• Zalo

Sổ tiết kiệm 70.000 USD 'bốc hơi', kiện ngân hàng 5 năm không xong

Pháp luậtThứ Bảy, 29/10/2016 06:53:00 +07:00Google News

Cho rằng nhân viên ngân hàng Việt Á tự tất toán sổ tiết kiệm của mình một cách vô lý, bà Nguyễn Thị Trinh đã làm đơn kiện lên toà án từ năm 2011 đến nay vẫn chưa xong.

Trong khi khách vẫn giữ sổ tiết kiệm trong tay, đều đặn đến kỳ 3 tháng một lần ra  ngân hàng gia hạn. Thế nhưng, ngân hàng lại cho rằng sổ đã được khách tất toán trước cả kỳ gia hạn. Sự việc diễn ra từ năm 2011 đến nay vẫn chưa được giải quyết …

 Sổ bị tất toán một cách khó hiểu

Bà Nguyễn Thị Trinh ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng có đơn cầu cứu về việc cuốn sổ tiết kiệm trị giá hơn 70.000 USD của bà gửi tại Ngân hàng  TMCP Việt Á, chi nhánh Đà Nẵng  đã bị tất toán một cách khó hiểu.

Theo đơn trình bày của bà Trinh, bà có 2 cuốn sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Việt Á. Cuốn sổ tiết kiệm mang số 1502000001250337 (gọi tắt là số 125) được lập ngày 26/8/2010 với số tiền là 70.000USD; đã gia hạn lần 1 ngày 26/11/2010 và gia hạn lần hai vào ngày 26/2/2011. Cuốn thứ 2 mang  số 1501000002600337 ( gọi tắt là 260), với số tiền gốc là 70.985,81 USD, ngày gửi là 29/1/2011, đã gia hạn 1 lần vào ngày 29/4/2011.

so tiet kiem

Hồ sơ, tài liệu bà Nguyễn Thị Trinh gửi cho VTC News. Ảnh: L.A 

Tuy nhiên, vào ngày 26/5/2011, khi đến kỳ đáo hạn tiếp theo (kỳ hạn 3 tháng/lần) cho cuốn sổ tiết kiệm thứ nhất 125, bà Trinh ra ngân hàng làm thủ tục gia hạn thì bị ngân hàng từ chối với lý do, sổ tiết kiệm của bà đã được tất toán từ 4 tháng trước, vào ngày 29/1/2011.

“Lúc này, tôi không thế tin được, cuốn sổ tiết kiệm vẫn nằm trong tay tôi, tôi chưa từng làm thủ tục tất toán, hồ sơ chứng từ cũng không có chữ ký của tôi thì làm sao tất toán được", bà Trinh trình bày. 

Theo bà không thế có chuyện ngân hàng đã tất toán sổ tiết kiệm cho mình từ 29/1/2011 mà đến kỳ đáo hạn 26/2/2011, khi bà ra làm thủ tục gộp lãi vào gốc và gia hạn sổ thêm 3 tháng nữa thì vẫn được phía ngân hàng giải quyết.

“Làm gì có chuyện tôi đã tất toán sổ tiết kiệm trước đó mà phía ngân hàng không hề hay biết?”, bà Trinh bức xúc.

Nhân viên ngân hàng bất cẩn?

Trả lời khiếu nại của bà Nguyễn Thị Trinh về việc sổ tiết kiệm “bốc hơi”, văn bản 855/CV – CNĐN/11 ngày 19/10/2011 và 35/CV – CNĐN/12 của Ngân hàng Việt Á chi  nhánh Đà Nẵng cho rằng, ngân hàng chỉ công nhận cuốn sổ tiết kiệm số 260 của bà Trinh có hiệu lực. Còn sổ tiết kiệm số 125 đã được tất toán vào ngày 29/1/2011 và chuyển thành sổ tiết kiệm mới 260, chính là cuốn sổ tiết kiệm thứ 2 của bà.

Với thắc mắc của bà Trinh về việc vì sao sổ tiết kiệm đã được tất toán mà bà vẫn giữ sổ trong tay, không bị ngân hàng thu hồi. Và vì sao sổ đã được tất toán từ 29/1/2011 mà đến ngày 26/2/2011 bà ra gia hạn đồng thời gộp lãi vào gốc thì phía ngân hàng vẫn giải quyết bình thường? Phía ngân hàng cho biết, sở dĩ để xảy ra sự việc trên do bà Trinh là khách hàng thân thiết nên nhân viên ngân hàng vẫn giải quyết việc tất toán và cho bà nợ trả sổ cũ vì khi ra tất toán bà không mang theo sổ tiết kiệm?!

