Câu chuyện tỉnh Sóc Trăng chi gần một tỷ đồng từ ngân sách dự phòng của Đảng để lắp camera an ninh cho nhà riêng các lãnh đạo trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang gây xôn xao dư luận.
Trao đổi với Zing.vn, đại tá Lê Minh Quang, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: "Gắn camera ở đây là những điểm phòng chống khủng bố nằm trong quy định".
Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Phó giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, thừa nhận đơn vị này từng kiến nghị cấp trên lắp camera tại trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước và cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy vì đây là mục tiêu bảo vệ của cơ quan công an.
Chống khủng bố, phải có nguy cơ hiện hữu
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường cho rằng, nếu vin vào Luật Phòng, chống khủng bố, thì không phù hợp. Bởi nếu chống khủng bố thì phải có nguy cơ hiện hữu. Nhưng thực tế tình hình an ninh, chính trị ở Sóc Trăng chưa xuất hiện nguy cơ này.
Bên cạnh đó, không thể đánh đồng giữa đề án lắp đặt hệ thống camera đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn với việc lắp đặt camera cho nhà riêng lãnh đạo, đây là hai việc hoàn toàn khác nhau.
“Lắp camera đảm bảo an ninh trên địa bàn là nhiệm vụ chung, còn lắp ở nhà riêng lãnh đạo là việc tư”, ông Trường nói.
Phân tích về “mục tiêu được bảo vệ”, ông Trường cho biết việc này phải căn cứ vào Luật Cảnh vệ. Luật đã liệt kê rõ đối tượng cảnh vệ, trong đó không hề có những thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, vì vậy, không thể vẽ ra việc lắp camera cho nhà những người này để lấy tiền chi từ ngân sách.
“Không biết có phải do địa phương thấy có điều kiện về ngân sách nên tự làm không, còn về quy định thì không đúng”, ông Trường nêu quan điểm.
Nhưng theo ông, khi quyết định chi tiêu một đồng ngân sách cũng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Kể cả ngân sách của Đảng, ông Trường cho biết hàng năm cũng có một phần ngân sách Nhà nước được chuyển qua để thực hiện các mục tiêu cho hoạt động Đảng, tất cả việc này đều có nội dung chi và đều được lập dự toán hàng năm. Vì thế, không thể có chuyện tự nghĩ ra đề án này hay đề án khác để lấy tiền ngân sách chi tiêu.
“Như thế là không được. Nếu tiền nhiều không sử dụng hết phải hoàn trả ngân sách để đảm bảo cho các nhiệm vụ khác”, ông nói.
Nhắc đến “tư duy nhiệm kỳ”, ông Trường cho rằng việc thực hiện chủ trương này cho thấy rõ điều đó khi không có tính toán lâu dài, chỉ tính nhiệm vụ trước mắt.
“Đáng ra lãnh đạo tỉnh phải có tầm nhìn xa. Nay lắp camera cho những người trong Ban Thường vụ, mai họ nghỉ hưu thì tính sao? Có thu hồi camera đó hay lại dùng tiền ngân sách lắp đặt cho nhà lãnh đạo mới?”, ông Trường đặt vấn đề. Chưa kể việc áp dụng cho tất cả thành viên trong Ban Thường vụ là diện quá rộng, không ngân sách nào có thể đảm nhiệm được.
Chia sẻ câu chuyện khi còn công tác ở Quốc hội, ông cho biết có một lãnh đạo Chính phủ thuộc diện có bảo vệ tiếp cận, nhưng vị lãnh đạo đó lại muốn gần dân, sợ xa cách dân và lãng phí nên ông nói không cần bảo vệ tiếp cận, dù rất nhiều người khuyên ông “có chế độ thì cứ hưởng đi”.
“Đó là một tấm gương sáng ở Trung ương, vậy mà cấp thường vụ ở một tỉnh như Sóc Trăng lại tự đề ra yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt. Đó là sự đối lập trong ứng xử của người lãnh đạo”, ông Trường nêu quan điểm.
“Điểm danh” lại hàng loạt lùm xùm ở Sóc Trăng vừa qua như vụ buôn xăng giả của đại gia Trịnh Sướng; vụ Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân vận Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào tổ chức đám cưới “khủng” cho con trai, và giờ là đến vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy ký quyết định lắp camera cho 16 lãnh đạo trong Ban Thường vụ, ông Trường cho rằng cần xem lại cách lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương.
“Sóc Trăng có quá nhiều chuyện, chuyện cũ chưa qua lại có chuyện mới nên các cơ quan Trung ương nên vào cuộc kiểm tra làm rõ, đồng thời có nhắc nhở, cảnh báo và xử lý tùy theo mức độ vi phạm”, ông Trường kiến nghị.
Đặc biệt, ông cho rằng sau câu chuyện này cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra tổng thể việc chi tiêu ngân sách của Sóc Trăng để có câu trả lời đúng - sai rõ ràng, công bố trước dư luận.
“Phải làm rõ trách nhiệm từng cá nhân và xử lý nghiêm để thắt chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách. Trong khi Trung ương quán triệt tinh thần tiết kiệm hàng ngày mà địa phương lại cứ vẽ ra đủ thứ dự án để chi tiền ngân sách, trong đó có những dự án chỉ nghe qua thôi đã thấy có gì đó sai sai rồi”, ông Trường kiến nghị.
Theo ông Trường, cuộc sống của người dân Sóc Trăng đang rất khó khăn, họ thiếu thốn ngay cả những điều thiết yếu hàng ngày, nên nếu lãnh đạo biết nghĩ cho dân thì nên tập trung lo cho những việc đó, cân nhắc, tính toán khi sử dụng từng đồng ngân sách.
Đề nghị kiểm điểm cá nhân, tập thể cho lắp camera
Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (Cà Mau) nhận định việc làm trên của Sóc Trăng không hợp tình, không hợp lý và không hợp lòng dân.
Ông cho rằng việc làm ấy đã vi phạm một số nội dung suy thoái về tư tưởng chính trị mà Trung ương đã chỉ ra. Cụ thể, vướng vào “tư duy nhiệm kỳ” khi chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt.
Theo ông Giang, việc làm ấy cũng thể hiện sự suy thoái về đạo đức, lối sống khi có lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, cá nhân chủ nghĩa, chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể. Cùng với đó là có những quyết định gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách Nhà nước…
Vị đại biểu tỉnh Cà Mau nhấn mạnh theo các quy định của Đảng về chi ngân sách, quy định về trách nhiệm nêu gương, lãnh đạo phải lo cho cái chung trước.
Ông đề nghị trả lại tiền cho ngân sách, đồng thời, phải kiểm điểm các cá nhân, tập thể quyết định cho lắp camera ở nhà riêng lãnh đạo.
Một đại biểu Quốc hội đương nhiệm khác khi được hỏi ý kiến cũng tỏ ra khá bất ngờ vì “tỉnh giàu cũng không dám chơi sang như Sóc Trăng”.
Theo lời vị đại biểu này, việc làm của Sóc Trăng cho thấy đang có sự lạm quyền, sử dụng ngân sách vào mục đích cá nhân nên phải truy đến cùng trách nhiệm, không chỉ trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà còn cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân ủy viên Ban Thường vụ, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
“Việc này Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần phải vào cuộc làm rõ”, vị đại biểu Quốc hội chia sẻ.
Bình luận