phát triển lực lượng bộ binh.

Từ những năm 1980, Trung Quốc đã cải cách quy mô lớn nhằm tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bắc Kinh cũng nâng cấp lực lượng không quân và hải quân để có thể hoạt động xa lãnh thổ hơn.

Cắt giảm số lượng lục quân, hải quân và không quân Trung Quốc đã phát triển hơn trước rất nhiều. Các đơn vị quân đội cũng bắt đầu suy nghĩ lại về cách thức chiến đấu.

diem yeu chet nguoi cua khong quan trung quoc hinh anh 2

Nữ phi công Trung Quốc.

Tuy nhiên, cấu trúc quyền lực tập trung của PLA, với mô hình từ trên xuống vẫn được duy trì và do đó giới hạn khả năng chiến đấu của phi công. Các kế hoạch được chuẩn bị công phu trên giấy tờ nhưng hoàn toàn có thể biến mất ngay khi phi công đối đầu với kẻ thù.

Việc đào tạo phi công thích ứng với sự thay đổi và đưa ra quyết định ngay lập tức “vẫn còn khá mới mẻ với nhiều phi công Trung Quốc, thậm chí là cả chỉ huy lực lượng không quân tại tháp kiểm soát”.

Ví dụ điển hình là máy bay chiến đấu quan trọng nhất trong đội hình thường dẫn đầu, do phi công dày dạn kinh nghiệm điều khiển, đảm nhiệm trọng trách chỉ huy phi đội và truy đuổi máy bay đối phương.

Phi công Trung Quốc dẫn đầu đội hình thường thiếu kinh nghiệm chiến thuật, khả năng cơ động và thay đổi kế hoạch mà không nhận lệnh từ chỉ huy dưới mặt đất. Tình hình càng tồi tệ hơn khi, phi công này chờ đợi “mệnh lệnh từ chỉ huy trong khi trận không chiến đang diễn ra”, báo cáo của RAND cho biết.

“Có quá nhiều vấn đề bất ngờ xảy ra trong chiến đấu hay thậm chí là huấn luyện. Điển hình là việc chỉ huy dưới mặt đất không thể theo kịp với diễn biến phức tạp và thay đổi không ngừng trên bầu trời”, báo cáo nói thêm. “Trong khi đó, phi công thường quá phụ thuộc vào những chỉ đạo từ trung tâm chỉ huy”.

diem yeu chet nguoi cua khong quan trung quoc hinh anh 3

Chiến đấu cơ J-15 Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Vấn đề này cũng xảy ra khi các chiến đấu cơ Trung Quốc tham gia huấn luyện tấn công các mục tiêu trên bộ. Trong một buổi huấn luyện, chỉ huy đã thử khả năng của phi công bằng cách bất ngờ thay đổi mục tiêu khi máy bay đã cất cánh. Phi công vì quá lo lắng dẫn đến sai lầm, bay quá thấp so với yêu cầu và tấn công trượt mục tiêu.

Dựa trên số ít thông tin có được, dường như Trung Quốc đang khuyến khích các phi công tự xây dựng kế hoạch bay, trao cho họ quyền tự quyết trong khi thực hiện nhiệm vụ, “từ khởi động máy bay cho đến thay đổi đường bay và chiến thuật trên không”.

Bắc Kinh thậm chí còn xáo trộn ngẫu nhiên các phi công tại nhiều căn cứ khác nhau để làm quen với nhiều loại địa hình. Trong các cuộc diễn tập, chỉ huy sẽ giới hạn khối lượng thông tin cung cấp cho phi đội trước khi cất cánh. Không quân Trung Quốc thậm chí còn khuyến khích phi công “bỏ qua những giới hạn về mặt an toàn”.

Trước mắt, Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ phụ thuộc vào số lượng máy bay áp đảo thay vì chất lượng phi công trong trường hợp xung đột nổ ra ở châu Á-Thái Bình Dương. Nếu như đụng độ trên không xảy ra ở Đài Loan, chiến đấu cơ Trung Quốc vượt trội với tỷ lệ 3:1 so với lực lượng Mỹ và đồng minh.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn với Lầu Năm Góc nếu Trung Quốc có thể vô hiệu hóa căn cứ Mỹ gần nhất, ví dụ như căn cứ không quân Kadena ở Okinawa (Nhật Bản) bằng tên lửa đạn đạo.

Video lý giải về lỗ hổng khó hiểu của không quân Trung Quốc 

(Nguồn: Dân Việt)
Bình luận
vtcnews.vn