Cũng chính vì chưa thu hồi sổ cũ nên ngân hàng đã quên vào sổ sách việc tất toán cuốn sổ 125 này của bà Trinh. Vì thế, đến kỳ đáo hạn, nhân viên ngân hàng vẫn tiếp tục nhập lãi vào vốn và gia hạn sổ tiết kiệm này cho bà kỳ hạn 3 tháng tiếp theo, văn bản của Ngân hàng Việt Á nêu.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Công Thiện, Công ty Luật Phúc Thành, trả lời của Ngân hàng Việt Á là không thuyết phục. Không thể có chuyện nhân viên ngân hàng quá bất cẩn, thiếu nghiệp vụ như thế trong giải quyết công việc. 

Luật sư Thiện cũng đưa ra dẫn chứng, theo quy trình nghiệp vụ, khi tất toán tài khoản tiền gửi tiết kiệm để chuyển sang sổ tiết kiệm mới phía ngân hàng phải lập hai chứng từ kế toán là phiếu chuyển khoản tất toán tài khoản (cũ) và phiếu chuyển khoản mở sổ (mới) để giao nhận giao dịch. Các phiếu này thay thế cho Giấy rút tiền như đối với trường hợp rút vốn và lãi ra khỏi ngân hàng, phải có chữ ký của khách hàng và phải nộp lại sổ tiết kiệm cũ. Điều này là phù hợp với  quy định tại Khoản 1 Điều 15 Quyết định 1160/2004/QĐ – NHNN về tiền gửi tiết kiệm.

Thế nhưng, tại phiếu chuyển khoản FJB 1102900000990 lập ngày 29/1/2011 để tất toán sổ tiết kiệm số 125 mà ngân hàng đưa ra chỉ có chữ ký của nhân viên ngân hàng mà không có chữ ký của bà Trinh.

Ngoài ra, việc ngân hàng quên thu hồi sổ tiết kiệm cũ trong 4 tháng trời và quên đối chiếu sổ sách là vô lý. Bởi đây là nghiệp vụ bắt buộc tối thiểu của nhân viên ngân hàng. Trong khoảng thời gian này, bà Trinh cũng thường xuyên đến ngân hàng giao dịch mà không hề bị nhắc nhở, là điều không thuyết phục.

Nguy cơ mất trắng?

Sau khi phát hiện sổ tiết kiệm của mình bị tất toán và không được phía Ngân hàng Việt Á giải quyết thoả đáng, bà Nguyễn Thị Trinh đã làm đơn kiện ngân hàng này ra Toà án. Tuy nhiên, sau rất nhiều phiên xét xử thì vụ việc của bà đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cụ thể, ngày 24/1/2014, vụ việc được toà xét xử sơ thẩm và ra bản án số 05/2014/DS – ST với phần thắng kiện thuộc về bà Trinh. Bản án quyết định Ngân hàng TMCP Việt Á phải chi trả cho bà Trinh số tiền gửi theo sổ tiết kiệm số 150 ngày 26/8/2010 là 76,426 USD ( bao gồm cả gốc lẫn lãi).

Đến phiên toà phúc thẩm ngày 14/7/2014, TAND TP.HCM tiếp tục ra bản án  số 871/2014/DSPT quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm. Bản án cho rằng tại khoản 1 điều 15 Quy chế tiền gửi tiết kiệm ban hành ngày năm 2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và thể lệ tiền gửi của Ngân hàng Việt Á in ở mặt sau cuốn tiết kiệm được ngân hàng này phát hành thì khi tất toán sổ tiết kiệm như rút vốn, lãi hoặc chuyển sổ mới khách hàng phải hội đủ 3 điều kiện: Nộp sổ tiết kiệm đang có hiệu lực, xuất trình chứng minh nhân dân và ký tên đúng với chữ ký mẫu khi gửi tiền.

Bản án cho rằng khi bà Trinh đến ngân hàng để làm thủ tục tất toán tài khoản cũ và mở tài khoản mới thì không thể có việc ngân hàng không thu sổ tiết kiệm cũ, cụ thể là sổ tiết kiệm số 125.

Thế nhưng, ngày 12/5/2015, Toà án nhân dân Tối cao lại có Quyết định huỷ toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm của TAND Quận 1 TPHCM, yêu cầu cơ quan này xét xử sơ thẩm lại.

“Thực sự tôi không hiểu có chuyện gì đang xảy ra. Theo tôi được biết, từ khi giám đốc thẩm ra quyết định, tối đa 6 tháng phải đưa vụ việc ra xét xử lại. Thế nhưng từ tháng 5/2015 đến nay, hơn một năm nữa trôi qua, toà không có động thái gì, cũng không hề có thông báo hay triệu tập gì với tôi. Không nhẽ, số tiền hơn 70.000 USD của tôi gửi tại Ngân hàng Việt Á có nguy cơ mất trắng?”, bà Trinh nói giọng bất lực.

Lam Anh
Bình luận
vtcnews.vn