Bên cạnh nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh của người dân
Lũy kế từ ngày 22/7 đến nay, Sở TT&TT đã tiếp nhận 24.170 cuộc gọi, tin nhắn phản ánh của người dân về phòng, chống dịch trên Hotline, tài khoản Zalo và hệ thống Bluezone. Trong đó, giải đáp 19.110 phản ánh, chuyển xử lý 5.060 phản ánh.
Các nội dung được người dân thường xuyên quan tâm, phản ánh như điều kiện, giấy tờ cần thiết để được qua các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ cho phép ra vào Thủ đô và di chuyển trong Thành phố không bị xử phạt; cách xử lý khi có các triệu chứng ho, sốt; địa điểm tiêm vaccine COVID-19 và phản ánh các vi phạm trong thời gian Hà Nội giãn cách…
Để kịp thời tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân liên quan tới việc phòng chống COVID-19, trước đó TP. Hà Nội đã tổ chức đào tạo cho các xã, phường về việc tiếp nhận và xử lý phản ánh.
Mọi ý kiến phản ánh của người dân sẽ được các xã, phường trực tiếp tiếp nhận và xử lý. Những ý kiến cấp xã, phường không giải quyết được, sẽ được chuyển lên cấp cao hơn.
Tăng cường khai báo y tế qua các phần mềm
Tính đến ngày 8/9/2021, TP Hà Nội có tổng số tờ khai báo y tế trên hệ thống phần mềm là 6.542.057. Số người dân cài đặt Bluzone đến 18h ngày 8/9 là 3.325.004/8.053.663 dân (tỷ lệ 41,29%). Số người dân có điện thoại đã cài đặt Bluezone là 3.325.004/6.844.865 chiếm tỷ lệ ~ 48,58% đứng thứ 6 cả nước, (sau Đà Nẵng (51,39%), Bắc Giang (52,26%), Quảng Ninh (52,48%), Bắc Ninh (55,52%), Hải Dương (58,03%).
Ông Đỗ Lập Hiển, thành viên thường trực của Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia chia sẻ: “Trong khoảng 1 tuần kể từ khi Hà Nội chính thức khai thác các dữ liệu khai báo y tế và thông tin phản ánh dịch bệnh của người dân trên các nền tảng công nghệ do Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia triển khai, Trung tâm đã cung cấp gần 14.000 bản khai thông tin và hàng trăm trường hợp có nguy cơ mắc COVID-19. Qua đó, cơ quan y tế đã xác định chính xác gần 100 trường hợp F0.
Vận hành hiệu quả Tổng đài 1022 theo khung thời gian 24/7
Cùng với các giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch COVID-19, thành phố đưa vào vận hành Tổng đài 1022 - kênh kết nối, tiếp nhận phản ánh, giải đáp kiến nghị của công dân, tổ chức trên địa bàn thành phố. Tổng đài 1022 được UBND TP Hà Nội giao Sở TT&TT chủ trì thực hiện, bắt đầu hoạt động chính thức từ ngày 19/8, với 4 nhánh: Nhánh 1 (bấm phím 1): Kết nối đến Trung tâm Cấp cứu 115; Nhánh 2 (bấm phím 2): Kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; Nhánh 3 (bấm phím 3): Kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành; Nhánh 4 (bấm phím 4): Kết nối đến Sở TT&TT để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch.
Kể từ ngày 2/9, Sở TT&TT Hà Nội đã bổ sung 2 nhánh của Tổng đài điện thoại 1022 để mở rộng kênh tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân trên địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cụ thể nhánh 5 - "Giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội" và nhánh 6 - "Hỗ trợ nhu yếu phẩm khi người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19". Đồng thời, Sở TT&TT cũng hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội lắp đặt 4 máy tính cài đặt phần mềm softphone kết nối đến Tổng đài điện thoại 1022 để tăng cường năng lực tiếp nhận thông tin gọi đến nhánh 2 kết nối đến CDC Hà Nội.
Đến nay, Tổng đài điện thoại 1022 đã tiếp nhận 6.107 cuộc gọi đến. Trong đó, đã giải đáp, xử lý, tư vấn 3.365 cuộc; chuyển cơ quan khác xử lý theo thẩm quyền 1.161 cuộc gọi. Tổng đài chăm sóc sức khỏe đã chủ động gọi đi 3.699 cuộc, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho F0 được 713 lượt.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở TT&TT, qua công tác truyền thông và liên hệ hai chiều giữa chính quyền và người dân, công tác chống dịch tại Hà Nội nhận được sự đồng thuận rất lớn, nhân dân chủ động, tích cực ủng hộ, góp phần hiệu quả chung tay cùng Thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
Bình luận